Tìm lối thoát cho khủng hoảng thịt heo

Đó là đánh giá của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường tại diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu thịt heo VN vừa diễn ra cuối tuần qua.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thừa nhận dù VN là quốc gia có tiềm năng chăn nuôi lớn với năng lực sản xuất 27,5-28 triệu con heo mỗi năm nhưng việc xuất khẩu thịt heo vẫn chưa có sự đột phá. Phần lớn là xuất khẩu heo hơi sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch, còn xuất chính ngạch thì vẫn tắc.

“Với hơn 4 triệu tấn thịt heo hơi, lớn hơn cả sản lượng lúa gạo mà mỗi năm chỉ xuất khẩu được 20.000 tấn heo sữa, heo choai, chứng tỏ khâu chế biến và thị trường đều có vấn đề. Xuất khẩu hoàn toàn không tương xứng với tiềm năng sản xuất” - Bộ trưởng Cường nói.

Cũng tại diễn đàn này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng cuộc giải cứu thịt heo vừa qua đã giúp được phần nào người chăn nuôi thoát khỏi khủng hoảng. Song nếu chỉ hô hào giảm giá, kêu gọi lòng trắc ẩn của mọi người thì cũng chỉ giải quyết được vài chục ngàn con heo, không thấm vào đâu so với hàng triệu con đang nằm ở các trang trại.

Đáng lo là với kiểu chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ, không có quy hoạch như hiện nay thì sau cuộc giải cứu vừa qua, ngành chăn nuôi heo có thể lại tiếp tục rơi vào khủng hoảng.

Theo Thứ trưởng Tám, biện pháp cấp bách hiện nay phải là xuất khẩu ra thị trường bên ngoài. Thị trường đó có thể là các nước gần VN như Philippines, Myanmar, Trung Quốc… Riêng Philippines năm nào cũng phải nhập khẩu thịt heo.

“Chúng ta chưa có lò mổ hiện đại cấp đông đúng tiêu chuẩn thì có thể bán heo sang nước họ bằng việc vận chuyển thông qua tàu thủy, qua các cảng ở miền Trung chỉ 2-3 ngày là tới nơi. Thậm chí nếu họ gặp khó khăn về thanh toán, chúng ta có thể đưa ra các chính sách như bán heo trả chậm, hàng đổi hàng hay bất cứ hình thức nào khác. Qua đó để giải quyết hết số heo đang tồn đọng chứ càng để lâu, nguy cơ dịch bệnh càng thiệt đơn thiệt kép” - Thứ trưởng Tám gợi ý.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng cho hay Bộ đang xây dựng đề án “Phát triển chuỗi sản xuất động vật, sản phẩm động vật để xuất khẩu”. Mục tiêu cụ thể là đến hết năm 2020 xây dựng được một số chuỗi sản xuất thịt heo chế biến chín xuất sang Đông Nam Á, châu Á, châu Âu…

Đây là hướng đi đúng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng để có cơ hội xuất khẩu thì cơ quan thú y cần tích cực trao đổi về thủ tục thú y với các nước, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh để các doanh nghiệp có cơ hội xuất khẩu. Đặc biệt là cơ quan chức năng phải cùng doanh nghiệp tổ chức lại ngành chăn nuôi trong nước, kiểm soát tốt dịch bệnh, lúc đó sản phẩm mới đủ sức cạnh tranh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm