Tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm điện, điện tử

Tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm điện, điện tử ảnh 1Thực hiện theo quy chế của ASEAN, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều hoạt động để đảm bảo cho các hàng hoá điện, điện tử của Việt Nam có thể lưu thông tự do trong khối ASEAN trong tương lai.

Ông Lương Văn Phan - Phó GĐ Trung tâm tiêu chuẩn chất lượng 1 (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng) cho rằng, vẫn chưa thể khẳng định năng lực cạnh tranh của sản phẩm điện, điện tử Việt Nam ngang tầm khu vực, mặc dù độ an toàn, mẫu mã sản phẩm, chất lượng sản phẩm đều vượt qua các đợt thử nghiệm song các thương hiệu Việt vẫn chưa khẳng định được chỗ đứng trong tâm trí người tiêu dùng, chưa cạnh trạnh được với sản phẩm ngoại ngay cả trên thị trường nội địa.

Theo định hướng chiến lược phát triển các sản phẩm công nghiệp của Việt Nam thì mặt hàng điện tử và linh kiện máy tính được xếp vào nhóm trọng tâm ưu tiên phát triển trong giai đoạn 2006 – 2010 và phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 4,7 tỷ USD vào năm 2010, tăng trưởng bình quân ở mức cao 26,7%/ năm.

Cụ thể dự kiến kim ngạch xuất khẩu năm 2007 đạt 2,3 tỷ USD, tăng 21,1% so với năm 2006; năm 2008 đạt 2,9 tỷ USD, tăng 26,1% so với năm 2007, năm 2009 đạt 3,7 tỷ USD, tăng 27,6% so với năm 2008…

Lý do chính để các nhà hoạch định chiến lược đưa mặt hàng điện và linh kiện điện tử vào nhóm các mặt hàng trọng tâm ưu tiên phát triển xuất khẩu trong giai đoạn 2006 – 2010 là trong những năm gần đây các mặt hàng này đã đạt được kim ngạch và mức tăng trưởng cao (so với năm trước, năm 2003 đạt 672 triệu USD, tăng 36,6%; năm 2004 đạt 1,075 tỷ USD, tăng 60%; năm 2005 đạt 1,442 tỷ USD, tăng 24,1%; năm 2006 đạt 1,9 tỷ USD, tăng 31,8%).

Riêng đối với khu vực thị trường ASEAN, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng và linh kiện điện, điện tử trong những năm gần đây luôn đứng thứ 3 (sau dầu thô và gạo) trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam vào ASEAN (năm 2004 đạt 460 triệu USD, năm 2005 đạt 569 triệu USD, năm 2006 đạt khoảng 592 triệu USD).

Bộ Công Thương cũng cho biết, giai đoạn sau năm 2010, TP HCM sẽ được quy hoạch trở thành một trung tâm thiết kế điện tử và bán dẫn, sản xuất các sản phẩm phức tạp, công nghệ cao, còn các địa phương lân cận khác sẽ đảm nhận khâu gia công, lắp ráp các sản phẩm điện tử, bán dẫn. Bởi theo quy hoạch phát triển ngành công nghiệp điện tử thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2015, ngành này sẽ đạt mức tăng trưởng bình quân 24%/ năm và đạt kim ngạch xuất khẩu từ 4 – 5 tỷ USD, trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của vùng…

Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cũng đang tiến hành xây dựng, trình Bộ KH&CN ban hành quy chuẩn kỹ thuật về an toàn đối với các sản phẩm điện, điện tử gia dụng đồng thời xúc tiến các hoạt động liên quan đến thử nghiệm, chứng nhận sản phẩm điện, điện tử gia dụng và trong tương lai sẽ mở rộng đối với các sản phẩm khác nhằm bảo vệ người tiêu dùng.

Trên cả nước hiện đã có 2 phòng thử nghiệm điện, điện tử đủ năng lực thử theo các yêu cầu của tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm Phòng thử nghiệm điện, điện tử của Trung tâm kỹ thuật 1 (Quatest 1 – Hà Nội) và Phòng thử nghiệm điện, điện tử kỹ thuật 3 (KCN Biên Hoà, TP HCM). Bên cạnh đó, Trung tâm Kỹ thuật 2 thuộc khu vực miền Trung cũng đang được hoàn thiện để có thể thử được các sản phẩm điện, điện tử trong nước hoặc theo yêu cầu của doanh nghiệp nước ngoài.

Ông Nguyễn Nam Hải - PGĐ Trung tâm chứng nhận QUACERT nhấn mạnh: “Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sản phẩm, hàng hoá từ các khía cạnh an toàn, tác động đến sức khoẻ và môi trường, bền vững, tương thích và phù hợp với mục đích sử dụng. Xuất phát từ nhu cầu này, các hoạt động chứng nhận sản phẩm, hàng hoá phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được tiến hành nhằm 3 mục đích.

Thứ nhất giúp cho người tiêu dùng có được quyết định đúng đắn khi lựa chọn sản phẩm, hàng hoá trên thị trường.

Thứ hai giúp cho các nhà cung ứng sản phẩm, hàng hoá biết được mức chấp nhận của thị trường để phấn đấu và làm thoả mãn nhu cầu cũng như các yêu cầu luật định, đặc biệt là yêu cầu về an toàn của sản phẩm, hàng hoá.

Thứ ba giúp cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hoá. Nằm trong xu thế chung này, sản phẩm điện, điện tử là một trong các mặt hàng được người tiêu dùng đặc biệt quan tâm về khía cạnh an toàn khi sử dụng, còn các cơ quan quản lý nhà nước đưa vào trong nhóm các mặt hàng chịu sự quản lý chặt chẽ về an toàn”.

Từ năm 2001 đến nay, các hệ thống chứng nhân của QUACERT đã được Tổ chức công nhận JAS-ANZ – một trong các tổ chức công nhận có uy tín hàng đầu thế giới – công nhận hoàn toàn phù hợp với các tiêu chuẩn ISO/IEC Guide 62, ISO/IEC Guide 65 và ISO/IEC Guide 66. Với kết quả này, hoạt động chứng nhận nói chung và chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn nói riêng của QUACERT đã dần được đông đảo tổ chức, doanh nghiệp chấp nhận và sử dụng như một bằng chứng tin cậy đối với người tiêu dùng trong nước cũng như trong các hoạt động thương mại toàn cầu.

Tính đến nay, đã có hơn 400 sản phẩm được QUACERT chứng nhận phù hợp với các tiêu chuẩn quốc gia (TCVN, JIS, GB…) và tiêu chuẩn quốc tế (ISO, IEC…).

Đặc biệt, hệ thống chứng nhận mà QUACERT triển khai cho các sản phẩm điện, điện tử được thực hiện theo hệ thống 5 theo khuyến cáo của ISO/IEC Guide 67 và do vậy hoàn toàn có khả năng được chấp nhận đầy đủ trong các quy định bắt buộc về chứng nhận sản phẩm điện, điện tử của các nước thành viên ASEAN.

Phạm vi công nhận hiện tại của JAS-ANZ theo ISO/IEC Guide 65 cho chương trình chứng nhận sản phẩm của QUACERT cũng bao gồm nhóm sản phẩm điện, điện tử được ưu tiên và quan tâm trong khuôn khổ hiện tại của các hoạt động chỉ định thuộc Thoả thuận thừa nhận lẫn nhau về thiết bị điện - điện tử của ASEAN (ASEAN/EE MRA). Chẳng hạn như nhóm sản phẩm dây cáp điện, nhóm sản phẩm thiết bị điện gia dụng, thiết bị đóng ngắt điện dùng trong lắp đặt gia dụng…

Theo Thanh An ( Diễn đàn doanh nghiệp)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm