Vinastas có mập mờ vụ thạch tín trong nước mắm?

Trước những nghi ngờ về động cơ cũng như tính chính xác trong kết quả khảo sát về nước nắm do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) thực hiện, ngày 19-10, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng Thư ký Vinastas, đồng thời là một trong những người tham gia khảo sát các sản phẩm nước mắm.

Kiện thì chúng tôi sẵn sàng hầu tòa

. Phóng viên: Thưa ông, Vinastas công bố kết quả khảo sát nước mắm với kết luận các mẫu nước mắm có độ đạm càng cao thì hàm lượng asen tổng vượt ngưỡng quy định càng tăng. Điều này gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp (DN) sản xuất nước mắm truyền thống và hoang mang cho người tiêu dùng. Nhiều DN cho biết họ có thể sẽ khởi kiện Vinastas ra tòa?

+ Ông Vương Ngọc Tuấn: Tôi được biết các hiệp hội nước mắm đã gửi công văn lên Văn phòng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế… đề nghị kiểm tra, xác minh nội dung công bố kết quả khảo sát của Vinastas có chính xác hay không. Tôi hoan nghênh động thái này của các hiệp hội nước mắm. Nếu các DN khởi kiện thì chúng tôi sẵn sàng hầu tòa.

. Việc khảo sát của Vinastas dựa trên căn cứ pháp lý nào, có được các cơ quan chức năng, nhà khoa học thẩm định độc lập hay không?

+ Theo quy định của pháp luật, hội có quyền khảo sát các sản phẩm liên quan đến tiêu dùng và công bố kết quả cho người tiêu dùng cũng như các cơ quan chức năng nắm rõ.

. Khi khảo sát, lấy mẫu, Vinastas có thông qua các bộ, ngành cũng như gặp các DN sản xuất hay không?

+ Là cơ quan đại diện cho người tiêu dùng, chúng tôi tự lấy mẫu trên thị trường tại 10 tỉnh, thành với 88 thương hiệu. Các nhãn hiệu này được sản xuất tại 19 tỉnh, thành trên cả nước.

Sau khi lấy mẫu xong, chúng tôi mã hóa sản phẩm và đưa vào hai phòng thử nghiệm ở TP.HCM (Viện Y tế công cộng TP.HCM và Trung tâm Tiêu chuẩn Chất lượng 3). Tôi cho rằng đây là các cơ sở thử nghiệm có đầy đủ tính pháp lý, đã được các bộ, ngành chỉ định kiểm tra chất lượng các sản phẩm, trong đó có nước mắm.

Người tiêu dùng chọn mua nước mắm tại một siêu thị ở TP.HCM. Ảnh: HTD

“Các sản phẩm nước mắm an toàn”

. nhiều nhà khoa học khẳng định asen hữu cơ không độc hại. Vì sao Vinastas vẫn đưa vào đối tượng khảo sát rồi công bố thiếu rõ ràng, thậm chí mập mờ? Liệu có động cơ gì đằng sau việc này không, thưa ông?

+ Tất nhiên khảo sát này dựa trên quy chuẩn quốc gia 82/2011 của Bộ Y tế. Quy chuẩn này quy định hàm lượng asen trong nước chấm phải đảm bảo giới hạn 1 mg/l. Dựa vào đó chúng tôi khảo sát các chỉ số hóa học, trong đó có asen.

Khi khảo sát 101/150 mẫu có hàm lượng asen tổng toàn phần vượt ngưỡng 1 mg/l, chúng tôi cũng rất băn khoăn chuyện này nên tiếp tục lấy 20 mẫu từ 101 mẫu đó để thử nghiệm xem trong thành phần asen tổng, hàm lượng asen vô cơ có hay không. Rất may mắn không có hàm lượng asen vô cơ mà chỉ có asen hữu cơ.

Chúng tôi kết luận các sản phẩm nước mắm đó an toàn dù có một số chỉ tiêu khác không đạt.

. Hiện nay trên mạng xã hội đang lan truyền danh sách các thương hiệu nước mắm được khảo sát, phần lớn là nước mắm truyền thống khiến nhiều người lo lắng về chất lượng các loại nước mắm này. Tại sao Vinastas chỉ chọn loại nước mắm truyền thống để khảo sát mà không chọn cả nước mắm công nghiệp?

+ PV nói vậy không đúng! Chúng tôi khảo sát ở đây là nước mắm, tức là tất cả sản phẩm nước mắm đóng chai bán trên thị trường. Chúng tôi không phân biệt nước mắm truyền thống hay công nghiệp.

Chúng tôi không chịu trách nhiệm với danh sách các sản phẩm nước mắm mà cộng đồng mạng đang chia sẻ. Các thông tin đó không phải của hội phát ra.

. Nhiều người cũng thắc mắc tại sao Vinastas chỉ khảo sát asen mà không kiểm tra các chất khác như chì, thủy ngân,... Bởi chắc chắn trong nước mắm truyền thống có asen hữu cơ (không ảnh hưởng đến sức khỏe)?

+ Trước hết chúng tôi căn cứ vào tiêu chuẩn Việt Nam. Người ta quy định rõ chỉ tiêu chất lượng nước mắm bao gồm nitơ, amoniac, muối,… Ngoài ra, do chi phí eo hẹp nên chúng tôi quyết định chỉ kiểm tra thêm yếu tố asen. Bởi nếu nước mắm có asen vô cơ sẽ rất độc.

. Thưa ông, cách đây không lâu một đại gia trong ngành sản xuất nước mắm đã kiến nghị lên các cơ quan chức năng kiểm tra hàm lượng asen trong nước mắm. Vậy điều này có sự tác động đến kết quả khảo sát cũng như công bố của Vinastas?

+ Tôi xin khẳng định cuộc khảo sát của hội là hoàn toàn độc lập. Chúng tôi tiến hành khảo sát từ tháng 8 đến tháng 9, không liên quan đến bất cứ DN nào, kể cả DN nước mắm. Kinh phí cho khảo sát không phải từ DN sản xuất và kinh doanh nước mắm.

. Xin cám ơn ông.

Không rõ công bố thông tin nhằm mục đích gì?

Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang,  chỉ ra sự bất hợp lý về cách làm và công bố thông tin của Vinastas là lập lờ. Chính vì vậy các DN lẫn nhà khoa học đều phản ứng với Vinastas. “Không rõ họ công bố thông tin trên với mục đích gì, liệu có thực sự để bảo vệ người tiêu dùng hay không. Có rất nhiều nghi vấn”.

Đại diện Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết cũng cho rằng cần phải xem xét lại các kết quả được công bố. Bởi nếu nước mắm nhiều đạm ăn độc hại, nhiễm thạch tín thì làm sao xuất khẩu đi nước ngoài được. Ví dụ nước mắm Phú Quốc, Phan Thiết… hiện đang xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ. Các thị trường này rất khó tính, nếu chứa asen vô cơ thì làm sao họ lại chấp nhận mua.

“Hiệp hội đã kiến nghị lên cơ quan quản lý để có đánh giá khách quan, thông tin đúng sự thật” - đại diện Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết thông tin. 

Q.HUY

Xây dựng quy chuẩn nước mắm

Đề cập đến việc Vinastas công bố kết quả khảo sát nước mắm, ông Đặng Văn Chính, Chánh Thanh tra Bộ Y tế, nói: “Vinastas không phải là cơ quan quản lý nhà nước nên tính trách nhiệm chỉ có mức độ. Thanh tra Bộ Y tế không tham khảo số liệu do Vinastas công bố và không có bình luận gì”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế, cho hay Bộ với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương xem xét xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước mắm. Trong đó có quy định cụ thể về hàm lượng kim loại nặng, hàm lượng vi sinh. Đồng thời có quy chuẩn về nước mắm công nghiệp và truyền thống để phân biệt sự khác nhau.

H.GIANG

Có thể kiện Vinastas đòi bồi thường

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam (VLCAC), cho rằng Vinastas có quyền tổ chức thực hiện các khảo sát, nghiên cứu về sản phẩm nhằm phục vụ người tiêu dùng. Tuy nhiên, khi lấy mẫu sản phẩm để khảo sát phải đúng quy định, quy trình. Nếu không thì kết quả sẽ không có giá trị, thậm chí bị chủ sản phẩm khiếu nại.

Bên cạnh đó, khi công bố thông tin thì phải hết sức rõ ràng, công bố rõ quy định, tiêu chuẩn và kết quả khảo sát, kiểm nghiệm có vi phạm pháp luật cụ thể gì. Nội dung vi phạm, đánh giá mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe, đến người tiêu dùng cũng phải hết sức rõ ràng.

“Trong trường hợp Vinastas công bố khảo sát về asen, khi đưa thông tin kết quả khảo sát, đã không làm rõ thông tin hàm lượng asen cao nhưng là asen hữu cơ, không ảnh hưởng sức khỏe. Do đó đã ảnh hưởng đến các DN” - ông Hậu nói.

Do đó theo luật sư Hậu, các DN có thể kiện đòi Vinastas bồi thường thiệt hại do việc công bố thông tin không rõ ràng. Việc bồi thường có thể gồm bồi thường vật chất và tinh thần.

Q.NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bất ngờ giá bưởi Tết 2023

Bất ngờ giá bưởi Tết 2023

(PLO)- Sản lượng bưởi cho mùa tết tại các nhà vườn còn ít khiến giá bưởi được dự đoán sẽ tăng cao trong mùa Tết 2023.