Thủ tục hải quan gây khó doanh nghiệp FDI

Tại buổi tọa đàm với doanh nghiệp (DN) FDI về hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) do Bộ Công Thương tổ chức ngày 24-7, nhiều DN cho rằng họ đang gặp vướng mắc khi thực hiện các chính sách mới, thủ tục hải quan, sân bay, thuế, XNK...

Nhiều DN FDI đang gặp vướng mắc với thủ tục hải quan, thuế, sân bay… Ảnh: Hữu Luận 

Theo ông Hồ Huy Thế, Trưởng phòng XNK Công ty Điện tử Samsung Vina, hiện nay công ty xuất khẩu cụm linh kiện đồng bộ (CKD-SKD) dùng để sản xuất tivi, màn hình vi tính chiếm khoảng 60% sản lượng xuất khẩu của công ty. Trước khi sản xuất tại Việt Nam, CKD-SKD được sản xuất tại Malaysia, Thái Lan và các nhà máy ở những quốc gia này vẫn nhận được chứng nhận hàng hóa (C/O) mẫu B (dùng cho tất cả loại hàng hóa xuất khẩu đi các nước - PV) được cấp từ Chính phủ để cấp cho khách hàng.

Tuy nhiên, tại Việt Nam Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) từ chối cấp C/O mẫu B do không đủ điều kiện về quy trình sản xuất, hàm lượng. Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển, mở rộng sản xuất và cạnh tranh của công ty với chính các nhà máy khác trong Tập đoàn Samsung. “Trong khi C/O mẫu B không có ảnh hưởng về thuế đối với nhà cung cấp, nhà xuất khẩu - nhập khẩu nên công ty kiến nghị Bộ Công Thương và VCCI xem xét hỗ trợ cấp C/O mẫu B hoặc hướng dẫn làm thế nào để được cấp C/O mẫu B” - ông Thế nói.

Cũng theo ông Thế, sau khi áp dụng chương trình thông quan điện tử mới từ ngày 16-6 thì công ty lại gặp rất nhiều khó khăn lẫn thiệt hại. Hệ thống mạng hải quan thường xảy ra lỗi nhưng không có giải pháp để can thiệp kịp thời nên phải đợi hệ thống cập nhật lại vào ngày hôm sau. Nghĩa là công ty bị dừng làm thủ tục hải quan, không đăng ký được tờ khai XNK. Chưa đầy một tháng áp dụng chương trình thông quan điện tử, công ty đã bị dừng làm thủ tục hải quan ba ngày và bị cưỡng chế do nợ thuế quá hạn 90 ngày trên hệ thống hải quan. “Chúng tôi kiến nghị cơ quan hải quan phải can thiệp hệ thống ngay trong ngày hoặc có giải pháp để DN có thể thông quan hàng hóa. Nên chăng nhiều lần cập nhật đồng bộ dữ liệu giữa hải quan - các chi cục với Tổng cục Hải quan thay vì 1 lần/ngày để xử lý những tình huống nêu trên” - ông Thế bày tỏ.

Một DN khác cho biết họ thường xuyên gặp vướng khi làm thủ tục tại sân bay do chênh lệch trọng lượng giữa DN và sân bay. Có khi cân ở DN là 10 thì sân bay là 9. Việc sai số hiện tại chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể nên người thì bảo sai số như vậy là được nhưng người thì cho rằng không chấp nhận. Ngoài ra trong việc giám định cùng một lô hàng giống nhau nhưng lần trước giám định là A, lần sau nhập về giám định là B khiến DN gặp trở ngại. Đại diện Cục Hải quan cũng thừa nhận có sự chênh lệch về cân nặng này.

 

Theo Bộ Công Thương, mặc dù DN FDI góp phần đưa Việt Nam vào mạng lưới sản xuất và tạo nên giá trị toàn cầu nhưng chưa góp phần phát triển mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ. Nhất là chưa hình thành được chuỗi cung ứng với sự tham gia của nhiều DN Việt Nam.

***

Họ đã nói

DN FDI chưa sản xuất được sản phẩm có giá trị lớn

Trong sáu tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các DN FDI tăng 16,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện nay nhiều DN sử dụng nguyên liệu nhập nên DN FDI chưa tạo ra được nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Điện thoại di động, hàng điện tử, ô tô... chủ yếu vẫn là lắp ráp dựa trên linh kiện nhập khẩu. đến nay DN FDI vẫn chưa có được dự án lớn, chưa đầu tư sâu vào nông nghiệp và chế biến. Bởi vậy chúng tôi kiến nghị DN FDI tăng cường các dự án mới, mở rộng các dự án đang có, tập trung sản xuất những mặt hàng xuất khẩu có giá trị lớn, tỉ lệ giá trị gia tăng cao, đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu ở một số ngành như vải, dệt, da giày, linh phụ kiện...

Ông TRẦN THANH HẢI, Phó Cục trưởng Cục XNK, Bộ Công Thương

YÊN TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm