Quyết liệt gỡ vướng cho bất động sản

Từ đầu năm đến nay, có đến gần 1.000 doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) giải thể, tạm ngừng hoạt động do tác động của đại dịch COVID-19. Nhiều DN khác cũng hoạt động cầm chừng.

Bên cạnh bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch COVID-19, các DN BĐS còn bị vướng mắc về thủ tục, cơ chế. Do vậy, muốn phục hồi ngành này, các cơ quan chức năng cần quyết liệt tháo gỡ vướng mắc cho nhà kinh doanh.

Gặp khó thị trường và vướng cơ chế

Đề cập đến khó khăn của các công ty BĐS, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa, nhận định: Chín tháng đầu năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên doanh thu của các công ty lớn giảm 30%-40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đối với các công ty nhỏ, có đến 50% hoạt động cầm chừng hoặc tạm dừng hoạt động; 50% còn lại thì tìm hướng kinh doanh mới với các sản phẩm đa dạng hơn.

Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Công ty An Phú Đông, cũng cho hay dịch COVID ảnh hưởng về nguồn thu của các công ty kinh doanh BĐS. “Ví dụ, năm 2020 dự kiến nguồn thu là 1.000 tỉ đồng nhưng do không mở bán được hàng nên doanh thu chỉ đạt khoảng 200 tỉ đồng thôi” - ông Phúc nói.

Tuy vậy, ông Phúc cho rằng trong thời gian dịch bệnh, khi không bán được nhiều hàng thì các công ty BĐS có nhiều thời gian để chuẩn bị hoàn chỉnh về mặt pháp lý hơn. Bên cạnh đó, các công ty cũng có thời gian để điều chỉnh chiến lược kinh doanh, chiến lược sản phẩm và chỉnh đốn dòng sản phẩm của mình để phù hợp thị hiếu thị trường.

Theo Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), trong tám tháng đầu năm nay có đến 923 DN BĐS giải thể, tạm ngừng hoạt động do tác động của đại dịch COVID-19. Con số này tăng 136% so với cùng kỳ và cao nhất so với nhiều lĩnh vực kinh tế khác.

Cụ thể, kể từ đầu tháng 3 đến nay, dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực rất lớn đến cả nước và làm trầm trọng thêm các khó khăn của thị trường BĐS. Trong đó, phân khúc thị trường BĐS cho thuê nhà phố, căn hộ, văn phòng, trung tâm thương mại, dịch vụ… bị ảnh hưởng nhiều nhất. Phân khúc BĐS du lịch như khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch - condotel và thị trường thứ cấp, mua đi bán lại của các nhà đầu tư lướt sóng cũng bị ảnh hưởng không ít.

“Riêng ở TP.HCM, ngoài chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19 thì vướng mắc lớn nhất với thị trường nhà, đất là vấn đề pháp lý. Ví dụ chuyện đất công nằm xen kẽ trong dự án, việc rà soát đất công cũng như câu chuyện thực thi pháp luật liên quan đến BĐS. Hiện trên địa bàn TP.HCM có khoảng 126 dự án xen cài đất công đang bị vướng, 158 mặt bằng và dự án đất công cũng tương tự” - ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, thông tin.

Dịch COVID-19 tạm lắng, giúp thị trường bất động sản tại TP.HCM diễn biến tích cực trở lại. Ảnh: THÙY LINH

Nhiều tín hiệu tích cực

Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa Trần Khánh Quang nhận định hiện nay dịch bệnh đã tạm kiểm soát được. Từ giờ đến cuối năm, muốn bán được hàng tốt, DN BĐS phải chú ý vấn đề giá cả. “Tôi cho rằng không nên bán giá cao để đảm bảo kế hoạch lợi nhuận, vì giai đoạn hiện nay tồn tại quan trọng hơn là lợi nhuận” - ông Quang chia sẻ.

Vị lãnh đạo Công ty Việt An Hòa cũng cho rằng trong thời điểm này nên tạo điều kiện cho khách hàng vượt qua khó khăn do dịch COVID-19. Chẳng hạn, các công ty nhà, đất không nên tạo áp lực về thanh toán cho khách mà nên giãn tiến độ thanh toán như cho phép khách hàng được thanh toán chậm 20%-30% và 3-4 tháng sau thanh toán thêm 5%-10%.

Đồng quan điểm, Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu nhìn nhận đại dịch COVID-19 đã, đang và sẽ tiếp tục làm thay đổi căn bản nền kinh tế toàn cầu và thị trường BĐS. Riêng với BĐS là việc định hình lại nhu cầu nhà ở, tìm kiếm thông tin, giao kết hợp đồng và thanh toán của khách hàng, của nhà đầu tư thứ cấp. Từ đó buộc các đơn vị phát triển dự án BĐS phải thay đổi triệt để để đáp ứng các yêu cầu rất mới này.

Được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 114/2020/NĐ-CP giảm thuế thu nhập DN phải nộp năm 2020 đối với DN, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.

Nghị định nêu rõ: Việc giảm 30% số thuế thu nhập DN phải nộp của kỳ tính thuế thu nhập DN năm 2020 áp dụng đối với trường hợp DN có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỉ đồng.

Còn đối với trường hợp DN dự kiến tổng doanh thu trong kỳ tính thuế thu nhập DN năm 2020 không quá 200 tỉ đồng thì DN xác định phần tạm nộp hằng quý bằng 70% số thuế thu nhập DN phải nộp của quý.

Mới đây, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đề xuất giảm 30% thuế thu nhập DN cho tất cả DN năm 2020, thay vì chỉ áp dụng với DN có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỉ đồng. 

Đặc biệt, các công ty BĐS phải thích ứng và chuyển hướng mạnh mẽ sang nền kinh tế số hóa. Trong đó, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo, làm việc và kết nối trực tuyến, thanh toán I-banking… cũng như tăng cường chào bán hàng online, qua app đang chứng minh được hiệu quả.

Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc nghiên cứu và phát triển Công ty DKRA Vietnam, cho biết chỉ còn khoảng ba tháng nữa năm 2020 sẽ kết thúc. Đây đang là thời điểm nước rút để thị trường BĐS nhà ở TP.HCM “giành” lại những gì đã bị dịch COVID-19 làm ảnh hưởng và dự báo thị trường sẽ sôi động hơn.

Có nhiều tín hiệu để tin tưởng điều đó như kinh tế dần phục hồi, công trình hạ tầng giao thông tại TP.HCM và phụ cận tiếp tục được hoàn thiện hoặc khởi công mới. Đây là yếu tố góp phần thúc đẩy sự sôi động của BĐS. Hơn nữa, Chính phủ và chính quyền địa phương đang chỉ đạo quyết liệt việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án.

Bên cạnh đó, sự chuẩn bị của chủ đầu tư đã tốt hơn trước với những dự án và sản phẩm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của khách mua. Ước tính sẽ có khoảng 7.000-8.000 căn hộ mới được đưa ra thị trường.

“Tuy nhiên, thị trường sẽ có những thách thức đáng kể như sức mua không được như những năm trước, do nhiều người bị ảnh hưởng về thu nhập, tài chính bởi tác động của dịch COVID-19. Nhiều dự án vẫn chưa giải quyết xong những vướng mắc về vấn đề quy trình, thủ tục và pháp lý…, từ đó tác động đến việc ra mắt nguồn cung mới. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực của các DN và sự quyết liệt của các cơ quan chức năng” - ông Hoàng nói.

Căn hộ dưới 1,5 tỉ đồng ngày càng khan hiếm

Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc nghiên cứu và phát triển Công ty DKRA Vietnam, nhận định tại TP.HCM, dịch COVID-19 cơ bản không có sự bùng phát từ cuối tháng 8 đến hiện tại. Nhờ đó, các hoạt động xã hội và kinh doanh đã từng bước phục hồi và trở lại bình thường nên thị trường BĐS ở TP.HCM cũng diễn biến tích cực trở lại.

Theo số liệu thống kê của DKRA Vietnam, trong tháng 9 vừa qua có bốn dự án căn hộ với hơn 1.000 căn đưa ra thị trường. Lượng tiêu thụ trên nguồn cung mới này cũng khá tích cực, ước đạt khoảng 70%. Tính chung cả tháng 8 và tháng 9 có hơn 3.000 căn hộ được đưa ra thị trường với mức tiêu thụ trung bình khoảng 70%.

Tuy vậy, hiện thị trường BĐS với phân khúc căn hộ chiếm chủ đạo nhưng chỉ tập trung vào phân cấp hạng B và hạng A. Căn hộ hạng C dưới 25 triệu đồng/m2 và căn hộ dưới 1,5 tỉ đồng/căn đang ngày càng khan hiếm. Điều này có nghĩa khả năng sở hữu nhà ở của những người có thu nhập trung bình, người có nhu cầu ở thật ngày càng xa vời.

Quyết liệt gỡ vướng cho bất động sản ảnh 2
Kinh tế dần phục hồi, công trình hạ tầng giao thông tiếp tục được hoàn thiện hoặc khởi công mới… góp phần thúc đẩy sự sôi động của bất động sản. Ảnh: HOÀNG GIANG 

Kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm

Ông Nguyễn Hoàng Việt, Chủ tịch HĐQT Son Viet Property JSC (SVP) - một đơn vị phát triển và phân phối nhà đất, nêu thực tế hiện nay lượng hàng của chủ đầu tư ở cả hai nhóm là đầu tư và tiêu dùng đều đang tồn kho.

“Vậy giải pháp để giải phóng hàng tồn là gì? Chấp nhận lợi nhuận thấp nhưng khả thi là giải pháp cần ưu tiên. Ngoài ra, các hình thức khuyến mãi, tặng kèm, trả chậm... cần được áp dụng tối đa để kích cầu tiêu dùng. Cuối năm người dân có thể đón dòng kiều hối từ các nước cũng như các khoản thưởng, do vậy các chủ đầu tư nên tận dụng để đưa ra lời chào hàng tốt nhất” - ông Việt phân tích.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm