Sếp du lịch phải đi học: Quy định trái luật cần bỏ

Như chúng tôi đã phản ánh trong hai số báo liên tiếp, Thông tư 06/2017 của Bộ VH-TT&DL buộc chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc… các công ty du lịch phải có bằng cấp CĐ chuyên ngành lữ hành. Trong trường hợp không có, các lãnh đạo phải đi học lớp nghiệp vụ du lịch.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho hay để khắc phục những bất cập tại Thông tư 06/2017, tới đây cơ quan này sẽ đề xuất sửa đổi thông tư để bổ sung những người học quản trị kinh doanh du lịch cũng đủ điều kiện điều hành doanh nghiệp (DN) lữ hành. Tuy nhiên, những người học ngành nghề khác thì vẫn bắt buộc phải qua lớp quản lý về quản trị du lịch thì mới đủ điều kiện điều hành DN. Thông tin này tiếp tục gây bức xúc cho các chuyên gia, DN.

Luật sư LÊ HÀ GIA THANH, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Thực chất là đẻ thêm giấy phép con

Tôi cho rằng việc ban hành Thông tư 06 thực chất là đẻ thêm giấy phép con, đẻ thêm điều kiện kinh doanh. Điều này là đi ngược lại chủ trương tạo thông thoáng về môi trường kinh doanh cho DN. Nó cũng đi ngược lại chủ trương chính phủ kiến tạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thực tế cho thấy hiện nay có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật có chế tài xử lý từ vi phạm từ hành chính, thậm chí xử lý hình sự nếu DN lữ hành vi phạm pháp luật. Hơn nữa, với công ty kinh doanh lữ hành nội địa và quốc tế đều phải ký quỹ bắt buộc.

Do đó, không cần đặt thêm nhiều rào cản về pháp lý để làm khó cho DN du lịch vốn đang gặp rất nhiều khó khăn như hiện nay. Cụ thể, tôi đề nghị không nên bắt các chủ tịch HĐQT, chủ tịch HĐTV, chủ DN tư nhân… đi học lớp nghiệp vụ. Bởi vì các chủ DN hoàn toàn có khả năng tuyển dụng các nhân sự đáp ứng theo yêu cầu của quản lý nhà nước và họ hoàn toàn làm chủ được hoạt động của DN mình khi vận hành theo nền kinh tế thị trường.

Hiện nay không ít người vừa là giảng viên trường ĐH vừa là giám đốc công ty du lịch. Trong ảnh: Sinh viên Trường Đại học Cửu Long trong một tiết học. Ảnh: TU

Ông PHAN ĐÌNH HUÊ, Giám đốc Công ty Du lịch Vòng Tròn Việt:

Lãng phí tiền bạc, thời gian

Thông tư 06 buộc lãnh đạo các công ty phải có bằng cấp, chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch là rất vô lý. Tôi cho rằng chứng chỉ này không phải là nghiệp vụ hành nghề vì thực tế nhiều DN đã rành nghề, giỏi nghề rồi. Nếu chủ DN không làm được, không giỏi kinh doanh thì thị trường đã đào thải họ và dẹp tiệm chứ đừng ép.

Chưa kể hiện nay nhiều giám đốc các công ty lữ hành đang được các trường mời về giảng dạy các mảng thực hành trong đào tạo du lịch. Như vậy có cần thiết bắt họ đi học những chuyện đã biết rồi không? Không nên lãng phí tiền bạc, thời gian, công sức của lãnh đạo các công ty vào những chuyện như vậy.

Ông PHẠM VĂN DU, Giám đốc Công ty TNHH TM DV Du lịch Xuân Nam:

Trên rải thảm, dưới rải đinh

Theo Thông tư 06, nếu những người điều hành lữ hành không có bằng chuyên ngành phải đi học lớp nghiệp vụ để được cấp chứng chỉ điều hành du lịch là không thể chấp nhận được. Đó là chính sách thể hiện sự thiếu nhất quán của cơ quan quản lý ngành vì mỗi lần ra quy định mới là lại đẻ thêm điều kiện mới gây khó cho người kinh doanh.

Các DN như chúng tôi đi kiếm khách đã khó khăn, giờ lại lo phải đối phó với chính sách bất hợp lý của Nhà nước nữa thì rất cực khổ.

Tôi đề xuất với những giám đốc công ty đã có quá trình làm lãnh đạo liên tục từ 10 năm trở lên nên miễn việc đi học lại vì thực sự không có ý nghĩa gì với họ. Với những trường hợp này, nếu có nhu cầu học thì hãy để họ tham gia tự nguyện học.

Tốt nghiệp thạc sĩ tại Bỉ vẫn phải đi học

Ông HC, Giám đốc một công ty du lịch tại TP.HCM, kể ông tốt nghiệp chuyên ngành quản trị kinh doanh du lịch khoa Thương mại - du lịch - marketing Trường ĐH Kinh tế TP.HCM hệ chính quy năm 1997. Tốt nghiệp thạc sĩ kinh doanh tại Viện Quản trị kinh doanh Brussel của Bỉ… và đã chinh chiến qua 21 năm trong ngành du lịch. Thế nhưng tháng 3 vừa rồi, khi xin giấy phép lữ hành quốc tế theo Luật Du lịch 2017 thì không được chấp nhận.

“Khi tôi hỏi Tổng cục Du lịch lý do vì sao, họ trả lời mã ngành tôi học không đúng với mã ngành quy định theo Thông tư 06. Từ lúc tôi tốt nghiệp đến lúc có Thông tư 06 này là 20 năm, làm sao đúng mã ngành như họ đòi hỏi được! Tôi không thể đi học lại lớp nghiệp vụ vì không cần thiết. Rất mong cơ quan chức năng có những quyết định thấu lý đạt tình” - ông C. chia sẻ.

Ông Trần Trung, chuyên gia trong ngành du lịch:

Kiểu gì cũng phải… đi thi

 Luật Du lịch quy định công ty lữ hành có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, với chứng chỉ điều hành quốc tế thì được phép làm cả du lịch nội địa. Tuy nhiên, Tổng cục Du lịch lại không đồng ý chứng chỉ điều hành quốc tế thay thế chứng chỉ điều hành du lịch nội địa để xin phép lập công ty nội địa.

Sở Du lịch TP.HCM từng kiến nghị Bộ VH-TT&DL đồng ý chấp nhận chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế trong hồ sơ cấp giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa đã được luật quy định nhưng cũng không được chấp nhận. Theo đó, DN lữ hành nội địa muốn được kinh doanh quốc tế thì phải thi, còn công ty lữ hành quốc tế đã trả giấy phép lữ hành quốc tế muốn kinh doanh nội địa cũng phải thi

TS Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương:

Thông tư trái luật, cần bãi bỏ

Sếp du lịch phải đi học: Quy định trái luật cần bỏ ảnh 2
TS Nguyễn Đình Cung

Quy định như trong Thông tư 06/2017 của Bộ VH-TT&DL buộc chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc, giám đốc… các công ty lữ hành phải có bằng cấp CĐ chuyên ngành lữ hành thực chất là một điều kiện kinh doanh.

Trong khi đó, pháp luật không cho phép điều kiện kinh doanh được quy định ở cấp thông tư.

Nguyên tắc chung là chỉ có Chính phủ mới được ban hành điều kiện kinh doanh theo luật định.

Như vậy, xét về căn cứ pháp luật, điều kiện kinh doanh trong Thông tư 06/2017 của Bộ VH-TT&DL là trái luật.

Vì trái luật cho nên các tổng giám đốc, giám đốc…, những người quản trị trong các công ty du lịch không cần phải tuân thủ quy định này. Khi không tuân thủ một quy định trái luật thì đương nhiên cũng không phải chịu hậu quả pháp lý gì.

Về phía Bộ VH-TT&DL, Bộ cần phải rà soát lại quy định này trên tinh thần cầu thị và các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh. Tốt nhất là bộ trưởng Bộ VH-TT&DL ban hành một thông tư khác để bãi bỏ Thông tư 06/2017.

CHÂN LUẬN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm