'Sàn thương mại điện tử chủ yếu bán hàng... nước láng giềng'

Sáng nay, 16-4, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại, Du lịch TP Hà Nội tổ chức hội nghị kết nối thương mại điện tử.

Hội nghị nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất Việt mở rộng kênh phân phối hàng hóa trên môi trường trực tuyến, kết nối với người tiêu dùng thông qua "Gian hàng Việt trực tuyến" trên các sàn thương mại điện tử lớn trong nước.

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, cho biết hiện nay trên các sàn thương mại điện tử chủ yếu là bán hàng nước ngoài, đặc biệt là hàng hóa có nguồn gốc từ các quốc gia láng giềng. Trong khi đó, hàng hóa Việt của chúng ta cũng rất phong phú và chất lượng không hề kém cạnh.

"Chất lượng hàng Việt của chúng ta không hề kém nhưng làm thị trường thì rất... trần ai, khó khăn" - ông Hải chia sẻ.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: AH

Do đó, để giúp những người sản xuất trong nước, ông Hải cho rằng cần phải làm thị trường cho hàng hóa Việt, để hàng hóa Việt tiêu thụ tốt ở thị trường nội địa.

"Gian hàng Việt trực tuyến là một trong những sáng kiến mà chúng tôi nghĩ rằng có thể đáp ứng được nhiều vấn đề trong phát triển hàng Việt. Với sự quản lý về mặt chất lượng, được bảo trợ của Bộ Công Thương, sự hỗ trợ của doanh nghiệp logistics thì tôi nghĩ rằng hàng Việt sẽ được đưa đến thị trường, được tiêu thụ dễ dàng hơn rất nhiều, nhất là trong môi trường trực tuyến" - ông Hải nói.

Ông Bùi Huy Hoàng, Phó giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, chia sẻ: Gian hàng Việt trực tuyến không phân biệt đó là doanh nghiệp lớn, nhỏ hay siêu nhỏ mà chỉ cần doanh nghiệp sản xuất đó có những sản phẩm tốt, được cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, đánh giá, được chứng nhận thì đều có thể đăng ký tham gia.

"Ngoài ra với sự đồng hành của Bộ Công Thương, các bộ ngành, cơ quan chức năng địa phương, các đối tác thì sản phẩm của doanh nghiệp Việt sẽ được hỗ trợ trong việc quảng bá rộng rãi không chỉ ở địa phương mình mà ra toàn quốc. Đây là vấn đề mà từng doanh nghiệp đơn lẻ khó làm được trong thời điểm hiện nay" - ông Hoàng cho biết.

Các sản phẩm tham gia Gian hàng Việt trực tuyến đều được kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc, chất lượng. Ảnh: AH

Trao đổi bên lề sự kiện, bà Đỗ Thị Kim Thông, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Thương mại du lịch và xuất nhập khẩu Kim Thông, cho biết hiện đang sản xuất và kinh doanh sản phẩm hạt sachi.

Đây là loại hạt có hàm lượng dinh dưỡng omega rất cao, rất tốt cho sức khỏe nhưng ít người tiêu dùng biết tới. Để mở rộng mạng lưới khách hàng, hợp tác xã của bà Thông đã tìm hiểu để đưa sản phẩm giới thiệu trên sàn thương mại điện tử.

"Sau khi đưa hàng lên sàn thương mại điện tử, khách hàng bắt đầu biết đến chúng tôi nhiều hơn. Nếu so với mức độ tiêu thụ truyền thống thì doanh thu bán trên sàn thương mại điện tử tăng lên gấp đôi, công tác truyền thông cũng đơn giản, đỡ vất vả hơn rất nhiều" - bà Thông chia sẻ.

Ông Trần Đình Trọng, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ Công bằng Eatu (Buôn Mê Thuột) cũng cho biết:

"Chất lượng cà phê mà chúng tôi sản xuất ra rất tốt nhưng quá trình bán ra thị trường rất khó vì người tiêu dùng chưa hiểu và chưa biết đến nhiều.

Đặc biệt, vì bán qua nhiều tầng lớp trung gian nên người sản xuất không có lời nhiều. Thông qua sàn thương mại điện tử này chúng tôi tin tưởng sẽ có nhiều khách hàng hiểu về cà phê của chúng tôi hơn, mức tiêu thụ tăng lên".

Kết thúc hội nghị, gần 20 doanh nghiệp sản xuất đã hoàn thành việc ký kết thỏa thuận triển khai phân phối sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử thông qua Gian hàng Việt trực tuyến.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

(PLO)- Với doanh thu năm 2023 đạt trên 170.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.800 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tiếp tục giữ ổn định các hệ số tài chính quan trọng và đủ khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.