Thanh toán xuất khẩu: Bỏ “đô”, chọn euro là thượng sách

Thị trường tiền tệ đang diễn ra hai xu hướng trái ngược nhau xung quanh lãi suất và tỷ giá giữa VND và USD. Về mặt lý thuyết, việc để cho VND tăng giá sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu nhưng các chuyên gia lại cho rằng để VND tăng giá hiện nay là đúng.

Cần mở thêm biên độ tỷ giá

Một quan chức của Ngân hàng nhà nước giải thích, tỷ giá hối đoái như hiện nay vẫn đang có lợi cho cán cân xuất khẩu của Việt Nam. VND chỉ tăng giá so với USD nhưng lại đang mất giá so với 19 đồng tiền khác trong rổ tiền thanh toán xuất nhập khẩu của nước ta. Vì vậy, VND đã giảm giá khoảng 12% so với các đồng tiền khác, cho nên Ngân hàng nhà nước nới rộng biên độ tỷ giá hối đoái lên 1% là đúng.

Tuy nhiên, tiến sĩ Nguyễn Quang A, chuyên gia tài chính, cho rằng việc nới rộng biên độ tỷ giá ngoại tệ của các ngân hàng thương mại so với giao dịch bình quân của thị trường liên ngân hàng lên 1% từ ngày 10-3 đến nay dường như chưa hạ nhiệt được thị trường USD. Các ngân hàng vẫn khó tiền đồng, doanh nghiệp xuất khẩu đổi USD thì phải nhún ngân hàng thương mại. Do vậy, cần thiết phải nới biên độ thêm chút nữa, khoảng 2% là hợp lý. Đây cũng là mức đã được Chính phủ duyệt.

Theo chuyên gia tài chính Huy Nam, sự điều tiết để VND tăng giá là cần thiết. Trước đây, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc cũng luôn luôn được định giá thấp hơn USD để đem lại sức cạnh tranh hàng hóa nước này so với Mỹ. Tuy nhiên thời gian trở lại đây, Trung Quốc cũng phải định giá lại đồng nhân dân tệ để cho đồng tiền này tăng giá so với USD. Vì vậy, Ngân hàng nhà nước phải có chính sách về tỷ giá hối đoái phù hợp để làm sao nền kinh tế vẫn hấp thụ, tiêu hóa nguồn vốn đầu tư gián tiếp và trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Năm nay, Ngân hàng nhà nước không thể tung VND ra mua 10 tỷ USD như năm ngoái, vì mua vậy sẽ ngập lụt USD.

Đành phải chia tay với USD

Trước tình trạng VND lên giá, rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã phải kêu trời vì xuất khẩu thu về bằng USD, đến khi quy đổi sang VND bị lỗ nặng. Ông Mai Văn Lượng - Trưởng phòng Thương mại Công ty Điện tử Hà Nội (Hanel) cho biết hiện tại, Hanel đã dùng euro thay cho USD để thanh toán cho một số hợp đồng xuất khẩu. Đặc biệt, có thể sẽ có một số mặt hàng phải thanh toán chậm, nếu dùng USD sẽ càng thiệt thòi cho doanh nghiệp.

Ngoài chuyện doanh nghiệp phải chịu thiệt thòi về tỷ giá, theo ông Lượng, việc đổi ngoại tệ hiện nay cũng rất khó khăn. Với các lô hàng có giá trị lớn, chỉ riêng một lô có thể 3-4 triệu USD nên việc đổi tiền rất gian nan.

Theo tiến sĩ Nguyễn Quang A, USD được dự báo là sẽ tiếp tục suy thoái trong thời gian tới nên các doanh nghiệp xuất khẩu nên cân nhắc lại xem có nhất thiết phải thanh toán bằng USD hay không. Khi xuất khẩu sang thị trường Nhật, chúng ta có thể nhận Yen, sang châu Âu thì bằng euro, sang Singapore thì bằng đôla Singapore... Thực tế xuất khẩu sang các thị trường khác như Nhật, châu Âu... cũng rất lớn mà không nhất thiết phải thanh toán bằng USD.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI):

Cho VND lên giá 5% thì nhiều mặt hàng sẽ giảm

Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã duy trì chính sách VND yếu nên khi đồng USD mất giá làm cho VND giảm theo. Tuy nhiên, VND đã tăng giá so với thực tế. Trong khi các nước khu vực đã cho phép đồng tiền của họ lên giá so với USD khoảng 25%. Vì vậy, Ngân hàng nhà nước nên có động thái điều chỉnh tỷ giá VND so với USD tăng giá lên 5% trong năm 2008.

Giải pháp này sẽ hạn chế bớt dòng vốn nước ngoài đầu tư vào những công cụ nợ ngắn hạn như kỳ phiếu, tín phiếu ngân hàng hay trái phiếu chính phủ ngắn hạn. Đây cũng là một giải pháp chống lạm phát khả thi. Nếu làm cho VND lên giá 5% thì cũng đồng nghĩa với việc giảm giá xăng, dầu xuống 5%, đồng thời nhiều mặt hàng nguyên liệu sản xuất cũng giảm theo.

VŨ HƯNG - LÊ THANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm