Thị trường ximăng: Bắc dư thừa, Nam thiếu thốn

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, năm 2009, tổng lượng ximăng sản xuất trong cả nước đạt 47,7 triệu tấn, tăng 19,2% so với năm 2008. Tính đến cuối năm 2009, Việt Nam có 97 dây chuyền ximăng đã được đầu tư và khai thác với công suất thiết kế là 57,4 triệu tấn.

Năm 2010, dự kiến có thêm 13 dây chuyền sản xuất ximăng mới được đưa vào khai thác với công suất thiết kế là 11,7 triệu tấn, sẽ nâng công suất toàn ngành ximăng ước đạt 65 triệu tấn, sản xuất đạt 55 triệu tấn.

Dư nguồn cung, giá chỉ tăng nhẹ

Trong những tháng đầu năm 2010, với công suất hiện có, lượng ximăng sản xuất trong nước tiếp tục dồi dào, cùng với lượng lớn ximăng và clinker tồn kho cuối năm 2009, thì nguồn cung ximăng trong những tháng đầu năm nay khá lớn, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng.

Thị trường ximăng: Bắc dư thừa, Nam thiếu thốn ảnh 1

Nguồn cung ximăng trong những tháng đầu năm khá lớn, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng. Nguồn: Internet

Những con số thống kê mới đây cho thấy, thị trường ximăng có những diễn biến lạ về lượng cung khi tháng 1/2010, tổng sản lượng ximăng sản xuất đạt 4,26 triệu tấn, tăng 25,27% so với tháng 1/2009, nhưng giảm 16,5% so với tháng 12/09; tháng 2/2010, sản lượng ximăng sản xuất đạt khoảng 3,24 triệu tấn, giảm 23,9% so với tháng 1/2010, nhưng tăng 11,7% so với cùng kỳ 2009.

Theo Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, trong quý I, tổng sản lượng sản xuất ximăng của toàn ngành ước khoảng 10 triệu tấn (bằng khoảng 20% kế hoạch năm), trong đó của Tổng công ty công nghiệp ximăng Việt Nam 3,4 triệu tấn. Còn xét về sản lượng tiêu thụ vào khoảng 10,8 triệu tấn (chiếm khoảng 22,5% nhu cầu cả năm), trong đó của Tổng công ty công nghiệp ximăng Việt Nam khoảng 3,8 triệu tấn.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, do nguồn cung dồi dào nên mặc dù nhu cầu ximăng tăng cao nhưng giá ximăng quý 1 chỉ tăng nhẹ.

Theo thống kê của Cục Quản lý giá, trong quý, giá ximăng tại các nhà máy đã hai lần tăng. Lần thứ nhất vào tháng Một, tăng 5% do chính sách thuế VAT mới vào giá bán ximăng. Lần hai vào là tháng Hai, tăng bình quân khoảng 4% (tương đương 30.000-50.000 đồng/tấn) do chi phí đầu vào tăng như giá than, giá xăng dầu. Còn đến tháng Ba, giá bán tại các nhà máy đang ở mức ổn định so với cuối tháng Hai.

Sang đến quý 2/2010, do có thêm một số dây chuyền sản xuất ximăng sẽ đi vào hoạt động, ước tính lượng ximăng sản xuất sẽ đạt khoảng 12,5 triệu tấn, tăng 8,7% so với quý 1/2010.

Một nguồn cung khác đáng chú ý là clinker nhập khẩu. Theo tính toán của Bộ Công Thương, năm 2010, năng lực sản xuất clinker trong nước tăng dần, các doanh nghiệp sản xuất ximăng sẽ chủ động được nguồn nguyên liệu, hạn chế việc nhập khẩu, do đó, lượng clinker nhập khẩu dự báo sẽ giảm so với năm 2009.

Ước tính, lượng clinker nhập khẩu trong năm 2010 đạt khoảng ba triệu tấn. Tuy nhiên, ngay từ tháng 1/2010, lượng clinker nhập khẩu đã đạt 241.000 tấn, tăng 76,5% so với tháng 1/2009. Theo một số chuyên gia ngành xây dựng, với công suất hiện tại và số lượng dây chuyền sản xuất ximăng mới sẽ đi vào hoạt động trong thời gian tới, dự báo nguồn cung ximăng trong sáu tháng đầu năm 2010 sẽ dồi dào, đạt khoảng 24 triệu tấn, tăng 12,7% so với cùng kỳ 2009, đáp ứng đủ nhu cầu trong nước.

Nhu cầu vẫn đang tăng mạnh

Cũng theo số liệu của Bộ Xây dựng, năm 2009, lượng ximăng tiêu thụ đạt 45,5 triệu tấn, tăng 11,4% so với năm 2008. Những tháng cuối năm 2009, lượng ximăng tiêu thụ tăng mạnh nhất (tháng 11/2009 đạt khoảng bốn triệu tấn, tháng 12/09 tăng lên khoảng 4,5 triệu tấn).

Sang năm 2010, sự phục hồi kinh tế trong và ngoài nước sẽ kích thích đầu tư phát triển, kích cầu đầu tư xây dựng; thị trường bất động sản đang ấm dần trở lại; các dự án nhà ở xã hội, bao gồm nhà ở cho công nhân và nhà ở cho những người có thu nhập thấp, các dự án đô thị tại các thành phố lớn sẽ tập trung triển khai, sẽ đẩy nhu cầu tiêu thụ ximăng tiếp tục tăng so với năm 2009 (giá trị sản xuất công nghiệp tháng 1/2010 tăng 28,4% so với tháng 1/2009).

Theo ước tính, lượng ximăng tiêu thụ trong năm 2010 của Việt Nam đạt khoảng 50-51 triệu tấn, tăng khoảng trên 11% so với năm 2009. Trong quý 1/2010, với những yếu tố tích cực của thị trường xây dựng (các công trình cũ đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện, các công trình khởi công mới, nhu cầu sửa chữa, xây dựng nhà ở trong dân…), nhu cầu tiêu thụ ximăng vẫn ở mức cao. Tuy nhiên, do vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán khá dài, nên lượng ximăng tiêu thụ trong quý 1/2010 thực tế không quá cao.

Ước tính lượng tiêu thụ ximăng đạt khoảng 9,8 triệu tấn, tăng nhẹ so với quý 1/2009. Còn theo đánh giá của Trung tâm Thông tin Thương mại và Công nghiệp của Bộ Công Thương, sang quý 2/2010, là thời gian cao điểm của mùa xây dựng, nhu cầu sử dụng ximăng sẽ tăng mạnh. Dự báo, lượng ximăng tiêu thụ trong quý 2/2010 đạt khoảng 11 triệu tấn, tăng 12,2% so với quý 1/2010.

Xu hướng giá cả

Theo ông Đỗ Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm Thông tin Thương mại và Công nghiệp, Bộ Công Thương, xem xét trên tất cả yếu tố cung-cầu, năm 2010 ước tính cung vượt cầu khoảng năm triệu tấn (mặc dù các nhà máy vẫn chưa hoạt động hết công suất); bên cạnh đó lượng ximăng và clinker tồn kho của năm 2009 còn khá lớn, do đó giá cả trên thị trường ximăng năm 2010 sẽ không có biến động mạnh.

Tuy nhiên, theo ông này, nếu không điều tiết tốt lượng ximăng và ckinker giữa hai miền Nam-Bắc, có thể sẽ vẫn xảy ra tình trạng ximăng dư thừa cục bộ ở miền Bắc và thiếu cục bộ ở miền Nam như đã diễn ra nhiều năm trước.

Ông Chiến cũng cho rằng, có một số yếu tố khác ngoài cung-cầu có thể ảnh hưởng khiến thị trường ximăng đi theo hướng khác. Ví dụ như chính sách thuế VAT với ximăng từ mức 5% tăng trở lại mức 10% kể từ đầu năm 2010; chính sách ưu tiên chống lạm phát rất có thể sẽ làm giảm lượng cung tiền từ các ngân hàng thương mại cho thị trường bất động sản.

Về dự báo mức giá cụ thể, theo Trung tâm Thông tin Thương mại và Công nghiệp, trong quý 2/2010, do nhu cầu tiêu thụ ximăng sẽ tăng. Tuy nhiên, nguồn cung lớn hơn cầu, thị trường có khả năng phải đối mặt với tình trạng dư thừa sản lượng ximăng, nên giá bán ximăng khó có thể tăng mạnh. Dự báo, giá bán ximăng sẽ tăng khoảng 4-5% so với giá bán tại quý 1/2010.

Theo Doanh nhân/Vietnam+

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm