Từ quản lý đến "độc quyền" vàng - Bài 3: Được - chưa được trong điều hành

“Nếu xét về biện pháp thì việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra các chính sách quản lý vàng thời gian qua, đặc biệt là độc quyền sản xuất vàng miếng là điều nên làm trong bối cảnh thị trường vàng đang có sự bát nháo, biến động. Việc đưa vàng miếng về một thương hiệu nhằm bình ổn, hạn chế thao túng, đầu cơ trên thị trường” - TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, nói.

. Ông nói đó là điều nên làm nhưng tại sao hiệu quả không như mong muốn?

+ TS Nguyễn Trí Hiếu: Khâu tổ chức thiếu chuyên nghiệp và không chặt chẽ tạo nên kẽ hở cho giới đầu cơ tung hoành, cộng với biến động của giá thế giới đã chi phối giá vàng trong nước. Nghị định 24 và Quyết định 1623 của NHNN có ý tưởng rút gọn quy mô giao dịch toàn hệ thống, siết chặt hoạt động huy động vàng cho vay, độc quyền sản xuất vàng miếng của Nhà nước. Thực tế ý tưởng thì tốt nhưng quá trình thực hiện đã tạo cho dư luận cách hiểu khác đi.

. Như vậy có nghĩa việc NHNN chọn SJC làm thương hiệu là chưa hợp lý?

+ Tôi nghĩ rằng NHNN nên thử phân tích xem nếu lấy thương hiệu quốc gia với một tên gọi khác không liên quan đến thương hiệu của một DN cụ thể thì tình hình có gây tâm lý đám đông như hiện nay không.

. Lời hứa của thống đốc NHNN sẽ kéo chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới về khoảng 400.000 đồng/lượng xem như chưa đạt được?

+ Tính đến thời điểm này, NHNN đã thất bại với mục tiêu rút ngắn khoảng cách giá chênh lệch xuống dưới 400.000 đồng/lượng. Đặc biệt, cuối tháng 9 và đầu tháng 10, giá vàng trong nước nói chung vẫn cao hơn giá thế giới từ 2,5 triệu đến 3 triệu đồng/lượng; thậm chí so với các thương hiệu “phi” SJC, giá vàng miếng SJC cũng chênh ở mức tương tự. Mức vênh này nằm ngoài tầm kiểm soát của NHNN.

Từ quản lý đến "độc quyền" vàng - Bài 3: Được - chưa được trong điều hành ảnh 1

Các thương hiệu vàng miếng khác như PNJ, SBJ… phải chịu lép vế trước thương hiệu SJC. Ảnh minh họa: HỒNG LOAN

. Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến cơn sốt giá vàng SJC?

+ Tôi cho rằng hoạt động của giới đầu cơ là tác nhân gây nên tình trạng “sốt” giá vàng. Điều quan trọng hơn, lâu nay thanh khoản vàng từ các ngân hàng thương mại (NHTM) ở trạng thái âm; họ huy động vàng của người dân rồi mang bán, lúc thị trường có biến động, người dân đổ xô đi rút, dĩ nhiên các ngân hàng phải mua vào nhiều khiến giá vàng bị đẩy lên cao. Bên cạnh đó, NHTM đang gấp rút chạy đua huy động trước thời điểm 25-11, khi họ không được huy động vàng nữa.

. Ông có nói về chênh lệch giá vàng SJC và các thương hiệu khác, dư luận băn khoăn khoảng chênh lệch đó rơi vào tay ai?

+ Vàng được xem là tiền tệ nhưng cũng là hàng hóa khiến cho lượng vàng cất giữ trong dân càng lớn, ước tính hơn 400.000 tấn. NHNN khó kiểm soát lượng cất giữ này. Giá vàng biến động dẫn tới kẻ thua người thắng. Dĩ nhiên, lợi nhuận sẽ rơi vào tay kẻ đầu cơ chuyên nghiệp, bản thân người dân cũng là tác nhân và hưởng lợi. Người dân có tính mạo hiểm, chấp nhận rủi ro cao về tiền bạc kèm tâm lý đám đông là kẽ hở để giới kinh doanh đầu cơ khai thác.

. Ông có kiến nghị gì với NHNN và cá nhân thống đốc trong việc đưa ra chính sách điều hành hiệu quả hơn, đem lại sự ổn định cho thị trường vàng?

+ Tôi vẫn bảo vệ quan điểm NHNN nên phát hành chứng chỉ vàng. Đây là công cụ quản lý vàng đúng mức, bảo đảm giá trị tài sản. Ngoài ra, NHNN nên lập kế hoạch xúc tiến lập sàn vàng quốc gia; sàn vàng là nơi giao dịch vàng chính thống, được cấp phép làm ăn đàng hoàng. Thế nhưng dường như điều này đang bị cơ quan quản lý quên lãng.

Về quy chế quản lý vàng, NHNN vẫn chưa có khái niệm rõ ràng vàng là hàng hóa hay tiền tệ. Mặt khác, theo thông lệ, ở các nước, ngân hàng trung ương không làm nhiệm vụ quản lý vàng mà giao cho một cơ quan chức năng riêng biệt. Không nên giao cho SJC độc quyền gia công để tạo sự độc quyền kinh doanh. NHNN nên có điều chỉnh.

. Xin cảm ơn ông.

Người dân cần câu trả lời từ NHNN

Các chính sách về vàng đưa ra dường như không đạt được kết quả như mong muốn, nếu không nói là thất bại. Thị trường vàng không ổn định, giá cả lên xuống bất thường, giá vàng trong nước không được khơi thông với thị trường và quốc tế, luôn cao hơn giá vàng thế giới trên 3 triệu đồng. Đặc biệt, quyết định sử dụng vàng SJC làm thương hiệu độc quyền đã tạo ra khoảng cách giá cả giữa vàng miếng SJC và các thương hiệu vàng khác trong nước từ vài trăm đến 2 triệu đồng/lượng, gây thiệt hại to lớn cho người dân và các doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Đang sở hữu vàng miếng chất lượng giống nhau, chỉ khác thương hiệu thì chỉ một quyết định của Nhà nước, người dân đã mất đi một số tiền không nhỏ. Mỗi chính sách ban hành cần phải đảm bảo không để thiệt hại cho người dân. Tại sao NHNN không đặt ra thời hạn từ sáu tháng đến một năm để chuyển đổi tất cả vàng thương hiệu khác sang vàng SJC bằng cách mua lại của người dân theo giá vàng SJC trên thị trường, có tính đầy đủ các loại phí chuyển đổi cần thiết? Làm được như vậy trước tiên quyền lợi của người dân được bảo vệ, không tạo lên sự khan hiếm vàng nói chung và vàng miếng SJC nói riêng như hiện nay, không đẩy giá vàng SJC lên cao mà lại tạo sự ổn định thị trường, đặc biệt không có khả năng xuất hiện vàng SJC giả.

Có người đặt vấn đề từ vàng nguyên liệu chỉ cần bỏ ra 50.000 đồng để dập lại vàng thương hiệu SJC đã tạo khoảng lợi nhuận 1-2 triệu đồng lợi nhuận to lớn rơi vào túi ai? Đây thực sự là một câu hỏi mà người dân cần câu trả lời từ NHNN.

Đại biểu LA NGỌC THOÁNG (Cao Bằng)

QUỲNH NHƯ ghi

TRÀ PHƯƠNG thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm