Xử lý nợ xấu: Người cười, kẻ khóc

Mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) của các ngân hàng (NH) năm 2019 đang gần đi đến hồi kết. Những ngày qua, nhiều cổ đông hoan hỉ ra về vì khối nợ xấu của NH họ đầu tư đã dần teo tóp nhưng cũng không ít cổ đông ủ rũ khi những khoản nợ khó đòi vẫn nằm im.

Nơi ráo riết xử lý nợ xấu

Suốt mấy mùa ĐHCĐ trước đây, cổ đông Sacombank mỗi khi đến dự ĐHCĐ luôn trong tình trạng căng thẳng, mệt mỏi. Thế nhưng tại phiên ĐHCĐ thường niên năm tài chính 2018 của Sacombank vừa diễn ra sáng 26-4 lại chứng kiến cảnh hoàn toàn trái ngược dù lịch hẹn chia cổ tức vẫn chưa có. Bởi rất nhiều cổ đông gắn bó với Sacombank trong suốt một chặng đường dài đã nhận thấy rằng sau khi trải qua khoảng thời gian dài khó khăn, NH này đang dần trở nên tốt hơn.

Thực tế, nhìn vào số liệu báo cáo về xử lý nợ xấu của Sacombank trong hai năm qua, các cổ đông đánh giá nỗ lực của ban lãnh đạo NH này là không hề nhỏ. Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng Giám đốc Sacombank, cho biết: Mỗi năm Sacombank đều đặt ra mục tiêu là phải rốt ráo xử lý nợ xấu. Như năm 2017, đặt ra mục tiêu giảm được 20.000 tỉ đồng nợ xấu thì kết quả đã hoàn tất 19.000 tỉ đồng. Năm 2018, NH đặt ra mục tiêu giảm thêm 10.000-15.000 tỉ đồng thì cũng đã xử lý được 13.000 tỉ đồng. “Còn năm 2019, chúng tôi đặt ra mục tiêu kéo tỉ lệ nợ xấu xuống dưới 2% và tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu với mục tiêu tối thiểu phải xử lý được 10.000-15.000 tỉ đồng. Đáng mừng là chỉ riêng trong quý I-2019 thì NH đã xử lý được trên 5.000 tỉ đồng” - bà Diễm thông tin.

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank, cũng khẳng định: “Chiến lược phát triển Sacombank năm 2019 là kiện toàn, ổn định và tăng tốc. Tiếp tục đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu để đem lại lợi ích cao nhất cho NH, khách hàng, cổ đông và nhân viên Sacombank”. Với những gì đang diễn ra, có vẻ ông Dương Công Minh đang thực hiện đúng lời hứa ở thời điểm vừa lên nắm quyền: “Trong năm năm, nếu không xử lý được nợ xấu của Sacombank, tôi sẽ từ chức”.

Đến thời điểm 31-12-2018, theo các bản án đã có hiệu lực thì CB Bank đang cần thu hồi nợ gần 40.000 tỉ đồng. Ảnh: T.LINH

Ai chịu trách nhiệm khi nợ xấu phình to?

Trong khi khối nợ xấu khổng lồ tại Sacombank dần teo tóp thì vẫn có những khối nợ tiếp tục nằm “bất động” ở một số NH. Mới đây, tại ĐHCĐ thường niên 2019 của NH ACB, một số cổ đông đã yêu cầu HĐQT NH ACB phải trả lời về khoản tiền gửi 400 tỉ đồng tại NH Xây dựng Việt Nam (CB Bank) từ năm 2012 đến nay đã thu hồi được chưa. Trả lời câu hỏi này, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng Giám đốc ACB, cho biết hiện ACB còn “kẹt” 400 tỉ đồng tại CB Bank.

Còn nhớ, tại ĐHCĐ ACB 2015, khi nhận được chất vấn của cổ đông về khoản nợ này, lãnh đạo NH này cho biết khoản nợ đã quá hạn, được phân loại vào nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn). Cuối năm 2015, ACB cũng đã gửi công văn đề nghị NH Nhà nước xem xét cho ACB điều chỉnh kỳ hạn thu. Thế nhưng đến mùa ĐHCĐ 2019, ACB vẫn chưa thể thu hồi khoản nợ hàng trăm tỉ này.

Hay như tại CB Bank, trong tiến trình tái cơ cấu tại NH này suốt hai năm qua, lãnh đạo CB Bank luôn đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là thu hồi nợ hiệu quả nhất. Việc tập trung thu hồi khoản nợ 40.000 tỉ đồng theo phán quyết của tòa sẽ giúp CB Bank có thêm nguồn lực hùng mạnh để hoạt động tái cơ cấu NH trở nên hiệu quả và thực chất hơn. Đồng thời đây cũng là trách nhiệm mà CB Bank phải thực thi một khi bản án đã có hiệu lực. Nếu CB Bank càng chậm trễ trong việc tìm ra biện pháp để thu hồi khoản nợ khổng lồ này thì thiệt hại sẽ ngày càng lớn (lên đến cả trăm tỉ đồng mỗi tháng). Nhưng làm thế nào để xử lý được khoản nợ khổng lồ đó và ai sẽ chịu trách nhiệm nếu không đòi được nợ?

Eximbank phải dừng đại hội cổ đông vào phút chót

Theo kế hoạch, sáng 26-4, Eximbank tổ chức ĐHCĐ thường niên lần thứ 33. Tuy nhiên, sự kiện này đã bị hủy vào phút chót do số lượng cổ đông tham dự không đủ tỉ lệ biểu quyết.

Lẽ ra ĐHCĐ Eximbank sẽ diễn ra vào lúc 8 giờ 30 nhưng do số lượng cổ đông đến tham dự quá ít, lãnh đạo NH này liên tiếp phải xin lùi giờ khai mạc tới hai lần. Đến 9 giờ 30, ông Trần Ngọc Dũng, Trưởng ban Kiểm tra tư cách cổ đông của Eximbank, cho biết: Ban tổ chức đã hai lần xin lùi thời gian khai mạc vì sợ cổ đông có thể đến trễ do kẹt xe. Tuy nhiên, đến lúc này thì số cổ đông tham dự chỉ có 198 người, nắm giữ 708.436.656 cổ phần, tương đương tỉ lệ 57,62% cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định (tối thiểu 65%). Do đó ĐHCĐ lần một sẽ không thể tiến hành. Theo quy định, đại hội sẽ tiến hành trong vòng 30 ngày nữa.

Theo quy định của pháp luật, đại hội đồng cổ đông lần thứ hai sẽ được tiến hành khi có 51% số cổ phần có quyền biểu quyết đăng ký tham dự đại hội. Trường hợp ĐHCĐ lần thứ hai vẫn không đủ, HĐQT tiếp tục triệu tập cuộc họp lần cuối cùng trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày dự định họp lần thứ hai. Khi đó đại hội đồng cổ đông được tiến hành mà không phụ thuộc vào số cổ phần có quyền biểu quyết của các cổ đông dự họp. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm