Vụ Khaisilk: Xử thế nào?

Bộ Công Thương ngày 16-10 đã phát đi thông tin về vụ việc một cửa hàng tại Hà Nội của thương hiệu Khaisilk bán khăn vừa có mác “Khaisilk - Made in Vietnam” vừa có mác “Made in China”.

Thu hồi vải có dấu hiệu vi phạm

Theo đó Bộ Công Thương đề nghị Cục Quản lý thị trường (QLTT) phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng kiểm tra, xem xét và làm rõ các thông tin về vụ việc.

Nếu có dấu hiệu vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa, hàng giả, hàng nhái, bảo vệ người tiêu dùng, các đơn vị đề nghị ngay hướng xử lý. “Đề nghị Cục khẩn trương báo cáo bộ trưởng trước ngày 28-10-2017” - thông báo của Bộ Công Thương nêu rõ.

Chiều cùng ngày, lực lượng QLTT số 14 thuộc Chi cục QLTT Hà Nội đã tiến hành kiểm tra cửa hàng Khaisilk tại 113 Hàng Gai, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Theo nguồn tin của PV, trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng thu giữ một số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm, trị giá khoảng 30 triệu đồng. Số hàng hóa này được chuyển về trụ sở để tiến hành các thủ tục theo quy định.

Trực tiếp có mặt tại cửa hàng nói trên, PV ghi nhận cửa hàng tạm thời đóng cửa. Phần cửa cuốn được kéo kín, chỉ để trống khoảng 50 cm và chỉ cho nhân viên của cửa hàng ra vào.

Ngỏ ý vào bên trong để hỏi thông tin, hai nam nhân viên tại đây tỏ thái độ khó chịu, nhất quyết không cho PV vào. Hai người này cũng cho hay cửa hàng đang tạm thời đóng cửa, không tiếp khách.

Nhiều độc giả cho rằng hành vi lấy hàng “Made in China” để biến thành khăn mang thương hiệu Việt là lừa dối khách hàng, không thể chấp nhận được. Trong ảnh: Cửa hàng Khaisilk bán hàng “Made in China” chiều 26-10. Ảnh: TUYẾN PHAN

Cúi đầu nhận lỗi

Trước đó, thông tin cửa hàng Khaisilk bán lụa Trung Quốc (TQ) dưới mác Việt gây xôn xao dư luận. Cụ thể, đại diện một công ty tại Hà Nội cho biết đã mua khăn lụa của Khaisilk tại cửa hàng trên phố Hàng Gai, Hà Nội để làm quà tặng cho đối tác hôm 17-10 vừa qua.

Số khăn lụa này mang thương hiệu Khaisilk, kích thước 50 x 50 cm với đơn giá 644.000 đồng/chiếc.

Sau khi nhận hàng, công ty này phát hiện một chiếc khăn trong lô hàng 60 chiếc này có gắn hai nhãn mác khác nhau: một nhãn với nội dung “Khaisilk - Made in Vietnam”, còn một nhãn nữa với nội dung “Made in China”.

Khách hàng trên cũng cho biết khi kiểm tra 59 chiếc khăn còn lại, phát hiện dấu hiệu của việc cắt mác cùng màu với dòng chữ “Made in China”.

Trả lời báo chí về vấn đề này, doanh nhân Hoàng Khải, Chủ tịch Tập đoàn Khaisilk, thừa nhận 50% lụa được bán ra có xuất xứ từ TQ nhưng đã nhập nhằng xuất xứ. Doanh nghiệp này đã bán hàng xuất xứ TQ 30 năm qua. Ông Khải cúi đầu xin lỗi người tiêu dùng và cho biết sẽ thu hồi sản phẩm, bồi thường cho khách hàng.

“Sai lầm này tôi phải chịu. Tôi không trốn tránh gì trách nhiệm mà đang đối diện với những sai lầm của mình. Tôi cúi đầu xin lỗi khách hàng với tư cách là chủ tịch tập đoàn. Tôi gọi đây là mất mát đau đớn. Cũng do cách hiểu và bán hàng sai lầm của doanh nghiệp” - ông Khải nói.

Tuy nhiên, nhiều bạn đọc không chấp nhận cách giải thích của ông chủ Tập đoàn Khaisilk. Bởi từ giữa những năm 1990, Khaisilk đã nhập hàng từ TQ nhưng vẫn dán nhãn hàng Việt chứ đây không phải là lần đầu tiên. Như vậy thương hiệu nổi tiếng này đã lừa dối khách hàng trong một thời gian rất dài. Khi đã lừa dối thì thương hiệu nổi tiếng với bao nhiêu năm gây dựng cũng có thể trở về con số 0.

Khaisilk có thể bị xử tội gì?

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM xung quanh vụ việc này, luật sư Lê Trung Phát, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng cần phải làm rõ hai vấn đề. Thứ nhất, Khaisilk có thực hiện việc đặt gia công, sản xuất sản phẩm và nhập hàng hóa tại TQ hay không. Nếu có thì việc trên nhãn hàng hóa của Khaisilk ghi “Made in China” là chuyện bình thường. Bởi đây là chỉ dẫn nơi sản xuất hàng hóa, chất lượng vẫn được Khaisilk bảo hộ.

Thứ hai, nếu Khaisilk không thực hiện việc đặt gia công sản xuất hàng hóa tại TQ mà lấy hàng do một doanh nghiệp của TQ sản xuất, sau đó Khaisilk nhập về Việt Nam gắn mác và nguồn gốc sản xuất Việt Nam là có dấu hiệu kinh doanh hàng giả được quy định tại điểm e khoản 8 Điều 3 Nghị định 185/2013 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 124/2015) và có thể bị phạt tiền lên đến 30 triệu đồng.

Có tính chất lừa dối

ThS Từ Thanh Thảo, ĐH Luật TP.HCM, nhận định nếu một doanh nghiệp nhập hàng từ nước ngoài về rồi cắt nhãn mác, gắn nhãn hàng trong nước và ghi xuất xứ Việt Nam nhằm mục đích cạnh tranh thì đây là hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh.

Tại khoản 2, 3 Điều 28 Nghị định số 71/2014 quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu công nghiệp nêu rõ: “Sử dụng chỉ dẫn chứa đựng thông tin gây nhầm lẫn về tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, nhãn hàng hóa… để làm sai lệch nhận thức của khách hàng về hàng hóa, dịch vụ nhằm mục đích cạnh tranh” thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng.

Khoản tiền phạt có thể tăng gấp hai lần nếu hành vi vi phạm được thực hiện trên phạm vi từ hai tỉnh, TP trực thuộc trung ương trở lên. Ngoài việc bị phạt tiền, doanh nghiệp vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc một số hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục là tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm.

Ngoài ra, các giao dịch mua bán hàng hóa giả mạo nêu trên của doanh nghiệp với khách hàng là giao dịch có tính chất lừa dối. Do vậy khách hàng có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch đó là vô hiệu và yêu cầu doanh nghiệp bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 127, Điều 131 BLDS 2015.

“Lý do là hành vi này sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng, sản phẩm có thể sẽ không đảm bảo chất lượng như chính sản phẩm mà Khaisilk đã sản xuất và bán đến người tiêu dùng” - luật sư Lê Trung Phát giải thích.

Còn luật sư Nguyễn Thành Công, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng có thể xử lý hình sự nếu cơ quan chức năng chứng minh được Khaisilk có hành vi: Buôn bán hàng hóa không phải là hàng hóa thật; xâm phạm đến trật tự quản lý việc buôn bán hàng giả và chống hàng giả trong việc quản lý trật tự kinh tế.

Buôn bán hàng giả có số lượng hàng giả tương đương với số lượng hàng thật có giá trị từ 30 triệu đồng trở lên hoặc dưới 30 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt hành chính về các hành vi cụ thể được quy định tại khoản 1 Điều 156 BLHS.

Từ đó có thể xử lý hình sự về tội buôn bán hàng giả theo Điều 156 BLHS.

Khó chấp nhận, có thể khởi tố

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trịnh Quang Đức, Phó Chi cục trưởng QLTT Hà Nội, cho biết đơn vị này đang xác minh, điều tra làm rõ vụ việc liên quan đến Khaisilk. Việc kiểm tra chưa hoàn tất nên chi cục chưa công bố kết quả. Khi có kết luận chính thức, QLTT Hà Nội sẽ công khai thông tin.

Ông Trần Hùng, Cục phó Cục QLTT, cho biết ngay sau khi có chỉ đạo của bộ trưởng Công Thương, Cục QLTT đã chỉ đạo Chi cục QLTT Hà Nội vào cuộc điều tra. Đây là vụ việc nghiêm trọng, hy vọng mảng tối của sự vụ sẽ được làm sáng tỏ và không chỉ dừng lại ở vài chiếc khăn lụa. Việc Khaisilk nhập hàng TQ gắn mác “Made in Vietnam” là việc làm khó chấp nhận được, có dấu hiệu hàng giả.

Điều quan trọng nhất, qua sự việc này đã khiến người tiêu dùng mất niềm tin vào thương hiệu mà bao năm nay doanh nghiệp gây dựng. Thậm chí Khaisilk được xem như một thương hiệu quốc gia, hàng Việt Nam chất lượng cao được tiêu thụ ở những địa điểm quan trọng như khách sạn năm sao, quà tặng cho nguyên thủ quốc gia.

“Gian lận thương mại bao năm nay và ai sẽ phải chịu trách nhiệm, nếu có dấu hiệu hình sự có thể khởi tố. Người tiêu dùng biết tin ai bây giờ khi mà thật giả lẫn lộn. Các cơ quan quản lý sẽ phải khẩn trương vào cuộc, sớm có kết luận. Qua đây cũng mong cơ quan chức năng làm rõ các doanh nghiệp thương hiệu quốc gia có thực sự đúng hay không, hay chỉ treo đầu dê bán thịt chó” - ông Hùng nói.

Làm ăn chụp giựt phải trả giá

Dù ông Hoàng Khải, Chủ tịch Tập đoàn Khaisilk, đã cúi đầu xin lỗi khách hàng nhưng việc tập đoàn này bán khăn TQ khiến độc giả và cộng đồng mạng bức xúc, thất vọng về cách làm ăn kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”. Bởi đây là thương hiệu khăn lụa nổi tiếng với đẳng cấp sang trọng, đắt tiền. Khaisilk cũng là một trong những thương hiệu được khách hàng ưa chuộng, chọn làm quà tặng cho các đối tác, bạn bè, người thân.

Vụ Khaisilk: Xử thế nào? ảnh 2
Chiếc khăn vừa có mác “Made in China” vừa có mác “Made in Vietnam”. Nguồn: FACEBOOK DANG NHU QUYNH

Độc giả Dung Ngã nói: “Làm ăn chụp giựt thì phải trả giá thôi! Danh dự và thương hiệu gầy dựng bao năm nay tự mình đem đổ sông đổ bể thì trách ai nữa!”.

Cho rằng Khaisilk đã lừa đảo người tiêu dùng để thu lợi bất chính trong thời gian rất dài, độc giả Dân SG đề nghị nên xử lý bằng luật pháp.

Nhiều độc giả cũng cho rằng Khaisilk lợi dụng chính lòng tin của khách hàng để thu siêu lợi nhuận cho mình. Do vậy đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm để răn đe các doanh nghiệp khác buôn bán kiểu chụp giựt. Thậm chí điều tra, khởi tố vụ án về tội giả mạo nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bất ngờ giá bưởi Tết 2023

Bất ngờ giá bưởi Tết 2023

(PLO)- Sản lượng bưởi cho mùa tết tại các nhà vườn còn ít khiến giá bưởi được dự đoán sẽ tăng cao trong mùa Tết 2023.