Thịt heo gánh thêm “phí sạp”

Thịt heo gánh thêm “phí sạp” ảnh 1

Một sạp thịt heo tại chợ đầu mối nông sản Hóc Môn, TP.HCM - Ảnh: Trần Mạnh

Đây là một trong những nguyên nhân khiến giá thịt heo bán lẻ luôn cao chót vót.

Dù lỗ hay lãi, mỗi ký thịt heo mà thương lái bán ra tại đây đều phải trả cho chủ sạp (còn gọi là dậu) 800 đồng gọi là tiền thuê mặt bằng và bốc xếp.

"Một tiểu thương quy mô nhỏ mỗi đêm bán 50 con heo phải trả 3,2-3,5 triệu đồng, tức là người chăn nuôi phải gánh một phần, người tiêu dùng phải gánh một phần vào chi phí này"

Ông NGUYỄN TRÍ CÔNG
(chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai)

Thuê mặt bằng theo... ký

3g sáng một ngày đầu tháng 3-2013, khu vực bán thịt heo chợ đầu mối Hóc Môn vẫn còn khá vắng vẻ dù heo mảnh đã được các thương lái treo đầy sạp. Có sạp bán ế, heo phải xếp thành hai ba lớp chồng lên nhau đợi người mua. Theo các thương lái tại đây, tình trạng heo bán chậm diễn ra từ sau tết đến nay chưa có dấu hiệu phục hồi. “Heo ế quá, đầu chợ bán giá 55.000 đồng/kg nhưng đến cuối chợ thì phải bán đổ bán tháo còn 29.000 đồng/kg” - chị H., một thương lái, than thở.

Theo các thương lái, lỗ lã trong buôn bán là chuyện bình thường, nhưng cái làm họ bức xúc từ trước đến nay chính là giá thuê sạp tại đây ở mức quá cao và tăng nhiều lần trong thời gian qua.

Toàn bộ mặt bằng bán heo tại chợ Hóc Môn đều thuộc về khoảng 20 người chủ, những người nhanh tay thuê được mặt bằng tại đây khi chợ dời từ Phạm Văn Hai về năm 2009. Tất cả thương lái từ các địa phương khác, nhiều nhất là Đồng Nai, muốn bán heo tại chợ đều phải thuê lại mặt bằng của các dậu này. Điều bất thường là các dậu tại đây cho thuê mặt bằng không phải theo tháng mà theo ký, nghĩa là bất kể tình hình buôn bán ra sao, cứ sau mỗi phiên chợ các dậu tính lượng heo bán ra thu tiền. Để thu tiền cho thuê sạp, các dậu cho người của mình đứng ngay đầu sạp để cân heo và thu tiền của khách hàng. Đến cuối phiên chợ, họ tính toán tổng số lượng thịt heo của từng thương lái bán ra rồi nhân với 800 đồng/kg là tiền thuê mới trả lại tiền bán heo cho thương lái.

Ngay khi chuyển về từ chợ Phạm Văn Hai, các dậu đã tăng giá thuê sạp từ 400 đồng/kg lên 500 đồng/kg với lý do tiền mua sạp cao. Cuối năm 2010, các dậu lại đòi tăng giá lên 700 đồng/kg với lý do chi phí nhân công, điện nước tăng. Mâu thuẫn lên cao vào ngày 1-12-2012 khi các dậu lại đòi tăng giá thuê từ 700 đồng/kg lên 1.000 đồng/kg trong khi giá heo lại rẻ hơn so với năm 2010 là 2.000 đồng/kg. Gần 50 thương lái từ Đồng Nai đồng loạt phản đối đe dọa sẽ không bán thịt heo tại chợ Hóc Môn nữa. Phải có cuộc họp giữa các thương lái, dậu, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai và Sở Công thương TP.HCM thì sự việc mới lắng lại nhưng các dậu vẫn tăng giá lên 800 đồng/kg.

Bó tay?

Giải thích việc tăng giá, bà Mai, một dậu ở chợ đầu mối Hóc Môn, cho rằng ngoài tiền thuê ban đầu lớn còn phải trả các loại phí, điện nước và tiền thuê công nhân vận chuyển heo cho các thương lái. Thế nhưng, theo chị Tám - một thương lái tại chợ này, với mức phí 800 đồng/kg thì một xe heo 50 con, các thương lái phải trả cho dậu từ 3,2-3,5 triệu đồng mỗi đêm. “Trung bình một dậu nhỏ cho khoảng ba thương lái thuê địa điểm, còn dậu lớn có thể cho đến 10 thương lái thuê. Tính ra chỉ trong một đêm các dậu thu về 10-40 triệu đồng. Trong khi chi phí của họ bỏ ra không đáng kể, chỉ khoảng 1-2 triệu đồng phí, thuế, điện nước và chừng đó tiền thuê công nhân” - chị Tám tính toán.

Theo tìm hiểu, các chợ đầu mối đều có hình thức “bán sạp” tương tự nhưng chợ Hóc Môn có mức phí cao nhất, cao hơn các chợ khác 200-300 đồng/kg. Các dậu tại chợ này giải thích giá thuê ở đây cao do đầu tư hệ thống máy lạnh và chiếu sáng hiện đại hơn các chợ khác. Còn theo ban quản lý chợ Hóc Môn, đây là hình thức kinh doanh đã hình thành từ các chợ thịt heo cũ trước khi về chợ đầu mối hiện tại. Các dậu đã bỏ một khoản tiền lớn để thuê mặt bằng tại đây (khoảng 1,8-2 tỉ đồng cho quyền sử dụng trong vòng 50 năm) nên họ có quyền cho thuê. “Giá thuê dựa vào thỏa thuận giữa dậu và các thương lái, nếu thương lái không chịu thì đi thuê chỗ khác hoặc bán chỗ khác” - ông Nguyễn Tiến Dũng, phó giám đốc Công ty TNHH Quản lý kinh doanh chợ đầu mối nông sản Hóc Môn, cho biết. Cũng theo ông Dũng, mức giá hiện tại là 800 đồng/kg đã được các bên liên quan nhất trí tại cuộc họp với Sở Công thương TP.HCM vừa qua, ban quản lý chợ chỉ quản lý về số lượng, điều kiện vệ sinh và an ninh trật tự.

Theo TRẦN MẠNH (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm