Sàn giao dịch vàng có là sòng bạc?

Sàn giao dịch vàng: Có thể là sòng bạc?

Nếu cho rằng sàn giao dịch vàng là sòng bạc thì phần nào cũng có lý, nếu nhìn lại những diễn biến trên sàn giao dịch vàng Sài Gòn thời gian qua:

Rất nhiều nhà đầu tư không nắm bắt được qui luật vận hành của thị trường vàng trong nước, thị trường vàng thế giới, không biết vì sao giá vàng tăng, vì sao giá vàng giảm, vẫn cứ nhăm nhăm cầm tiền đi mua vàng hay vay vàng bán. Họ không biết được những thế lực nào đang tạo giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế, họ cũng không cần biết IMF có thông lệ bán vàng hằng năm, không cần biết quyết định của FED có ảnh hưởng đến giá vàng ra sao, họ chỉ biết mua vàng, bán vàng theo xu hướng thị trường và hy vọng kiếm lời.

Và thậm chí, họ cũng không ý thức rõ ràng những rủi ro của giao dịch trên sàn vàng. Như vậy, so với người đánh bạc dựa vào may rủi, họ không khác gì lắm. Với những diễn biến ấy, sàn giao dịch vàng chính là một sòng bạc.

Sàn giao dịch vàng không phải là sòng bạc!

Sự khác biệt ở chỗ, người đầu tư vào vàng có mục tiêu là mua vàng để bảo vệ hay tạo thêm giá trị của nó. Họ không “chơi”, mà tìm cách kiếm tiền. Còn sòng bạc, theo cách hiểu về kinh doanh bài bạc (gambling business) của các nước hay theo dân gian hiểu, là một thú giải trí (đã gọi là “chơi” mà).

Cả đầu tư vào vàng và chơi bạc, đều là đặt tiền vào chỗ có rủi ro. Nhưng, có nhiều người chơi bạc vì vui, thua cũng không sao (thực tế trong ngành kinh doanh cờ bạc nhiều nước vẫn có những phân khúc thị trường dành cho người đến chơi bạc với số tiền ít ỏi so với thu nhập, để giải trí). Ngược lại, không ai vào sàn vàng kinh doanh để “cho vui” cả. Họ nghiêm túc đầu tư mạo hiểm để kiếm tiền, tạo ra tài sản cho mình. Cho nên, sòng bạc khác sàn vàng ở cái việc tạo ra ý niệm giải trí (entertainment), và cũng chính cái cảm giác thắng thua mang tính “giải trí” ấy tạo ra cái “nghiện” của nó, còn sàn vàng, về bản chất, không được cấu trúc vì mục đích như vậy. Vì vậy, bảo sàn vàng là sòng bạc, về bản chất là không chính xác.

Thị trường chứng khoán cũng là sòng bạc?

Nếu thừa nhận sàn giao dịch vàng là sòng bạc, và việc thị trường này không đóng góp gì cho sản xuất xã hội, thì thị trường chứng khoán thứ cấp (thị trường giao dịch các cổ phiếu mua đi bán lại hằng ngày) có khác một sòng bạc lớn không?

Cách đây vài năm, nhiều nhà đầu tư không rành cách đọc báo cáo tài chính, không hiểu công ty kinh doanh gì cũng đi chơi chứng khoán thì họ khác gì những người mua vàng dựa vào may rủi? Rõ ràng, nhiều nhà đầu tư và báo chí đã gọi là “chơi” chứng khoán đấy thôi. Mặt khác, khi chỉ số P/E của nhiều cổ phiếu tăng lên những mức không tưởng, vẫn nhiều người vay tiền mua chứng khoán, cầm cố rồi vay lại, thì có khác chuyện sàn vàng cho nhà đầu tư ký quỹ chỉ 7% giá trị giao dịch không?

Các sàn giao dịch vàng kiểu như sàn giao dịch vàng của châu Á đang hoạt động trên cơ chế dựa vào giao dịch ký quỹ (margin trading), nên rủi ro cho nhà đầu tư lớn. Nhưng thị trường chứng khoán cũng có repo cổ phiếu, cầm cố chứng khoán, thì cũng là một dạng giao dịch ký quỹ vậy. Thế thì về tính chất rủi ro, sàn chứng khoán của ta cũng không khác gì sàn vàng. Thị trường chứng khoán mới thực hiện chức năng huy động vốn cho sản xuất thông qua IPO và phát hành mới, chứ thị trường thứ cấp thì hoàn toàn là tiền của nhà đầu tư luân chuyển qua lại chứ không có đồng nào chạy vào sản xuất. Chưa kể có công ty phát hành cổ phiếu tăng vốn, lấy tiền cổ đông đầu tư vào chứng khoán, thì có đóng góp gì cho sản xuất?

Lý luận như thế để thấy, nếu đóng cửa sàn vàng vì nó giống sòng bạc, thôi thì đóng cửa luôn thị trường chứng khoán vậy! Vấn đề sàn giao dịch vàng bị chỉ trích thời gian qua là do cách tổ chức của bên tổ chức thị trường. Nên biết, tất cả giao dịch ký quỹ ở các nước như Úc, Mỹ đều có các chống chỉ định quan trọng: Ghi rõ những rủi ro khi giao dịch ký quỹ, rủi ro mất vốn, rủi ro thị trường, rủi ro thanh khoản, rủi ro bị gọi nộp thêm tiền, rất chi tiết. Còn sàn giao dịch vàng của châu Á dường như cố tình lờ đi điều này, chỉ để lại trong tâm trí nhà đầu tư là họ có thể kiếm lời rất nhiều, mà không cảnh báo rủi ro đúng mức.

Như vậy, sàn vàng có trở thành sòng bạc hay không, là ở trách nhiệm của người tổ chức thị trường đã không làm hết vai trò tư vấn của mình; cũng giống thị trường chứng khoán có khác sòng bạc hay không, là ở chỗ nó có phát huy vai trò thu hút nhà đầu tư chiến lược có hiểu biết, hay chỉ thu hút những người ít hiểu biết về thị trường này vào cuộc chơi.

Tất cả giao dịch ký quỹ ở các nước như Úc, Mỹ đều có các chống chỉ định quan trọng: Ghi rõ những rủi ro khi giao dịch ký quỹ, rủi ro mất vốn, rủi ro thị trường, rủi ro thanh khoản...

[.....] Cả đầu tư vào vàng và chơi bạc, đều là đặt tiền vào chỗ có rủi ro

Th.s Hồ Quốc Tuấn (theo Người Đô Thị)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm