Thị trường cà phê 2014 sẽ gian nan

Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới. Vị trí là thế nhưng nông dân và nhà xuất khẩu vẫn không hết lo lắng vì giá cả càng lúc càng bấp bênh.

Giới kinh doanh tài chính hại giá cà phê

Nếu như trong các niên vụ trước đây, giá nội địa có lúc vươn lên đỉnh 52.000 đồng/kg thì đến năm ngoái giá cao nhất cũng chỉ còn quanh mức 46.000 đồng/kg. Hiện nay, giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên đang xoay quanh mức 33.000-35.000 đồng/kg.

Đa phần các nguồn thông tin đều cho rằng do cà phê được mùa, sản lượng lớn, vì vậy nên giá giảm. Tuy nhiên, khi xét về nguồn cung sẽ phát hiện ra lượng xuất khẩu cà phê của nước ta giảm hẳn trong một thời gian dài. Theo Tổng cục Hải quan, tổng lượng xuất khẩu cà phê của nước ta năm 2013 đạt 1,3 triệu tấn, giảm 24,8% so với năm 2012. Vậy mà từ tháng 6-2013 đến hết tháng 1-2014, đà xuống giá vẫn chưa thể ngừng.

Lượng xuất khẩu cà phê giảm hẳn so với các năm trước. Trong ảnh: Giới thiệu cà phê xuất khẩu tại Hội chợ Nông nghiệp xuất khẩu 2013. Ảnh: HTD

Như vậy, các yếu tố giá giảm hiện nay và trong năm 2014 có lẽ sẽ không xuất phát từ sản lượng lớn. Có chăng là một bộ phận kinh doanh tài chính sử dụng thông tin sai lệch về sản lượng cà phê để trục lợi. Thực tế, mỗi đơn vị đều có con số mô tả sản lượng phục vụ ý đồ riêng của mình. Ngay sản lượng niên vụ 2013-2014 của Việt Nam, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA) báo cáo 20 triệu bao (60 kg/bao), Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) 24,8 triệu bao, một hãng kinh doanh cà phê lớn của nước ngoài có nhà máy chế biến tại Tây Nguyên báo cáo 28 triệu bao.

Mang tiếng là sàn kỳ hạn cà phê nhưng thực chất đấy chính là nơi “thi thố” của những nhà kinh doanh tài chính. Nhiều người đều công nhận rằng hằng ngày chỉ có 5%-7% cà phê hàng thực được giao dịch trên sàn, có 93%-95% phần còn lại chủ yếu là kinh doanh tài chính. thậm chí người kinh doanh chẳng biết hạt cà phê họ đang dùng như phương tiện mua bán là màu gì.

Giá cả “gặp hạn” do đồng USD mạnh lên

Giới phân tích cho rằng năm 2013 là năm “hạn” của các sàn hàng hóa lấy đồng đôla Mỹ (USD) làm phương tiện thanh toán giao dịch, đặc biệt là các sàn nông sản. Khi so sánh giá bình quân một số các mặt hàng nguyên liệu dùng USD làm đồng tiền thanh toán, giá các hàng hóa này trong năm 2013 giảm 5% so với năm trước đó. Đà giảm này có thể còn tiếp tục trong năm 2014, dự báo có thể xuống thêm 4% nữa.

Giá bình quân hàng hóa giảm do khủng hoảng tài chính tại nhiều nước chưa kịp vực dậy trong khi đồng USD mạnh lên. Mặt khác, giá hàng hóa đồng loạt tăng cao từ những năm 2010-2011 đã khuyến khích nhiều nước nâng cao sản lượng nông sản, gây tâm lý cung cao hơn cầu.

Nhiều nước khác cũng đua nhau phá giá đồng tiền, tăng năng lực cung ứng tiền mặt nhằm khuyến khích xuất khẩu như Nhật, Trung quốc, Ấn Độ, Brazil… Ngay trong những ngày cuối tháng 1-2014,  thị trường tiền tệ tại châu Mỹ La tinh đang rúng động, nhiều đồng tiền trong khu vực đang sụt giá nhanh chóng. Thế nên giá cà phê Việt Nam cũng vì thế mà bị áp lực lớn.

Phải tỉnh táo và bán ra đúng lúc

Đồng tiền của các nước cung ứng nguyên liệu giảm so với đồng USD đang kích thích xuất khẩu mạnh. Giá cả thị trường cà phê đang bị đe dọa, nhiều người chấp nhận bán đổ bán tháo. Theo đà này, khó có đường cho giá cà phê vực dậy. Nếu như cà phê nội địa năm ngoái có giá đỉnh là 46.000 đồng/kg thì với tình hình hiện nay, mức ấy có thể chỉ còn là một giấc mơ đẹp.

Bên cạnh đó, sàn cước vận tải cà phê lại tăng giá 32%. Khi cước vận tải tăng, người thu mua thường “cấy” vào giá mua và thường buộc người bán giảm giá.

Người sản xuất cà phê đang đứng trước một chọn lựa khó khăn: Sản lượng và xuất khẩu phải thực sự giảm mạnh nữa để giá có thể tăng, hay ngược lại.

Mới đây, Hiệp hội Xuất khẩu cà phê Brazil đưa ra con số thống kê rằng trong năm 2013, xuất khẩu cà phê nước này đạt hơn 31 triệu bao, tăng 10% so với cùng kỳ 2012. Cùng lúc đó, Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) ước rằng năm 2014, Brazil xuất khẩu chừng 32-33 triệu bao. Khó khăn của ngành cà phê cũng nằm ở đây: Khi nước ta giảm xuất khẩu, các nước khác tăng cường bán bất kể số lượng với bất cứ giá nào. Cho nên để “mã đáo thành công” trong năm 2014, ngành cà phê chỉ còn cách là phải tỉnh táo trước các thông tin thị trường và cứ có lời là nên bán, đừng tham mà chịu họa.

NGUYỄN QUANG BÌNH

 

Sản lượng cà phê sẽ giảm 10%-15%

Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA) dự báo năm 2014, thị trường cà phê không mấy khả quan vì giá vẫn ở mức thấp do cung cầu thị trường biến động thất thường. Dự kiến sản lượng cà phê niên vụ 2013-2014 sẽ giảm khoảng 10%-15%. Trong khi đó, người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu vẫn còn nhiều khó khăn chưa được xử lý, nhất là vấn đề nợ xấu còn tồn đọng qua nhiều năm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm