Sẽ lập hội đồng chính sách tiền tệ quốc gia

Tập thể bàn, thủ trưởng quyết định

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Hà Văn Hiền, việc thành lập hội đồng chính sách tiền tệ quốc gia trong Ngân hàng Nhà nước là cần. Bởi hoạch định, điều hành chính sách tiền tệ ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Mọi quyết sách cần bàn bạc trong tập thể chuyên gia cao cấp để tránh rủi ro...

Ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, băn khoăn: “Hội đồng này tư vấn cho thống đốc hay có quyền quyết định chính sách tiền tệ? Vì thực tế có nhiều cơ cấu mà phụ lấn át chính. Có ông làm thì chả ra làm sao cả nhưng ngồi vào hội đồng thì phán như “cóc cụ””.

Sẽ lập hội đồng chính sách tiền tệ quốc gia ảnh 1

Lãi suất cơ bản là một vấn đề được quan tâm thảo luận. Ảnh minh họa: HTD

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu giãi bày: Hội đồng có nhiệm vụ tư vấn cho thống đốc. Quyết chính sách tiền tệ vẫn là thống đốc, từ trước đến nay vẫn thế. Điều này phù hợp với cơ chế thủ trưởng chịu trách nhiệm.

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên nói: “Dại gì mà thống đốc không nghe hội đồng tư vấn trước khi quyết vấn đề nào đó. Cũng giống như xem voi, anh chỉ sờ thấy cái đuôi, có người khác thấy thêm đầu, mình, chân... thì mới ra con voi chứ”.

Chỉ hai nước có lãi suất cơ bản

Bảo vệ đề xuất bỏ lãi suất cơ bản, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu nói: “Lãi suất cơ bản như hiện nay là không có thực, không thể hiện quan hệ vay vốn giữa ngân hàng trung ương và tổ chức tín dụng. Trên thế giới, chỉ có Trung Quốc và Việt Nam sử dụng công cụ lãi suất cơ bản mà thôi”.

Theo ông Giàu, đa số các nước hiện nay sử dụng công cụ lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu (là quan hệ vay vốn giữa ngân hàng trung ương và các ngân hàng, tổ chức tín dụng). Thông qua đó truyền dẫn lãi suất thị trường. Sắp đến, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành thị trường tiền tệ theo hướng này, đồng nghĩa với bỏ lãi suất cơ bản.

Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng phản đối: “Lãi suất cơ bản là barie, biển báo đối với các tổ chức tín dụng khi điều chỉnh lãi suất huy động cho vay. Nếu bỏ đi, các tổ chức tín dụng chạy theo lợi nhuận, ảnh hưởng đến nền kinh tế và mục tiêu ổn định giá cả, khống chế lạm phát”.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng các ý kiến về lãi suất cơ bản là chưa thuyết phục. Ông đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu đưa ra một loại lãi suất dựa trên khung lãi suất do Chính phủ quyết định làm định hướng thị trường và không vênh với Bộ luật Dân sự.

Các đại biểu cũng tranh luận về việc có nên công bố hay giữ bí mật khi tổ chức tín dụng bị đặt trong trường hợp kiểm soát đặc biệt (có nguy cơ mất khả năng chi trả, khả năng thanh toán)...

Hai dự án luật này sẽ trình ra QH vào kỳ họp thứ Bảy tới đây.

Ngân hàng muốn hưởng đãi ngộ riêng

Dự án Luật Ngân hàng Nhà nước lấy lý do là cán bộ ngành này tạo thu nhập cho ngân sách nên đề nghị được hưởng ưu đãi... Quy định này bị các đại biểu phản đối, đòi bỏ. Ông Trần Thế Vượng hỏi: “Quân đội phải đổ xương máu, công an thức cho dân ngủ, giáo viên trồng người..., ai cũng có lý do, cả làng đòi tăng lương hết à?”.

VĂN TIẾN

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

ĐHĐCĐ năm 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

(PLO)- Sáng 28-3, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

(PLO)- Thị trường vàng trong nước có phiên tăng giá thứ hai liên tiếp. Đáng nói là trong khi vàng nhẫn tăng không đáng kể thì vàng miếng SJC lại có bước nhảy vọt, vượt mốc 81 triệu đồng/lượng.