Siết tín dụng: Chứng khoán lại càng đuối

Thị trường chứng khoán sụt giảm không phanh, có quá nhiều cổ phiếu trên sàn dưới mệnh giá (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu), chỉ số VN-Index nhiều tuần dao động quanh mốc 430-440 điểm, thanh khoản xuống thấp có phiên hai sàn chính chỉ hơn 500 tỉ đồng đổ vào… Đây là những hệ lụy từ việc ngân hàng thu nợ vay chứng khoán và công ty chứng khoán (CTCK) bán cổ phiếu của nhà đầu tư để giải chấp. Tuy đã giải chấp mạnh nhưng tình hình thu hồi nợ vẫn căng cứng.

Thu hồi nợ gấp rút

Về tình hình thu hồi nợ theo Chỉ thị 01 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong lĩnh vực chứng khoán, lãnh đạo một số CTCK cho biết là việc giải chấp bán ra cổ phiếu để thu hồi nợ đã diễn ra từ đầu tháng 5.

Trao đổi với phóng viên ngày 28-6, ông Phạm Linh, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Quốc Tế, cho biết đến thời điểm này có thể nói việc thu hồi nợ cho vay đầu tư chứng khoán đã đạt gần 80%, nếu còn sót lại thì tỉ lệ chỉ khoảng 20%.

Còn ông Đinh Thế Hiển, chuyên gia chứng khoán, cũng nhận định áp lực giải chấp nợ chứng khoán để thu hồi nợ đã diễn ra từ tháng 4 chứ không phải bây giờ. Các khoản nợ từ chứng khoán ngân hàng thu nhanh được vì đây là những khoản cho vay ngắn hạn và tài sản cầm cố là cổ phiếu nên có tính thanh khoản cao.

Tuy nhiên, nhìn ở góc độ tính thanh khoản của thị trường, nguyên tổng giám đốc một CTCK cho rằng việc thu hồi nợ vay đầu tư chứng khoán vẫn còn căng thẳng.

Siết tín dụng: Chứng khoán lại càng đuối ảnh 1

Thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn ảm đạm trước lệnh siết tín dụng của Ngân hàng Nhà nước. ảnh: M.THẢO

“Theo tôi, với các khoản vay từ ngân hàng thì có thể thu hồi. Nhưng những khoản cho vay mà do các CTCK cho vay thì hơi khó. Bởi lẽ thị trường ảm đạm, giá cổ phiếu xuống thấp thì làm sao bán chứng khoán cầm cố ra để giải chấp. Cái này có thể thấy rõ trong việc ở quý I các CTCK báo cáo lỗ” - ông này nói.

Bán cổ phiếu cầm cố không được

Nhìn vào thị trường ảm đạm từ đầu năm đến nay nhà đầu tư đã nhận thấy có việc bán ra chứng khoán để thanh toán nợ. Tuy nhiên, diễn biến của việc thu hồi công nợ đầu tư chứng khoán phía NHNN lại nói có những mặt trái khác.

Mặt trái đó được Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cho biết trong buổi gặp gỡ báo chí mới đây là có các ngân hàng hiện vẫn đẩy mạnh cho vay chứng khoán, có ngân hàng cho vay lên 31%, thậm chí có ngân hàng cho vay đầu tư chứng khoán đến 154%.

Thế nên có thể nói ngay việc thu hồi công nợ chứng khoán hiện vẫn căng cứng chứ không phải dễ chịu như nhiều người suy đoán và câu chuyện thị trường vốn vẫn chưa thoát bóng ma giải chấp là có thật.

Trả lời báo chí, ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, cho biết tại TP.HCM hiện có sáu ngân hàng không rút dư nợ cho vay ở lĩnh vực phi sản xuất về mức 22% như chỉ đạo. Khi bóc tách các khoản cho vay ông Hạnh nói trong số nợ không thu được có các khoản cho vay đầu tư chứng khoán.

Khi phóng viên hỏi tổng giám đốc một CTCK có trụ sở ở TP.HCM thì ông này bật mí là thị trường khó khăn quá nên công ty không thể bán ra cổ phiếu cầm cố của nhà đầu tư để thu nợ.

Bên cạnh vấn đề thu hồi nợ cho vay đầu tư chứng khoán còn có vấn đề khác mà thanh tra NHNN khi vào kiểm tra mới phát hiện. Đó là việc có nhiều ngân hàng thương mại hiện lách trần tăng trưởng tín dụng 20% bằng cách rót tiền vào mua trái phiếu doanh nghiệp. Làm việc này các ngân hàng lách được việc tăng tín dụng nhưng thu lợi hàng trăm tỉ đồng về dưới dạng hợp đồng ủy thác đầu tư.

Để chấn chỉnh việc tăng tín dụng dưới dạng rót tiền vào chứng khoán này mới đây khi làm việc với các ngân hàng, NHNN cho biết sắp tới sẽ ban hành một thông tư siết việc đầu tư ngoài luồng trên.

Nâng dự trữ gấp đôi, cấm mở chi nhánh

Theo Chỉ thị 01 của NHNN, nếu không đạt tỉ lệ dư nợ cho vay phi sản xuất ở mức 22% trên tổng dư nợ vào ngày 30-6 và 16% vào ngày 31-12 năm nay, NHNN sẽ có một số biện pháp chế tài đối với các ngân hàng như bị áp mức dự trữ bắt buộc gấp đôi so với bình thường, không được mở rộng hoạt động, mở chi nhánh,… trong sáu tháng cuối năm 2011 và cả năm 2012. Đây là biện pháp chế tài mạnh của NHNN buộc các ngân hàng thương mại phải đắn đo, tính toán.

Ngân hàng khó “làm đẹp” báo cáo

Có người cho rằng nếu muốn đưa tỉ lệ dư nợ cho vay phi sản xuất xuống 22% thì ngân hàng thương mại có thể dùng các thủ thuật để báo cáo cho hợp lệ. Theo tôi điều này khó xảy ra, vì bản báo cáo của các ngân hàng thương mại sẽ nộp lên NHNN, có kiểm toán, có thanh tra của NHNN, nếu làm gian dối sẽ bị xử phạt nặng.

TS VŨ VIẾT NGOẠN, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội

Cần tái cấu trúc ngân hàng

Dù muốn hay không muốn chúng ta vẫn phải kiên quyết hạ bằng được tỉ lệ dư nợ cho vay phi sản xuất xuống 22%. NHNN đã cho đưa ra các giải pháp và thời gian đủ để thực hiện. Muốn ổn định kinh tế vĩ mô phải kiên trì thực hiện quyết liệt giải pháp này. Các ngân hàng phải tái cấu trúc lại mới được.

TS TRẦN DU LỊCH, thành viên tư vấn chính sách tài chính
tiền tệ quốc gia

Giữa tháng 7 thị trường sẽ ấm lại

Theo tôi, hết tuần thứ hai của tháng 7 thị trường chứng khoán sẽ ấm trở lại. Lúc này sẽ có một dòng tiền mới đi vào. Điều đáng lo ngại lại bắt đầu từ ngày 1-7 đến hết ngày 30-12 khi các ngân hàng thương mại phải tiếp tục hạ bằng được tỉ lệ dư nợ cho vay phi sản xuất xuống 16%.

PGS-TS NGUYỄN VĂN TRÌNH,
Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-Luật TP.HCM

BÙI NHƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm