Việt Nam bị phạt thẻ vàng thủy sản, EU nói gì?

Ngành thủy sản Việt Nam (VN) đang choáng váng vì Liên minh châu Âu (EU) vừa công bố phạt thẻ vàng đối với thủy sản VN xuất khẩu vào thị trường này do tình trạng đánh bắt bất hợp pháp không được báo cáo và không được quản lý (IUU).

Bên lề buổi làm việc với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản VN ngày 9-11, Pháp Luật TP.HCMđã trao đổi với bà Miriam Garcia Ferrer, Tham tán thứ nhất, Trưởng ban Thương mại và Kinh tế (thuộc Phái đoàn EU tại VN), xung quanh vấn đề trên.

Có thể ảnh hưởng đến hiệp định Việt Nam-EU

. Phóng viên: Thưa bà, việc EU phạt thẻ vàng về chống khai thác bất hợp pháp có khiến mặt hàng thủy hải sản xuất khẩu của VN gặp khó khăn?

Bà Miriam Garcia Ferrer

+ Bà Miriam Garcia Ferrer:Hiện tại EU chưa tiến hành bất cứ biện pháp kiểm soát chặt chẽ nào đối với hàng thủy hải sản nhập khẩu từ VN. Mọi hoạt động giao dịch thương mại vẫn diễn ra bình thường và doanh nghiệp (DN) VN không nên quá lo lắng.

Tuy nhiên, EU có hệ thống cảnh báo các lô hàng vi phạm về chất tồn dư, vi phạm truy xuất nguồn gốc và đặc biệt sẽ lưu ý những lô hàng được đánh bắt từ biển. Hệ thống này sẽ gửi thông tin về cho phía VN nắm và khắc phục.

Đặc biệt, cần chú ý trong bối cảnh VN và EU đang đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) VN-EU, dự kiến sẽ được Nghị viện châu Âu phê chuẩn thông qua vào thời điểm giữa năm 2018. Nhưng với việc bị EU giơ thẻ vàng, nếu thời gian tới VN không đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế cũng như quy định của EU về chống khai thác đánh bắt bất hợp pháp thì không chỉ ngành thủy sản VN bị “thẻ đỏ” cấm hoàn toàn xuất khẩu vào EU mà còn ảnh hưởng rất lớn đến hiệp định thương mại tự do VN-EU.

Xin nhấn mạnh: Rất khó để Nghị viện châu Âu phê chuẩn hiệp định trên nếu mặt hàng hải sản VN vi phạm quy định về chống đánh bắt bất hợp pháp.

. Những quốc gia từng bị EU áp dụng biện pháp trừng phạt như trên chịu thiệt hại ra sao?

+ Thái Lan là một minh chứng cụ thể cho vấn đề trên. Từ tháng 4-2015, nước này bị EU giơ thẻ vàng do không đáp ứng quy định khai báo khai thác bất hợp pháp của EU. Dù Thái Lan đã có những động thái hợp tác, có các biện pháp như sửa đổi luật, truy xuất nguồn gốc… nhằm đáp ứng quy định chống khai thác bất hợp pháp nhưng EU vẫn đánh giá chưa có sự tiến triển.

Hậu quả là hiệp định thương mại tự do Thái Lan-EU vẫn chưa được Nghị viện châu Âu phê chuẩn. Hiệp định thương mại này vẫn bị “treo” tại chỗ, chưa có hiệu lực. Điều này khiến DN Thái Lan bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển thương mại.

Nên coi thẻ vàng của EU là cơ hội để ngành thủy sản Việt Nam thay đổi theo hướng tích cực hơn. Ảnh: QUANG HUY

Nguy cơ bị thẻ đỏ rất cao

.Nhiều ý kiến lo ngại EU sẽ cấm nhập khẩu hải sản nếu VN bị thẻ đỏ?

+ Theo quy định, trong vòng sáu tháng tới kể từ khi chính thức bị thẻ vàng (tức đến ngày 23-4-2018), nếu phía VN không cải thiện, thực hiện tốt quy định về chống khai thác bất hợp pháp thì khả năng bị thẻ đỏ là chắc chắn xảy ra, tức là cấm việc xuất khẩu thủy sản VN vào EU.

Mới đây nhất (ngày 8-11-2017), Tổng cục Nghề cá EU đã gửi thông báo tới Tổng cục Thủy sản VN, yêu cầu cơ quan chức trách không cho cập cảng một chiếc tàu khai thác bất hợp pháp. Cơ quan trên của EU đã thông tin cụ thể số hiệu, hành trình của con tàu này… và các nước trong khu vực đã từ chối cho tàu trên cập cảng. Thế nhưng cơ quan chức trách VN vẫn cho tàu này cập cảng.

Dù VN không tiêu thụ lô hàng hải sản bất hợp pháp trên nhưng việc cho phép cập cảng, EU sẽ cho rằng VN đồng lõa, chấp nhận khai thác bất hợp pháp, tiếp tay tiêu thụ hàng hải sản vi phạm quy định về chống khai thác bất hợp pháp.

EU sẽ coi đây là điểm đen trong quá trình đánh giá việc VN thực hiện quy định chống khai thác bất hợp pháp. Nếu VN không phản hồi, giải thích lại và khắc phục vi phạm thì sẽ bị phạt thẻ đỏ.

Nói phải đi đôi với làm

. Vậy VN cần phải làm gì để đáp ứng quy định về chống khai thác bất hợp pháp của EU nhằm tránh bị giơ thẻ đỏ, thưa bà?

+ Liên quan đến khung pháp lý, EU biết VN đang tích cực thay đổi bằng việc lấy ý kiến góp ý về Luật Thủy sản sửa đổi để đáp ứng quy định chống đánh bắt, khai thác hải sản bất hợp pháp.

Nhưng đáng tiếc là bản dự thảo Luật Thủy sản sửa đổi phía VN gửi mà EU nhận được lại cho thấy nhiều nội dung không theo tiêu chuẩn quốc tế mà EU khuyến nghị đưa vào luật. Điều này không mang lại lợi ích cho VN khi không đáp ứng quy định về chống khai thác bất hợp pháp.

Hơn nữa, luật đã được thông qua thì cần mất rất nhiều thời gian mới có thể sửa đổi, bổ sung lại. Khi đó, nguy cơ bị thẻ đỏ ngành hải sản xuất khẩu VN là khó tránh khỏi.

Mạnh tay với đánh cá bất hợp pháp

Một đề nghị của EU cực kỳ quan trọng đối với vấn đề pháp lý của VN trong dự thảo Luật Thủy sản sửa đổi là quy định về chế tài xử phạt. Các quy định chế tài xử phạt khai thác bất hợp pháp thường được VN đưa vào văn bản dưới luật, mức xử phạt thấp, không mang tính răn đe. Chưa kể văn bản lưới luật đều dễ thay đổi.

Vì thế VN cần đưa các quy định chế tài vào trong luật, tăng mức chế tài cao hơn, thể hiện được sự quyết liệt của Chính phủ VN trong công tác chống khai thác bất hợp pháp.

Bà MIRIAM GARCIA FERRER

. EU có hỗ trợ VN trong việc thực hiện quy định chống khai thác bất hợp pháp, thưa bà?

+ VN không nên coi thẻ vàng của EU là mối lo ngại mà chính là cơ hội để ngành thủy sản VN thay đổi theo hướng tích cực hơn. Qua đó để hoàn thiện các chính sách quản lý thông tin, quản lý nguồn lợi hải sản, kế hoạch đánh bắt. Khi đó hải sản vùng biển VN sẽ dồi dào hơn, khai thác bền vững hơn, gia tăng uy tín và việc lấy lại thẻ xanh là chuyện đương nhiên.

VN cần thể hiện những thay đổi thiết thực, gửi đi những cam kết có bằng chứng thuyết phục qua những việc làm cụ thể, những việc đã thực hiện mang lại hiệu quả trên thực tế.

EU sẵn sàng hỗ trợ VN thực hiện tốt quy định này.

. Xin cám ơn bà.

Đối tác Nhật Bản “dọa” không mua

Thẻ vàng của EU bắt đầu có hiệu lực từ ngày 23-10-2017. Nhiều DN cho biết do bị thẻ vàng nên không chỉ hải sản VN xuất sang EU gặp khó mà những thị trường khác cũng ảnh hưởng.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch kiêm Chủ tịch Ủy ban Hải sản của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản VN, thông tin: Mới đây, một số khách hàng lớn, có giá trị ở Nhật Bản cũng tuyên bố rằng nếu VN bị phạt thẻ đỏ từ phía EU thì chính phủ Nhật Bản cũng không cho phép các công ty Nhật thu mua sản phẩm hải sản của VN.

“Đây thực sự là vấn đề nghiêm trọng, chúng tôi đã gửi đơn kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội và bộ trưởng Bộ NN&PTNT để có kế hoạch hành động quốc gia nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác bất hợp pháp” - bà Sắc cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm