Sẽ hạn chế làm ăn chụp giật trong kinh doanh ô tô

Đây là quan điểm của Bộ Công Thương nêu ra tại buổi họp báo thường kì của Bộ Công Thương diễn ra sáng 14-7.

Liên quan đến Dự thảo Nghị định quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô, Bộ Công Thương cho rằng, theo quy định, ô tô thuộc danh mục hàng hóa có khả năng gây mất an toàn , có khả năng gây ảnh hưởng đến sức khỏe, an toàn của người tiêu dùng, hạ tầng giao thông và môi trường.

Là sản phẩm công nghệ cao, vì vậy sản phẩm ô tô khi đưa vao lưu thông cần đáp ứng các yêu cầu ngiêm ngặt về chất lượng nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và môi trường. Doanh nghiệp cần có trách nhiệm đến cùng với sản phẩm (sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu), vận hành sản phẩm (bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi) đến khâu thải bỏ.

Việc ban hành Nghị định nhằm đáp ứng quy định Luật Đầu tư, tôn trọng sự bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô, không phân biệt giữa doanh nghiệp lớn và nhỏ.

Các quy định của dự thảo Nghị đình đều là những điều kiện tối thiểu cần thiết đối với doanh nghiệp để đáp ứng những yêu cầu trên. Nghị định cũng hướng đến khuyến khích sản xuất trong nước, tạo ra khung pháp lý ổn định, bền vững, tạo ra môi trường cạnh tranh minh bạch giữa các doanh nghiệp với nhau, hạn chế tình trạng làm ăn chụp giật và gian lận thương mại trong lĩnh vực kinh doanh ô tô.

Liên quan đến ô tô điện, Bộ Công Thương cho rằng so với ô tô dùng xăng, ô tô điện chỉ có đặc thù riêng về động cơ và pin. Các đặc thù này hoàn toàn không gặp phải bất kì trở ngại nào trong các quy định về điều kiện kinh doanh tại dự thảo Nghị định này. Do đó, việc cho rằng các điều kiện kinh doanh trên sẽ hạn chế dòng ô tô điện là không có căn cứ.

Hiện Bộ Công Thương đã có tờ trình gửi Chính phủ về việc ban hành Nghị định này.

Trước đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có văn bản gửi Vụ công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) về Dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.

Theo đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo loại ô tô chạy điện ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Nghị định này, nhằm không làm cản trở cơ hội phát triển xe chạy bằng điện tại Việt Nam.

Lý do VCCI đưa ra là hiện nay xe ô tô chạy bằng điện thuộc xu hướng phát triển mới của ngành ô tô thế giới và được dự đoán sẽ có sự tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Xe ô tô chạy điện có một số đặc điểm sau cần được cân nhắc chính sách kỹ hơn, như loại xe này góp phần giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, giảm ô nhiễm không khí do khí thải, góp phần bảo vệ môi trường.

VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi lại Điều 5 của Dự thảo theo hướng doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô (kể cả ô tô sản xuất trong nước và ô tô nhập khẩu) phải chịu trách nhiệm triệu hồi ô tô bị lỗi kỹ thuật; doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô có thể ủy quyền cho doanh nghiệp phân phối, đại lý, doanh nghiệp nhập khẩu ô tô để thực hiện việc triệu hồi.

Theo VCCI, triệu hồi ô tô là nghĩa vụ xử lý các lỗi kỹ thuật hoặc vi phạm các quy định, quy chuẩn kỹ thuật của ô tô. Lỗi kỹ thuật hoặc vi phạm các quy định, quy chuẩn của ô tô phát sinh trong quá trình thiết kế và sản xuất, lắp ráp ô tô, cho đến khi ô tô xuất xưởng. Những công đoạn này đều thuộc trách nhiệm của nhà sản xuất, chứ không phải nhà phân phối. Do đó, trong mọi trường hợp, trách nhiệm triệu hồi luôn thuộc về nhà sản xuất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm