Rủi ro “kép” với cổ phiếu phát hành “chui”

Rủi ro “kép” với cổ phiếu phát hành “chui” ảnh 1Mặc dù, liên tiếp các trường hợp phát hành cổ phiếu “chui”, phát hành không đúng quy định đã bị UBCKNN phát hiện, xử phạt nhưng xem ra chỉ như “muối bỏ bể”. Và với loại hàng hóa không được kiểm soát này, rủi ro sẽ không nhỏ với nhà dầu tư.

Ồ ạt phát hành

Chưa bao giờ, công tác phát hành chứng khoán ra công chúng lại ồ ạt như trong hơn 1 năm qua và cũng chưa bao giờ, thông tin xử phạt vi phạm trong lĩnh vực này lại có tần suất cao như thời điểm này. “Phong trào” huy động vốn bằng “in cổ phiếu” được đánh giá là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho thị trường “bội thực”, cung-cầu mất cân bằng.

Theo ông Hoàng Đức Long, Chánh Thanh tra UBCKNN, riêng trong năm 2007, đã có 190 doanh nghiệp đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng. Theo quy định, doanh nghiệp muốn phát hành chứng khoán ra công chúng phải đảm bảo một số điều kiện như có vốn trên 10 tỷ đồng, có kết quả sản xuất kinh doanh lãi trong 2 năm liên tiếp, không có lỗ lũy kế, có phương án phát hành và phương án sử dụng vốn đã được thông qua và có nghị quyết của đại hội cổ đông...

Nhà đầu tư phải cân nhắc khi lựa chọn danh mục đầu tư

Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động chào bán chứng khoán ra công chúng của nhiều doanh nghiệp khá tùy tiện. Chính vì vậy mà nhiều thời điểm, trên website của UBCKNN liên tục xuất hiện các thông báo xử phạt vi phạm hành chính đối với các doanh nghiệp do “lỗi” này.

Gần đây nhất, trong ngày 23 và 24-4, 2 doanh nghiệp bị UBCKNN ra quyết định xử phạt về hành vi chào bán chứng khoán ra công chúng để tăng vốn điều lệ và phân phối chứng khoán không đúng quy định của pháp luật là CTCP Nhựa Rạng Đông và CTCP Xây dựng điện VNECO 1 với số tiền lần lượt là 20 triệu đồng và 40 triệu đồng. Trước đó, cũng trong tháng 4, một doanh nghiệp khác là Vinaconex 25 cũng bị xử phạt 40 triệu đồng về lỗi vi phạm tương tự.

Ồ ạt đầu tư

Ông Hoàng Đức Long cho hay, bên cạnh việc kiểm soát hoạt động phát hành, tới đây, Thanh tra UBCKNN sẽ tăng cường xem xét đến mục đích huy động vốn của một số doanh nghiệp. Bởi trên thực tế, có tình trạng doanh nghiệp huy động vốn để đầu tư vào những dự án quá dàn trải, không thấy phân tán rủi ro trong danh mục đầu tư; có DN huy động vốn để lập công ty mới, trong đó có cả CTCK mà đến nay chưa hoạt động được; có doanh nghiệp vốn nhiều mà hiệu quả sử dụng không cao, có thể xảy ra tình trạng thất thoát.

Điều này cũng phù hợp với đánh giá mới đây của Bộ Tài chính. Theo đó, trong việc mở rộng sản xuất, kinh doanh, tình trạng đầu tư tràn lan sang cả những lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản không phải hiếm với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn. Đây là thực trạng đáng lo ngại vì những lĩnh vực kinh doanh nói trên khá nhạy cảm, rủi ro lớn.

Một con số vừa được công bố khiến cho không ít người giật mình, đó là chỉ tính từ đầu năm 2008 đến nay, 10 quỹ đầu tư nước ngoài lớn tại Việt Nam đã thua lỗ khoảng 1,3 tỷ USD do TTCK suy giảm! Mà theo số liệu chưa đầy đủ, tính từ thời điểm cuối năm 2007 đến nay, đã có 16 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đầu tư gần 5.000 tỷ đồng vào lĩnh vực ngân hàng, 9 tập đoàn, tổng công ty đầu tư 316 tỷ đồng vào lĩnh vực chứng khoán, 12 doanh nghiệp đầu tư hơn 6.500 tỷ đồng vào lĩnh vực tài chính, bảo hiểm...

Nhà đầu tư cần thận trọng với “hàng rởm”

Điểm đáng ngại là lượng cổ phiếu phát hành không phép sẽ được giao dịch trên thị trường OTC mà việc xác định giá trị thực rất khó kiểm soát, việc công bố thông tin cũng không theo quy định. Điều này quả thực mang đến rủi ro không ít cho nhà đầu tư. Và trong bối cảnh thị trường đang điều chỉnh giảm như vừa qua thì những nhà đầu tư trót “ôm” những cổ phiếu này đang phải chịu rủi ro “kép”!

“Trên thực tế còn có những doanh nghiệp chỉ có vốn 1-2 tỷ đồng cũng cố tình phát hành chứng khoán. Với những trường hợp này, theo ý kiến của tôi là hành vi phát hành lậu, lừa đảo và phải có sự vào cuộc của cơ quan công an. Bởi UBCKNN chỉ xử phạt được với trường hợp là công ty đại chúng” - ông Long nói.

Ông Long cũng nhấn mạnh, tới đây, khi pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính nâng mức phạt cao nhất lên tới 500 triệu đồng thì Thanh tra UBCKNN cũng có thể áp dụng mức phạt này và có tác dụng răn đe nhất định.

Tuy nhiên, nếu thực hiện giám sát chặt chẽ hơn và có sự đồng thuận giữa các cơ quan chức năng như cả UBCKNN và Bộ Kế hoạch - Đầu tư mà cụ thể là các Sở Kế hoạch - Đầu tư, thì việc hạn chế ngăn chặn các hành vi vi phạm, thanh lọc được các loại cổ phiếu kém chất lượng trên TTCK sẽ hiệu quả hơn. Điều này không những giúp nhà đầu tư tránh được rủi ro thiệt hại khi tham gia TTCK, mà còn góp phần để TTCK phát triển lành mạnh và bền vững hơn.

Theo Thảo Nguyên ( ANTĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm