Quảng bá thương hiệu: Vung tiền, chắc gì thắng!

Một số doanh nghiệp tỏ ra nuối tiếc vì sản phẩm thì đạt chất lượng nhưng thương hiệu chưa mạnh nên thị trường đã phải thu hẹp lại. Ý thức được điều này, chi phí dành cho việc quảng bá thương hiệu đã được một số doanh nghiệp vung không tiếc tay.

Tăng chi phí

Một nhân viên ngân hàng cho biết mấy năm trước, ngân hàng của mình không hề để ý tới chuyện đánh bóng hình ảnh. Hầu hết ban giám đốc chỉ để tâm tới chuyện kinh doanh. Nhưng thời gian gần đây, ngân hàng này đã lập ra hẳn một phòng PR để chuyên tổ chức các sự kiện nâng cao hình ảnh của ngân hàng lên.

Vừa qua, trong thời gian Tuần lễ Văn hóa cà phê do UBND tỉnh Dăk Lăk phối hợp với các công ty cà phê tổ chức cũng là một nỗ lực để nâng cao hình ảnh cà phê Việt Nam. Qua sự kiện này, các doanh nghiệp cà phê cũng đã không bỏ lỡ cơ hội vun đắp cho thương hiệu của mình. Theo đại diện của Công ty Truyền thông Bán lẻ Nam Việt - đơn vị thực hiện sự kiện vừa nêu thì đây là một cách xây dựng thương hiệu bằng con đường văn hóa. Số vốn để làm nên sự kiện này cũng là một con số không nhỏ-lên tới 11 tỷ đồng. Cũng theo Công ty Truyền thông Nam Việt thì dự kiến sang năm 2008, số vốn để làm nên một lễ hội văn hóa cà phê còn cao hơn nữa.

Về kết quả, ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Marketing - Công ty Vina cà phê, thừa nhận sau sự kiện này, công ty của ông đã nhận được khá nhiều hợp đồng từ nước ngoài.

Nôn nóng cũng dễ chết

Trong một buổi tiếp xúc với báo chí mới đây, ông Nguyễn Hữu Bình, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, cho biết sản phẩm dệt may của Việt Nam không thua gì về chất lượng so với các nước khác. Nhưng chỉ vì thương hiệu của ta chưa mạnh nên con đường xuất khẩu vẫn bị hạn chế. Cũng vì các doanh nghiệp chưa mấy quan tâm đến thương hiệu nên ngay cả doanh số của thị trường trong nước cũng đã bị hạn chế, người tiêu dùng tỏ ra rất kén và thích sử dụng hàng ngoại. Trong khi giá hàng ngoại thì lại cao hơn hàng nội rất nhiều lần.

Ngay cả ở mặt hàng cà phê chế biến, các doanh nghiệp đều tỏ ra tiếc nuối khi thương hiệu của chúng ta vẫn chưa thể khẳng định với các nước. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Marketing - Công ty Vina cà phê, cho biết Việt Nam mới chỉ thành công về thương hiệu cà phê hạt. Bằng chứng chúng ta là nước thứ hai trên thế giới về số lượng xuất khẩu cà phê hạt. Nhưng còn về cà phê chế biến thì chúng ta lại chưa có thương hiệu. Cũng đã có một vài doanh nghiệp xuất khẩu đi nước ngoài nhưng chỉ được vài lần. Bởi khi xuất khẩu đi các quốc gia khác thì mỗi một thương hiệu riêng của từng công ty lại chính là thương hiệu của một quốc gia. Các doanh nghiệp không thể làm thương hiệu đơn lẻ mà phải có sự thống nhất nhất định.

Để trở thành một thương hiệu cà phê nổi tiếng thì chúng ta cần có thời gian. Đặc biệt, các doanh nghiệp phải coi chất lượng chế biến mới là quan trọng. Bởi nó chính là mặt hàng trực tiếp đến với người tiêu dùng, còn với cà phê hạt vẫn chỉ thông qua các nhà buôn.

Nhiều doanh nghiệp đã ý thức sớm được sức mạnh của thương hiệu nhưng cũng chính điều này đã làm cho họ nôn nóng và dễ vấp phải sai lầm, mà trong đó bài học vỡ lòng về thương hiệu là chất lượng sản phẩm thì các doanh nghiệp lại bỏ qua.

Có những doanh nghiệp không quảng cáo nhưng sản phẩm vẫn bán rất được. Điều đó nói lên rằng sản phẩm đã đáp ứng được đúng nhu cầu của người tiêu dùng. Các doanh nghiệp không nên quá nôn nóng trong việc tạo cho mình một cái tên bởi thương hiệu chính là lòng tin của người tiêu dùng. Thậm chí cũng có một số doanh nghiệp lâu năm đã quá chú trọng vào đầu tư chi phí quảng bá mà quên đi chất lượng sản phẩm và đã bị thất bại.

Ông Nguyễn Quang Quốc, Trưởng phòng Kế hoạch, nghiên cứu, tiếp thị - Công ty du lịch Fiditour, cũng cho rằng nhiều doanh nghiệp hiện đang hiểu lầm về quảng bá thương hiệu. Có thể chỉ cần một số tiền nhỏ nhưng lại làm thương hiệu rất tốt, quan trọng là cách làm. Hiện nay với các doanh nghiệp nhỏ, khó khăn của họ không phải là vốn mà là chưa có nguồn nhân lực, đội ngũ xác định đúng là làm đúng cách. Bởi làm thương hiệu không phải là cái gì bài bản mà chủ yếu chính là kinh nghiệm và tính sáng tạo.

Mức chi cho quảng cáo đang bị trói

Thực tế cho thấy chuyện mức chi phí để làm thương hiệu hiện nay đang bị quy định nhà nước trói buộc. Theo quy định, các doanh nghiệp chỉ được trích 10% trên tổng chi phí của sản phẩm cho quảng cáo. Nếu quá, doanh nghiệp sẽ bị thu thuế mức vượt đó. Tuy nhiên, ở các doanh nghiệp nước ngoài thì chi phí này lại có thể lên tới 20% đến 25% tổng doanh thu. Chuyện phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp nội với doanh nghiệp ngoại này vô hình trung làm cho doanh nghiệp nội đã yếu càng yếu hơn. Nếu các doanh nghiệp cùng được hưởng hạn mức như nhau thì sẽ tốt hơn.

MAI PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm