Sửa đổi Nghị định 55 về kinh doanh xăng dầu: Nên để cây xăng chọn nhà phân phối

Đã hơn hai năm thực hiện giá xăng theo cơ chế thị trường, các doanh nghiệp (DN) xăng dầu vẫn lỗ. Do đó, theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú, nghị định sửa đổi về việc kinh doanh xăng dầu ra đời càng sớm càng tốt để ngăn chặn những tồn tại lâu nay.

Khó cạnh tranh nếu chỉ một nguồn hàng

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Vĩnh Phúc Nguyễn Thanh Toản, thị trường phải có cạnh tranh. Giải pháp tiên quyết là phải tách 12.000 cây xăng bán lẻ hiện nay ra khỏi các công ty nhập khẩu xăng dầu, trước hết là Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).

Ông Toản lập luận: Điều 18 Luật Cạnh tranh nêu: “Cấm tập trung kinh tế nếu thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% liên quan”. Vậy tại sao luật phải cấm? Rõ ràng là việc tập trung như thế thì không có lợi cho thị trường.

“Đồng ý là Petrolimex hiện chiếm 60% thị phần là do lịch sử để lại như ý kiến Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú. Tuy nhiên, do Petrolimex là DN nhà nước nên chúng ta đã sát nhập được thì nay hoàn toàn có thể chia tách ra được, miễn sao có lợi cho nền kinh tế” - ông Toản phân tích.

Ông Toản nhận định, xăng dầu khác với hàng hóa khác là người bán muốn bán tới người tiêu dùng phải có địa điểm mà địa điểm bán thì không thể xây dựng tràn lan được. Do với đặc thù của mặt hàng này, nếu vẫn giữ quy định như hiện hành là một cửa hàng bán lẻ chỉ được bán hàng của đầu mối nhập khẩu duy nhất thì chắc chắn sẽ khó khăn có một thị trường xăng dầu cạnh tranh.

Ông Toản phân tích: “Hiện cả nước có khoảng 12.000 cây xăng, trong đó có 6.000 cây xăng mang biển của Petrolimex. Rõ ràng, khoảng 6.000 cây xăng treo biển của Petrolimex không thể lấy xăng ở một công ty nào khác, mặc cho giá có thể rẻ hơn. Trong khi đó, Petrolimex chiếm trên 60% thị phần nội địa”.

Phải có giá trần bán lẻ

Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Khánh Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, cho rằng cơ quan quản lý nhà nước nên tăng cường giám sát không chỉ giá cả mà cả chất lượng.

Theo ông, có thể lo ngại việc một cây xăng nhập hàng bán của nhiều cây xăng sẽ khó khăn trong việc kiểm tra chất lượng mặt hàng xăng dầu nhưng cần đẩy mạnh việc quản lý chất lượng mặt hàng này ngay từ khi hàng được nhập về cảng. Hiện 11 DN đầu mối nhập khẩu chủ yếu nhập của thị trường Singapore. Do vậy, việc kiểm soát chất lượng xăng dầu ngay từ cửa khẩu là không khó khăn nhiều. Khi chất lượng được kiểm soát chặt chẽ thì việc các cây xăng được quyền lựa chọn nhà phân phối sẽ giúp cho giá cả cạnh tranh hơn.

ông Đinh Văn Thành, Viện Nghiên cứu thương mại, cho rằng nếu giá xăng dầu thế giới tăng hoặc giảm 3% thì DN không phải điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Còn khi giá thế giới tăng hoặc giảm trên 3% thì nhất định phải có điều chỉnh.

Ông Thành đề xuất: Nghị định mới cần phải quy định rõ: Căn cứ vào tình hình kinh tế-xã hội, giá xăng dầu thế giới trong từng thời kỳ mà Bộ Tài chính và Bộ Công thương trình Thủ tướng giá trần bán lẻ xăng dầu. Khi có mức giá trần, các hộ sử dụng nhiều nhiên liệu như Hiệp hội Taxi, vận tải hành khách, hàng hóa sẽ có định hướng điều chỉnh hoạt động kinh doanh của mình. Điều này sẽ giúp cho người tiêu dùng không rơi vào tình trạng bị động như hiện nay, chắc chắn khi đó sẽ hạn chế được những băn khoăn của người dân mỗi khi điều chỉnh giá xăng dầu.

LÊ THANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm