Tại sao lại 'bắt' chính chủ nạp thẻ điện thoại phải kèm CMND?

Vừa qua, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị tổng kết đợt thanh tra diện rộng về thuê bao di động trả trước. Tại đây, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị lãnh đạo Bộ một số giải pháp nhằm hạn chế tình trạng sim rác. Trong đó đề xuất, không cho phép chủ thuê bao tự kiểm tra thông tin thuê bao (thông qua nhắn tin 1414 và qua trang web).

Đồng thời, trong một lần nạp thẻ điện thoại, yêu cầu chủ thuê bao nhập kèm số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân hoặc hộ chiếu, ngày cấp. Quy định này nhằm mục đích cập nhật thông tin thuê bao chính xác.

Ông Đỗ Hữu Trí, Phó Chánh thanh tra Bộ TT&TT biết, khách hàng chỉ cần nhập số chứng minh nhân dân một lần nạp thẻ nhằm cập nhật thông tin thuê bao. Sau lần đó, việc nạp thẻ diễn ra theo bình thường.

“Thực trạng rất vô lý

Ngày 5-6, trao đổi với Pháp luật TP.HCM về đề xuất này, ông Trí cho hay đây đang là đề xuất, chưa phải là chính sách áp dụng vào thực tế. Ông Trí cũng cho hay, tại thời điểm thanh tra có khoảng  129,9 triệu thuê bao di động, thì có nhiều triệu thuê bao có thông tin không đúng như: họ tên chủ thuê bao không đúng với thông tin này trong cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp viễn thông di động.

“Khi áp dụng việc nhập số CMND khi nạp tiền bằng thẻ giấy hoặc bằng điện tử thì hệ thống sẽ nhận biết thuê bao này không đúng và hệ thống sẽ nhắn tin thông báo cho người sử dụng thêm số CMND vào. Khi nhập CMND hệ thống thấy khớp trong hệ thống doanh nghiệp thì được nạp bình thường. Lần sau vẫn có thể nạp bình thường mà không cần xác thực số CMND.

Trường hợp số CMND không khớp với cơ sở dữ liệu thì hệ thống sẽ báo cho khách hàng ra đúng cửa hàng của doanh nghiệp để chuẩn hóa thông tin. Khi thông tin đã được cập nhật chính xác, những lần nạp tiền sau sau khách hàng không phải dùng CMND nữa”- ông Trí giải thích.

“Hiện nay khách hàng mang CMND ra đăng ký hàng vài chục ngàn sim thoại thì doanh nghiệp không từ chối và vẫn đăng ký. Nhưng khách hàng đăng ký số sim đó để làm gì là một thực trạng rất vô lý và pháp luật không cấm”- ông Trí nói.

Một biện pháp khác là tổ chức, cá nhân sử dụng với số lượng sim thoại đã đủ nhu cầu của mình, ví dụ 5 số/mạng thì từ số thuê bao thoại thứ sáu trở lên trên mỗi mạng di động, cần phải phải trả thêm tiền đối với các thuê bao vượt mức. Mục tiêu là để ngăn chặn đăng ký thuê bao khống và bán sim rác không còn có lợi nhuận.

Quản phần ngọn, quên gốc

Sau khi Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra kiến nghị để tăng tính chính xác của thông tin thuê bao, hạn chế tình trạng SIM rác, nhiều người dân bức xúc cho rằng giải pháp này gây phiền toái, thiếu thực tế.

Anh Quốc Tuấn (quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết đề xuất thứ nhất của Thanh tra Bộ TT&TT là không cho phép chủ thuê bao tự kiểm tra thông tin thuê bao không hợp lý. Vì theo anh Tuấn, chủ thuê bao có quyền tự kiểm tra thông tin của mình, xem những dịch vụ mà họ đang sử dụng, không thể cấm được.

“Kiểm tra thông tin thuê bao đang dùng là nhu cầu của nhiều khách hàng nhằm đảm bảo quyền lợi cá nhân trong quá trình sử dụng sim. Trước đây, nhờ kiểm tra thông tin thuê bao, nhiều người phát hiện bị “móc túi” nhiều tiền trong tài khoản điện thoại vì những dịch vụ tự động kích hoạt mà họ không hề đăng ký”, anh Tuấn nói.

Đề xuất thứ hai mà anh Tuấn và nhiều người không đồng tình là mỗi lần nạp thẻ vào tài khoản điện thoại, yêu cầu chủ thuê bao nhập số chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu, ngày cấp. Khi các thông tin này trùng khớp với thông tin trong cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp viễn thông, khách hàng mới nạp được tiền vào tài khoản.

Theo anh Tuấn, hiện tại phần lớn các chủ thuê bao đã đăng ký thông tin cá nhân, giờ nạp thẻ lại yêu cầu nhập số chứng minh thư, căn cước, lại còn ngày cấp, chẳng khác nào “hành” người sử dụng, thêm thủ tục phiền toái.

“Trong trường hợp người dân quên mang CMND hay giấy tờ trên theo, lại đang cần nạp tiền để liên lạc thì đánh chịu hay sao? Trường hợp này, tôi nghĩ ai cũng đã rơi vào tình cảnh này.  Rồi người già thì sao, ở thành phố gần con cháu hướng dẫn thì không sao, ở quê thì thế nào? Chưa kể thuê bao này muốn nạp tiền cho thuê bao khác, trẻ em chưa có các giấy tờ trên tính thế nào?”, anh Tuấn lo ngại.

Ông Đức Thịnh (quận 12, TP.HCM) cho rằng cơ quan quản lý đang quản phần “ngọn” mà bỏ quên “gốc” thì không bao giờ hạn chế được sim rác. Giờ ai cũng có thể dễ dàng đi mua một cái sim, chỉ cần mang theo CMND hay giấy tờ phô tô là được.

Vì vậy, theo ông Thịnh, cần phải quản chặt các đại lý kinh doanh sim này, người mua cần mang theo giấy tờ cá nhân, kê khai đầy thủ thông tin mới được mua sim.

Các doanh nghiệp viễn thông sẽ dừng bán bộ hòa mạng (KIT) tại các đại lý ủy quyền. Ảnh V.THỊNH

Nên học các nước

Ông Đức Thịnh (quận 12, TP.HCM) cho hay, Việt Nam có thể nghiên cứu áp dụng cách quản lý sim điện thoại như các nước trong khu vực và trên thế giới. Như ở Singapore, người dân phải mang theo thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu đến các điểm bán hàng của nhà mạng hoặc mua sim tại các cửa hàng tiện ích. Bạn có thể mua thêm sim mới nhưng sim mới thứ hai sẽ không được hưởng nhiều ưu đãi như sim cũ bạn đang sử dụng. 

“Còn ở một số nước khác như Mỹ, người dân có hai sự lựa chọn, một là mua sim phải đăng ký thông tin cá nhân, thứ hai là có thể mua sim nặc danh, không cần kê khai thông tin cá nhân. Tuy nhiên, sim không kê khai thông tin cá nhân sẽ đắt đỏ hơn, có thể có giá từ 60USD/sim, có thời hạn sử dụng, cước phí cũng cao hơn. Trong khi sim kê khai thông tin với nhà mạng có cước phí rẻ, nhiều quyền lợi, nên rất ít người dân mua sim “nặc danh”. Vì vậy, họ hạn chế được tình trạng sim “rác”, ông Thịnh nói.

 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Rào chắn bao quanh cửa hàng xăng dầu. ẢNH: TÚ UYÊN

TP.HCM: 18 cửa hàng xăng dầu tạm ngưng hoạt động

(PLO)- Theo Sở Công thương TP.HCM, các cửa hàng xăng dầu này tạm ngưng với các lý do để sữa chữa nâng cấp, do giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu hết hạn, đang thực hiện thủ tục theo quy định.

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

(PLO)- Với doanh thu năm 2023 đạt trên 170.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.800 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tiếp tục giữ ổn định các hệ số tài chính quan trọng và đủ khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.