Số giờ nộp thuế tùy thuộc chính sách

Sáng 20-8, Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA), Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) lấy ý kiến doanh nghiệp (DN) về thủ tục thuế nhằm cắt giảm thời gian và chi phí nộp thuế.

“Chả quan tâm số giờ”

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch VTCA, cho biết bảy năm trước, thời gian thực hiện thuế và bảo hiểm của DN là 1.050 giờ/năm, sau đó cải cách nên giảm xuống còn 941 giờ, rồi giảm còn 872 giờ như hiện nay nhưng vẫn còn thua xa mức bình quân của ASEAN (171 giờ/năm).

Thế nhưng cốt lõi của việc cải cách không phải ở chỗ giảm con số giờ. Một DN ở Đồng Nai khi nghe việc rút số giờ đã thẳng thắn nói rằng: “Chị Cúc ơi, chúng tôi chả quan tâm số giờ đâu, làm sao để cán bộ thuế thực hiện cho đúng chính sách là tốt lắm rồi. Làm sao cho quy định hợp lý hơn, ví dụ DN bán khai sai hóa đơn mà DN mình mua hàng, nhận hóa đơn đó lại bị phạt thì oan cho DN quá”.

Tại hội thảo, nhiều DN cũng chia sẻ việc cải cách các thủ tục, việc giảm số giờ có vẻ như đang giải quyết phần ngọn, còn phần gốc thì chưa sờ tới được. Một DN góp ý phải tìm cách xây dựng pháp luật sao cho đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện mới giảm được thủ tục, giảm giờ thực thi. Phải nhìn xem ở các nước quy định thuế như thế nào để chỉ cần 170 giờ/năm là xong, người ta quy định quản lý, hậu kiểm, xây dựng dịch vụ hỗ trợ thuế, đại lý thuế, tư vấn thuế như thế nào để nhanh gọn, rồi người ta áp dụng công nghệ thông tin như thế nào, cách ứng xử của công chức thuế ra sao... Từ đó mới biết mình bị “vênh” cái gì để có thể rút ngắn khoảng chênh lệch thời gian. Còn ta chỉ chỉnh sửa phần ngọn, không giải quyết tận gốc thì có giảm cũng chỉ giảm được một ít giờ mà thôi, vẫn không theo kịp các nước khác được.

Giải đáp thắc mắc về thuế cho người dân tại Cục thuế TP.HCM. Ảnh: HTD

Nhiều quy định bất hợp lý

Bà Cúc cho rằng phải chỉnh sửa các quy định phù hợp hơn thì DN sẽ thực hiện tốt hơn. “Tôi hỏi DN, các anh có làm ba hợp đồng lao động không? Một hợp đồng thực tế chi trả cho nhân viên, một hợp đồng lương thấp để nộp bảo hiểm thấp, một hợp đồng đối phó với cơ quan thuế. DN bảo có! Tại sao? Vì DN phải nộp các khoản bảo hiểm đến 22% trên lương, khai đúng thì nộp nhiều quá, khó lắm! Vậy tại sao không đi đến một mức quy định nào đó dễ chịu hơn, để cho người ta có thể nộp bảo hiểm mà khỏi phải làm mấy hợp đồng giả?” - bà Cúc đặt vấn đề.

Cũng trong quá trình tìm hiểu, khảo sát thực tế DN, bà Cúc phát hiện “lẽ ra chỉ cần một bộ hồ sơ duy nhất, theo quy định để hoàn thuế. Thế nhưng hầu như không có DN nào có một bộ mà luôn phải có hồ sơ bổ sung, phải sao lại hết các tờ khai đã nộp”. Làm cách nào để hoàn thuế dễ dàng hơn?

Bà cũng nhìn nhận thực trạng có một số DN lợi dụng cơ chế thông thoáng để gian lận thuế. Tuy nhiên, khi nhìn thấy sự gian lận đó, cơ quan thuế siết lại và làm nhiều DN tốt khác bị vạ lây.

Chấn chỉnh công chức

Quy định có gây khó khăn nhưng cách hành xử của cơ quan thuế mới là yếu tố chính gây bức xúc cho DN.

Ông Nguyễn Văn Được, Giám đốc Công ty Tư vấn thuế Trọng Tín, kể rằng khi khai báo về trụ sở công ty thì đã khai đủ số nhà, đường phố, phường xã... thế mà nhân viên thuế còn đòi phải vẽ sơ đồ đường đi mới chịu nhận hồ sơ!

Một trường hợp khác, ông Lê Vũ Lưu (Công ty Thép SAH Việt Nam, tỉnh Đồng Nai) cho biết quy định thì ghi đánh giá chênh lệch tỉ giá vào “cuối kỳ kế toán”. Công ty áp dụng đánh giá mỗi cuối tháng nhưng cơ quan thuế Đồng Nai khăng khăng không cho tính tháng mà bắt “kỳ kế toán” phải là hằng năm. Trong khi đó, cơ quan thuế Hà Nội lại chấp nhận.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa (Công ty Độc Lập) tỏ ý e ngại về quy định giao cơ quan thuế tự rà soát hóa đơn. “E rằng công chức thuế sẽ đẩy ngược lại cho DN mất thôi”. Bà Hoàng Thị Lan Anh, Phó Vụ trưởng, Phó Trưởng ban Cải cách và Hiện đại hóa, khẳng định cán bộ không được yêu cầu DN nộp thêm bất kỳ hồ sơ nào không có trong quy định. Nếu gặp trường hợp này, DN nên báo ngay cho lãnh đạo cơ quan thuế.

QUỲNH NHƯ

Thời gian khai thuế nhiều vì:

- DN mất nhiều thời gian để chuẩn bị tài liệu sổ sách, hồ sơ chứng từ tính thuế, do có nhiều quy định trong chính sách thuế khác với quy định của kế toán.

- Tờ khai thuế còn nhiều mẫu biểu, bảng kê, phụ lục... kèm theo, nhiều chỉ tiêu khai bị trùng lặp.

- Việc kê khai điều chỉnh, đối chiếu hóa đơn, chứng từ với nhau làm tăng lượng công việc và thời gian của DN.

HOÀNG THỊ LAN ANH, Phó Vụ trưởng,
Phó Trưởng ban Cải cách và Hiện đại hóa

Xử lý nghiêm công chức thuế bỏ trực làm việc riêng

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế vừa có chỉ thị gửi các đơn vị ngành thuế. Theo đó, tăng cường kỷ cương kỷ luật, chấn chỉnh lề lối làm việc, thái độ ứng xử của công chức thuế đối với người nộp thuế.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế yêu cầu các đơn vị thuế công bố công khai thời gian tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính về thuế để người nộp thuế biết. Ngoài ra, công chức thuế trong thời gian trực nếu bỏ vị trí công việc hoặc làm việc riêng mà không giải quyết thủ tục hành chính thì phải xử lý nghiêm.

TRÀ PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm