Sát Tết dương lịch, Long An phát hiện xe máy nghi nhập lậu

Cục Quản lý thị trường tỉnh Long An vừa phát hiện và tạm giữ 4 xe gắn máy loại 50cc, không biển kiểm soát, là hàng đã qua sử dụng.

Xe được vận chuyển trên ô tô loại 7 chỗ, bị Đội QLTT số 5 phát hiện khi kiểm tra trên tuyến quốc lộ 62, thuộc địa bàn khu phố 2, thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa.

Tại thời điểm kiểm tra, người điều khiển ô tô không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc của các xe gắn máy này. Nhận thấy có dấu hiệu buôn lậu, Đội QLTT số 5 quyết định tạm giữ cả xe ô tô và bốn xe gắn máy này để tiếp tục thẩm tra, xác minh xử lý theo quy định pháp luật.

Bốn xe gắn máy nghi nhập lậu. Ảnh: DMS

Chưa thể đánh giá cụ thể ngay trường hợp này, nhưng thông tin với PLO ngày 6-12, Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương) cho biết buôn lâu, gian lân thương mại cứ đến thời gian cuối năm lại phức tạp. Như ở Nghệ An, hôm 3-12, QLTT cũng phát hiện hơn 20kg pháo nổ nhập ngoại, không có hóa đơn chứng từ hợp pháp.

Cùng ngày, tại tỉnh An Giang, QLTT phát hiện và thu giữ nhiều hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và nghi vấn giả mạo nhãn hiệu. Kiểm điếm số hàng này thì thấy có hơn 2.300 chai nước sơn móng tay; hàng trăm hũ bột đắp móng tay, đính hột; gần 600 bịch định hình móng; gần 400 hộp móng tay giả; gần 360 đồ chơi trẻ em hình thù các loại có xuất xứ Trung Quốc... Tổng trị giá hàng hóa tạm giữ gần 150 triệu đồng.

Trước đó, ngày 27-11, Đội 1, Cục QLTT tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông, Công an TP. Huế kiểm tra xe ô tô khách mang biển kiểm soát 29B - 152.35, phát hiện hơn 16.000 sản phẩm hàng hóa do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ.

Các mặt hàng bao gồm 160 máy tính xách tay hiệu Dell, Lenovo, HP; 23 điện thoại Iphone 11 Promax và Ipad; 6.000 sản phẩm mỹ phẩm, hơn 9.500 sản phẩm khác như linh kiện máy tính, phụ kiện thời trang, áo quần, giày dép…và 300 đồng hồ đeo tay có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu được bảo hộ tại thị trường Việt Nam. Tổng trị giá hàng hóa tạm giữ ước tính trên 1,5 tỷ đồng.

 

QLTT Nghệ An phát hiện hơn 20kg pháo nổ do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ hợp pháp. Ảnh: DMS

Để ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, Tổng cục QLTT đã ban hành kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Theo đó, tại tuyến biên giới phía Bắc, Cục QLTT các tỉnh sẽ tập trung vào khu vực cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị, chợ Tân Thanh (Lạng Sơn); cửa khẩu quốc tế Lào Cai, Cửa khẩu Kim Thành, chợ Cốc Lếu (Lào Cai); thành phố Móng Cái (Quảng Ninh); cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang); cửa khẩu Tây Trang (Điện Biên)... Trọng điểm kiểm tra là pháo nổ, thuốc lá, rượu, bia, nước giải khát, hàng thời trang, hàng thực phẩm, mỹ phẩm, gia súc gia cầm, thiết bị y tế...

Cục QLTT ở tuyến biên giới Miền Trung - Tây Nguyên sẽ tập trung vào khu vực cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh); cửa khẩu Cha Lo Quảng Bình); cửa khẩu Lao Bảo, chợ Đông Hà (Quảng Trị). Các mặt hàng cần lưu ý là đường cát, nước giải khát, hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng...

Các Cục QLTT ở tuyến biên giới Tây Nam thì tập trung vào các mặt hàng thuốc lá điếu, đường cát, xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Các cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh); khu vực huyện Đức Hòa, Đức Huệ (Long An); cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang); khu vực thành phố Hồng Ngự (Đồng Tháp); cửa khẩu Hoa Lư (Bình Phước) sẽ được tăng cường lực lượng.

 

Trong dịp cao điểm chống buôn lậu, hàng giả dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh - Trưởng BCĐ quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã ký, ban hành Kế hoạch 119/KH-BCĐ389 yêu cầu các cơ quan chức năng chủ động nắm chắc diễn biến tình hình, tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả....

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm