Thâm hụt thương mại với TQ:Lệch gần 15 tỉ USD so với công bố?

Theo đó, Tổng cục Thống kê Trung Quốc (TQ) công bố năm 2014 nhập khẩu từ Việt Nam (VN) 19,9 tỉ USD hàng hóa và xuất khẩu vào VN lượng hàng hóa 63,7 tỉ USD. Hai con số này cao hơn số liệu mà Tổng cục Thống kê Việt Nam (VN) công bố lần lượt 30% và 45%. Như vậy, thâm hụt thương mại Việt - Trung lên tới 43,8 tỉ USD, chứ không phải 28,9 tỉ như VN công bố (chênh lệch gần 15 tỉ USD) (?).

Cũng từ số liệu trên, câu hỏi tiếp theo là phải chăng đã có một lượng không nhỏ hàng hóa ta không khuyến khích xuất, như khoáng sản, đã bị xuất lậu? Và ngược lại, một lượng rất lớn hàng hóa TQ đã bị nhập lậu, trốn thuế đưa vào VN?

Theo yêu cầu của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh đã đăng đàn giải trình.

Ông Vinh thừa nhận chênh lệch số liệu thống kê là khá phổ biến, không chỉ giữa Việt - Trung mà với cả nhiều nước khác. Chẳng hạn, ta thống kê kim ngạch xuất nhập khẩu với Singapore chỉ 9,8 tỉ USD nhưng phía bạn công bố tới 16,1 tỉ USD, gần gấp đôi; ta thống kê với Nga là 3,5 tỉ USD nhưng Nga đưa ra con số 4,3 tỉ...

“Chênh lệch ấy phản ánh tình trạng quản lý hải quan chưa tốt dẫn tới buôn lậu và gian lận thương mại. Nhưng số vênh đó không hoàn toàn chỉ là giá trị buôn lậu” - ông Vinh nói và đưa ra một số căn cứ. Như với TQ, thống kê của trung ương không tính giá trị nhập khẩu qua đường tiểu ngạch, cho dù tiểu ngạch vẫn phải làm thủ tục hải quan địa phương. Điều đó dẫn tới năm 2014, VN xuất nông sản, chủ yếu là gạo, trị giá 2,14 tỉ USD nhưng TQ chỉ ghi nhận 1/3 giá trị. Chưa kể có tình trạng hàng VN xuất khẩu đi lại đóng mác TQ. Như vải, ta xuất sang Myanmar 40.000 tấn nhưng vì gián tiếp qua đường tiểu ngạch của TQ nên lại bị đóng gói thành xuất xứ TQ nên số liệu thống kê chỉ còn 4.000 tấn.

“Không phải cái gì cũng là hàng cấm, hàng lậu. 40 năm quản lý vùng biên giới TQ, tôi rất biết điều này” - Bộ trưởng Vinh xuất thân cán bộ lâu năm của tỉnh Lào Cai khẳng định.

ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) bày tỏ lo ngại về sức cạnh tranh rất yếu của DN trong nước, nhất là các DN nhỏ và vừa. Trong khi đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài FDI lại ngày càng chiếm tỉ trọng lớn trong nền kinh tế, đến mức 67% tổng kim ngạch xuất khẩu. Vì vậy, ông Bảo kiến nghị Chính phủ sớm có chính sách hỗ trợ khu vực được kỳ vọng là động lực phát triển của nền kinh tế.

Đáp lại đề xuất này, Bộ trưởng Vinh khẳng định kêu gọi và khuyến khích FDI là rất cần thiết, bởi chỉ một dự án như của Samsung tại VN đã giải ngân 11,3 tỉ USD, năm nay làm tiếp 3 tỉ USD nữa, thu hút hàng trăm ngàn lao động. Ông cũng cho biết Chính phủ đã nhiều lần họp bàn chính sách khuyến khích, hỗ trợ DN vừa và nhỏ phát triển, đặc biệt là để tham gia vào công nghiệp phụ trợ, trực tiếp liên kết với các FDI lớn ở VN, tạo thành chuỗi giá trị toàn cầu. “Chúng tôi đã đề nghị và Chính phủ đã đồng ý sẽ xây dựng luật hỗ trợ DN vừa và nhỏ. Rất mừng QH cũng ủng hộ, đưa vào chương trình làm luật. Hy vọng 2016 sẽ trình QH dự luật này”.

Một số ĐB nêu khó khăn về tiêu thụ nông sản, đề nghị Chính phủ báo cáo giải pháp. Bộ trưởng Vinh cho biết vừa qua thủ tướng đã ký hiệp định tự do thương mại với liên minh thuế quan năm nước trong đó có Nga, Belarus, Kazazstan... Quy mô thị trường này rất lớn, GDP hơn 4.000 tỉ USD, gần gấp đôi ASEAN. Ưu đãi cũng rất mạnh, giảm thuế về 0% với hầu hết nông, thủy sản. “Nhưng họ khôi hài nói với tôi là rất muốn nhập khẩu con tôm của VN nhưng chỉ là tôm thôi, chứ không có đá kèm theo. Tức là chúng ta phải làm ăn chân chính, nghiêm túc, giữ uy tín. Tôi mong các ĐB có thêm tiếng nói để DN thấy cả cơ hội lẫn thách thức” - ông Vinh phát biểu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm