Startup Việt mất cơ hội nhận đầu tư do thiếu công nghệ

“Cảm nhận đầu tiên mà các nhà đầu tư quốc tế gặp tôi hỏi vì sao startup Việt Nam có nhiều dự án về app, mà quá thiếu vắng dự án công nghệ. Để đáp ứng nhu cầu, xu hướng của các nhà đầu tư trong và nước ngoài, chúng tôi đang có chương trình đưa startup Việt ra các nước và đưa các startup nước ngoài vào Việt Nam. Quảng bá tiềm năng startup Việt ra thế giới”. Đây là thông tin ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Saigon Innovation Hub (SIHUB)- Sở Khoa học công nghệ TP.HCM, chia sẻ tại hội thảo Gọi vốn đầu tư Thiên thần gặp gỡ-Shark Tank hội ngộ do Group quản trị và khởi nghiệp tổ chức.

Theo ông Tước, chương trình này SIHUB kí kết với năm quốc gia, hiện nay đã có startup Hàn Quốc, Singapore, Malaysia vào Việt Nam. Tháng 8 này SIHUB tổ chức một đợt cho các startup Việt qua Malaysia. Cách này giống như đi bán hàng, đi thăm dò thị trường. Và cũng đặt ra vấn đề giống như hiện nay Việt Nam phải đi bán cái gì có giá trị cao hơn một chút so với tư duy chỉ bán lúa gạo, tôm... ra thế giới.

“Bản thân người Việt rất mạnh về sản phẩm, làm sao để sáng tạo không chỉ dừng lại những cái app tạo ra giá trị thấp mà sáng tạo ra những công nghệ, có giá trị cao hơn. Việt Nam đang gia nhập cuộc chơi quốc tế thì startup cần biết đâu là ưu thế cạnh tranh của mình, cái mình có tham gia với thế giới là gì”, ông Tước gợi ý.

Cùng quan điểm trên, ông Lý Trường Chiến, Chủ tịch HĐQT Tri Tri Group, đối tác chiến lược quỹ đầu tư Faster Capital (Du Bai) cho biết mới đây một phần mềm décor của startup nước ngoài đã được quỹ Faster Capital quyết định đầu tư 850.000 USD.

“Tôi nghĩ Việt Nam cũng có nhiều người theo đuổi phần mềm này. Và nguyên tắc cho thấy những dự án có dùng công nghệ cao thì startup có cơ hội bán ra các thị trường khác nhanh hơn” - ông Chiến nói.

Faster Capital không giới hạn ngành nghề đầu tư, nhưng điều kiện là dự án phải có yếu tố đổi mới sáng tạo. Nếu startup nào đang chỉ có ý tưởng mà không có đội ngũ về khoa học công nghệ… cũng như muốn tìm một người đồng sáng lập thì quỹ có thể đồng hành. Mức đầu tư của Faster Capital dự kiến sẽ từ 200.000 USD đến 2 triệu USD.

Dự án Tour đi bộ miễn phí Đà Nẵng giới thiệu tại Ngày hội Startup 2017

Trong khi đó, nhằm hỗ trợ cho các startup “sơ khai”, ông Tước cho hay SIHUB đang cố gắng định giá về thương hiệu, định giá công nghệ để startup có cơ hội chào bán ngay từ đầu, khi doanh thu chưa có gì. Cụ thể cách đây hơn một tuần SIHUB mời năm startup của TP Busan qua. Họ đang chào bán một công nghệ là một robot khảo sát dưới biển- đây là dự án công nghệ cao và chưa có doanh thu gì, và SIHUB đang chào bán cho một DN…

“Như vậy, nếu có công nghệ càng cao thì chắc chắn được đầu tư tốt.  Nhưng làm sao để có công nghệ cao và khi có rồi cần có môi trường, một điều kiện môi giới tốt, kể cả định giá thì startup mới tiến ra xa hơn” ông Tước nhấn mạnh.  

Theo ông Chiến, startup công nghệ cao thì đừng bao giờ nghĩ chỉ kinh doanh chỉ ở thị trường Việt Nam mà là thị trường toàn cầu.  Nơi nào có khách hàng nơi đó là thị trường. Khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại ngày càng nhiều, càng sâu thì cơ hội của startup càng lớn.

Tại hội thảo, các startup có dịp gặp gỡ các quỹ đầu tư như SIHUB, Faster Capital…các nhà đầu tư lớn trong chương trình Shark Tank gồm bà Thái Vân Linh, Giám đốc vận hành và chiến lược quỹ đầu tư Vinacapital, ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn CenGroup… tìm hiểu làm sao gọi vốn thành công, nhà đầu tư có những tiêu chí nào để chọn đầu tư cho một dự án; “khẩu vị” của các quỹ, làm sao xác định giá trị DN;  khi có nhiều nhà đầu tư vây quanh họ phải làm sao…

Ban tổ chức cho biết, với sự chia sẻ của các quỹ, nhà đầu tư sẽ giúp các startup, chủ DN vừa và nhỏ nhận thức được định hướng đầu tư của các nhóm quỹ, yêu cầu các quỹ khi đầu tư như thế nào. Từ đó, các DN vừa và nhỏ, startup chuẩn bị tâm thế, mô hình kinh doanh, kế hoạch hoạt động hiệu quả nhất để thuyết phục các nhà đầu tư. Qua đó tìm được các nguồn đầu tư để cùng đồng hành, cùng phát triển.

 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

(PLO)- Với doanh thu năm 2023 đạt trên 170.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.800 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tiếp tục giữ ổn định các hệ số tài chính quan trọng và đủ khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.