Thêm 10 ngân hàng Mỹ phải đóng cửa vì phá sản

Cuối tuần vừa qua, ngày 16/7, ba ngân hàng tại bang Florida, hai ngân hàng tại bang Carolina Nam và một ngân hàng tại bang Michigan bị đóng cửa.

Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) của Mỹ sẽ quản lý hai ngân hàng tại bang Florida là Metro Bank of Dade County với tài sản trị giá 442,3 triệu USD; Turnberry Bank of Aventura có tài sản trị giá 263,9 triệu USD; và First National Bank of the South tại bang Carolina Nam với tài sản trị giá 682 triệu USD.

Bank of the Ozarks có trụ sở tại bang Arkansas đồng ý mua lại toàn bộ tài sản trị giá 376,2 triệu USD và tiền gửi của khách hàng tại Woodlands Bank; CenterState Bank tại bang Florida mua lại tài sản trị giá 168,7 triệu USD và tiền gửi của Olde Cypress Community Bank cùng bang; trong khi Commercial Bank tại bang Michigan đồng ý mua lại Mainstreet Savings Bank of Hastings với tài sản trị giá 97,4 triệu USD và toàn bộ tiền gửi. Sáu ngân hàng nói trên phá sản sẽ làm cho quỹ bảo hiểm tiền gửi của FDIC giảm 335 triệu USD.

Trước đó một tuần, vào ngày 9/7, FDIC cũng đóng cửa hai ngân hàng tại bang Maryland là Bay National Bank có tài sản trị giá 282,2 triệu USD và Ideal Federal Savings Bank (6,3 triệu USD). Hai ngân hàng khác bị đóng cửa cùng ngày là Home National Bank tại bang Oklahoma (645 triệu USD) và ngân hàng U.S.A. Bank of Port Chester tại bang New York (193 triệu USD). Bảo hiểm tiền gửi cho bốn ngân hàng này lên tới hơn 160 triệu USD.

Vào thời điểm này của năm năm 2009, chính quyền liên bang Mỹ mới đóng cửa 57 ngân hàng. Năm 2009, quỹ bảo hiểm tiền gửi đã tiêu tốn hơn 30 tỷ USD. Có 25 ngân hàng bị phá sản vào năm 2008, khi khủng hoảng tài chính đi vào thời kỳ tồi tệ nhất, và chỉ có ba ngân hàng sụp đổ trong năm 2007.

Theo dự đoán, số ngân hàng phá sản trong năm 2010 này sẽ lên tới con số kỷ lục và nhiều hơn con số 140 ngân hàng phá sản trong năm 2009 vì số ngân hàng bị đưa vào danh sách "ngân hàng có vấn đề" mà FDIC đưa ra vào cuối quý 1/2010 là 775 ngân hàng.

FDIC ước tính họ có thể phải thanh toán khoảng 100 tỷ USD tiền bảo hiểm do các ngân hàng đổ vỡ trong bốn năm, từ năm 2010 đến hết năm 2013./.

Theo Kim Yến (TTXVN/Vietnam+)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm