‘Việt Nam sẽ không rơi vào cảnh giành giật thịt heo’

Nhu cầu tiêu dùng thịt heo tăng trong dịp tết nhưng hiện nguồn cung lại giảm mạnh và giá sản phẩm này tiếp tục leo thang từng ngày. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCMvề vấn đề đang rất nóng này, ông Quách Phong, Giám đốc bộ phận tư vấn Công ty tư vấn Ipsos Business Consulting, nói: “Việt Nam (VN) thiếu thịt heo nhưng sẽ không rơi vào tình cảnh tranh giành vì khan hiếm thịt heo như Trung Quốc”.

Thiếu nửa triệu tấn thịt heo

. Phóng viên: Căn cứ vào đâu mà công ty ông dự báo VN có thể thiếu hụt tới 500.000 tấn thịt heo dịp cuối năm và tết Nguyên đán 2020, thưa ông? 

Ông Quách Phong

+ Ông Quách Phong: Thực tế thì nguồn cung thịt đã thiếu nhiều hơn chúng tôi dự đoán ban đầu vì có tình trạng bán tháo heo trên cả nước do dịch tả heo châu Phi lan rộng. Khi nguồn cung thiếu hụt đẩy giá heo hơi lẫn heo thịt tăng vọt.

Tuy nhiên, thịt heo không chỉ thiếu trong dịp tết này mà dự báo năm sau VN vẫn sẽ rất “vất vả” với nguồn cung vì đàn heo giảm liên tục.

. Nhiều ý kiến lo lắng tết này thị trường VN sẽ khan hiếm thịt heo giống như Trung Quốc, đến mức phải bán thịt heo theo kiểu tem phiếu thời bao cấp. Ông có thể nói gì về lo ngại này?

+ Thiếu thịt heo tại VN là điều chắc chắn nhưng chúng tôi nhận thấy có sự chuyển dịch trong tiêu dùng. Cụ thể là khi giá thịt heo tăng cao, nhiều người ăn ít thịt heo hơn và chuyển sang các sản phẩm khác như gà, vịt, bò... Từ đó những loại thực phẩm khác như gà, bò, cá và các sản phẩm liên quan đến thịt heo cũng tăng giá theo.

Điều này đòi hỏi các nhà điều hành phải có biện pháp phù hợp như nới lỏng nhập khẩu heo đông lạnh để giải quyết ngắn hạn.

. Phương án nhập khẩu thịt heo đã được cơ quan nhà nước đưa tới nhằm bình ổn thị trường. Theo ông, điều này có khả thi đối với thị trường VN?

+ Nó phụ thuộc vào việc người tiêu dùng họ có chấp nhận thịt heo đông lạnh hay không. Thông thường thịt heo đông lạnh chỉ phù hợp với các công ty chế biến thực phẩm (xúc xích, lạp xưởng…) và một số nhà hàng, khách sạn. Thói quen thích thịt nóng (ngay sau khi giết mổ) của người tiêu dùng vẫn chiếm đa phần trong cơ cấu bữa ăn của người dân VN nên rất khó nói trước điều gì về vấn đề này.

Ngoài ra, có nhiều phân tích đã chỉ ra rõ rằng nguồn cung các loại thịt tại VN cũng có giới hạn và nhỏ hơn thịt heo nhiều. Thế nên việc chuyển dịch cơ cấu tiêu thụ có muốn cũng không xảy ra nhanh được. Tuy nhiên, đây vẫn là giải pháp khả thi trong ngắn hạn.

. Liệu người tiêu dùng có thể kỳ vọng giá thịt heo nhập khẩu về đến VN sẽ rẻ?

+ Hiện tại giá thịt heo nhập khẩu về VN đang rẻ hơn thịt trong nước. Nhưng cần lưu ý, không riêng VN mà Trung Quốc và một số nước khác cũng đang nhập khẩu thịt đông lạnh vì khan hiếm nguồn cung. Do đó, giá heo nhập khẩu có thể sẽ tăng trong thời gian tới.

Những ngày gần đây giá thịt heo tiếp tục tăng, hiện giá heo hơi có nơi đã vọt lên mức trên 82.000 đồng/kg. Ảnh: TÚ UYÊN

Thời điểm vàng nâng cao năng suất heo

. Theo ông, thời điểm này có nên tái đàn hay mở trại mới chăn nuôi heo nhằm đáp ứng nhu cầu cho tết? 

+ Việc tái đàn của nông dân và các trang trại lớn từ nay đến tháng 4-2020 vẫn sẽ diễn ra nhưng hạn chế vì dịch bệnh chưa chấm dứt. Do vậy, việc tái đàn còn gặp khó khăn và sẽ chưa đáp ứng ngay được lượng thịt cho thời điểm hiện tại và dịp tết sắp tới.

. Vậy theo ông, người chăn nuôi nên làm gì trong thời điểm này?

+ Giải pháp tốt đối với người chăn nuôi là làm sao giảm tỉ lệ chết sau sinh của heo con. Trước đây các trang trại nhỏ thường không được quản lý kỹ lưỡng và người chăn nuôi thường chấp nhận một tỉ lệ chết cao. Nói cách khác, đây là giai đoạn vàng cho người chăn nuôi để nâng cao kỹ thuật, áp dụng phương pháp nuôi tốt để giảm tỉ lệ heo chết.

. Đâu là giải pháp căn cơ cho ngành chăn nuôi VN?

+ Bộ NN&PTNT đã nhấn mạnh: Quy hoạch chăn nuôi phải gắn với nhu cầu thị trường, tránh phát triển tràn lan, tự phát. Chúng tôi thấy đây là hướng đi rất đúng đắn. Nhưng chúng tôi đề xuất sau khi đã gắn liền giữa chăn nuôi với nhu cầu, quy hoạch chăn nuôi VN cần nâng lên một tầm mới để gắn liền với một chính sách tổng thể về nông nghiệp và thực phẩm. Đây là một chính sách hay đã được nhiều nước áp dụng và có nhiều thành công như Malaysia.

Chính sách này gắn liền giữa nông nghiệp nói chung và tổng nhu cầu thực phẩm tại một nước. Bởi thiếu thịt heo làm ảnh hưởng đến cả nguồn cung và nhu cầu thực phẩm nên phải nhìn trên bình diện tổng thể về mối liên hệ của chăn nuôi và thực phẩm. Nghĩa là không chỉ có gia súc, gia cầm, nhập khẩu mà còn liên quan đến gạo, rau, củ quả cùng những yếu tố khác nữa.

Thông qua chính sách mới, việc xem xét và quy hoạch vùng chăn nuôi an toàn, cách xa khu dân cư cũng rất quan trọng. Những trại nuôi nhỏ lẻ và tư nhân phải đạt chuẩn chăn nuôi. Song song đó, cải thiện chất lượng con giống bằng cách nhập những con cụ kị, ông bà từ những quốc gia có nguồn giống tốt...

. Xin cám ơn ông.

Sản lượng heo toàn cầu giảm

Bộ Công Thương dẫn nguồn tin từ Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) cho biết: Do dịch tả heo châu Phi nên dự báo sản lượng thịt heo toàn cầu năm nay sẽ giảm 8,5%, xuống còn 110,5 triệu tấn thịt heo hơi.

Tại Việt Nam, từ tháng 6-2019, giá thịt heo có xu hướng tăng dần nhưng từ cuối tháng 10 đến nay tăng mạnh nhất khoảng 25%-30% so với tháng 9-2019 và hiện ở mức khá cao. Tại một số tỉnh miền Bắc, giá heo hơi một số nơi đã vọt lên mức 82.000-84.000 đồng/kg. Tại miền Nam, 72.000-75.000 đồng/kg.

Theo Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, thịt heo vẫn là mặt hàng thiết yếu đối với người tiêu dùng. Nếu không cẩn trọng, sau tết Nguyên đán đây vẫn là vấn đề lớn, không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của người dân mà còn ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng.

Giá thịt gà cũng tăng cao

Theo Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 9-2019, tổng đàn gia cầm của cả nước đã tăng 13,5% so với cùng kỳ. Một số doanh nghiệp chăn nuôi cũng thông tin đàn gà tăng mạnh vào cuối năm nay nhưng khó thay thế được thịt heo do nguồn heo thiếu hụt quá lớn. Thịt gà chỉ có thể giúp thị trường heo bớt căng thẳng. Mặt khác, giá thịt gà những ngày gần đây cũng tăng cao, như gà lông trắng (công nghiệp) xuất chuồng từ 24.000 đồng/kg nhảy lên 42.000-43.000 đồng/kg. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm