Quản lý giá sữa đã thực sự quyết liệt?

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong năm 2013 và ba tháng đầu năm 2014, các doanh nghiệp (DN) đều điều chỉnh tăng giá sữa dành cho trẻ em dưới sáu tuổi từ 2,4% đến 30,6%; phần lớn các DN này đều chi vượt quy định chi phí quảng cáo, tiếp thị lên đến hàng trăm tỉ đồng. Điều này làm tăng giá thành, tăng giá bán tương ứng 2%-16%. Đặc biệt, qua kiểm tra cho thấy các DN này đều có mức lãi rất lớn, 20%-30% trong năm 2013.

Điệp khúc tăng giá sữa là chuyện không mới. Hầu như năm nào giá sữa cũng tăng ít nhất vài ba lần. Điều này đã tác động mạnh đến đời sống người dân. Cứ mỗi lần giá sữa lên, người tiêu dùng bức xúc, cơ quan quản lý (Bộ Tài chính, Y tế, Công Thương) lại họp và đưa ra các văn bản chỉ đạo điều hành. Tuy nhiên, DN vẫn cứ tiếp tục tăng giá sữa, điều này đã được minh chứng trong báo cáo của Bộ Tài chính. Năm nào cũng vậy, những khẩu hiệu như kiểm soát thị trường, bình ổn thị trường sữa cũng được các bộ, ngành đưa ra. Hiệu quả bình ổn đâu chưa thấy nhưng các bà mẹ vẫn phải mua những hộp sữa với mức giá tăng chóng mặt, thậm chí giá bị chênh lên gấp vài lần so với giá thực tế.

Người tiêu dùng có quyền đặt câu hỏi: Vậy lâu nay cơ quan quản lý có vai trò gì trong việc quản lý một trong những mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh? Phải chăng cơ quan quản lý “bất lực”, “bó tay”, buông lỏng  quản lý hay chưa xử lý kiên quyết tới nơi tới chốn? Ai dám chắc rằng sau khi kết quả thanh tra được công bố, giá sữa sẽ được bình ổn. Nếu các cơ quan chức năng không có sự quyết liệt, nghiêm minh thì giá sữa vẫn là “con ngựa bất kham”!

TRÀ PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bất ngờ giá bưởi Tết 2023

Bất ngờ giá bưởi Tết 2023

(PLO)- Sản lượng bưởi cho mùa tết tại các nhà vườn còn ít khiến giá bưởi được dự đoán sẽ tăng cao trong mùa Tết 2023.