Sửa Bộ luật Dân sự để bắt kịp hoạt động kinh doanh

PGS-TS Đỗ Văn Đại, Trưởng khoa Luật dân sự (ĐH Luật TP.HCM), trọng tài viên VIAC, cho rằng BLDS hiện quy định bảy biện pháp bảo đảm gồm cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lãnh, tín chấp. Trên thực tế, có trường hợp các bên thỏa thuận biện pháp bảo đảm khác, ví dụ cầm giữ giấy tờ nhà, đất, xe hay thỏa thuận sẽ sang tên nhà, xe nếu bên vay không hoàn trả tiền vay. Các thỏa thuận mang tính sáng tạo này lại không được tòa án chấp nhận khi xét xử. Do đó, ông góp ý BLDS nên ghi nhận sự sáng tạo của các bên trong giao dịch, dự liệu thêm các biện pháp bảo đảm khác.

Luật sư Phan Thông Anh, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Việt Nam, trọng tài viên VIAC, góp ý BLDS còn quy định thiếu sót một số trường hợp trong thời hiệu khởi kiện đối với pháp nhân. Theo ông, trường hợp pháp nhân chưa có người đại diện pháp luật (do người đại diện chết, mất tích, do tranh chấp giữa các thành viên về vị trí người đại diện…) mà pháp nhân chưa kịp hoặc không kịp bầu người đại diện khác thì khoảng thời gian này không nên tính vào thời hiệu khởi kiện vì làm khó cho bên đi kiện.

Góp ý cho vấn đề quốc tịch của pháp nhân, TS Lê Nết, thành viên Công ty Luật AGZI LCT, cho rằng BLDS quy định khá chồng chéo với quy định của Luật Đầu tư. Công ty có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập tại Việt Nam được coi là pháp nhân Việt Nam hay pháp nhân nước ngoài? Nếu xem là pháp nhân Việt Nam thì không nên phân biệt đối xử trong quy định về sử dụng đất, góp vốn đầu tư thành lập công ty khác.

Ông Nguyễn Hồng Hải, Trưởng phòng Pháp luật dân sự (Vụ Pháp luật Dân sự-Kinh tế, Bộ Tư pháp), cho biết BLDS sửa đổi sẽ được thông qua từng phần trong nhiều kỳ họp Quốc hội. Dự kiến đến tháng 10-2015 thì Quốc hội mới hoàn tất việc thông qua.

QUỲNH NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm