Thủ tướng: Quan trọng nhất là phải hành động

Đó là một trong những nội dung được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2017 vào tối qua (18-5). Tại hội nghị này Thủ tướng cũng đề nghị các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước khi đầu tư vào Thanh Hóa cần phải làm ăn bài bản để từ đây tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Quan trọng hơn là lời nói, việc làm phải đi đôi chứ không phải lời hứa và những ký kết trên giấy.

Hơn 6 tỉ đô, 32 dự án đầu tư vào Thanh Hóa

Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng cho biết hệ thống giao thông Thanh Hóa bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không hết sức thuận lợi cho hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đầu tư của Thanh Hóa.

Theo ông Xứng, tỉnh sẽ tạo điều kiện hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ tốt nhất nhu cầu của doanh nghiệp; tập trung chỉ đạo các địa phương cam kết hoàn thành 100% yêu cầu tiến độ giải phóng mặt bằng của các nhà đầu tư; chỉ đạo các ngành, các đơn vị, giải quyết thủ tục hành chính được giám sát chặt chẽ, đảm bảo công khai, minh bạch. Giảm tối thiểu 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định.

Tại hội nghị này có 32 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, ký biên bản ghi nhớ đầu tư, với tổng mức đầu tư dự kiến là 135.300 tỉ đồng, tương đương 6,1 tỉ USD.

Những chính sách trong thu hút đầu tư của Thanh Hóa sẽ là điểm đến hứa hẹn của nhiều doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Ảnh: Đ.TRUNG

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng trong bối cảnh dòng vốn FDI vào Việt Nam đang tăng mạnh cùng với lợi thế nguồn nhân lực dồi dào, đường bộ, đường biển, hàng không thuận lợi... Nhưng nếu không phát huy thì con đường đến đích của Thanh Hóa sẽ dài hơn khi xác định trở thành Trung tâm kinh tế của Bắc Trung bộ và cả nước.

“Về nông nghiệp, Thanh Hóa cần hướng đến phát triển nông nghiệp cao, có gắn kết với mô hình quản lý hiện đại, tạo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Hạ tầng của Thanh Hóa phải xác định kết nối liên vùng, không cần phải xây dựng nhiều đường mà xây dựng phải đảm bảo lưu thông kết nối với các vùng kinh tế. Bên cạnh đó, Thanh Hóa nên xác định đầu tư nhưng không phải đánh đổi bằng mọi giá mà phải tìm ra cơ hội cho mình để phát triển xanh..." - ông Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Quan trọng là hành động

Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn chia sẻ Chính phủ hoan nghênh đánh giá cao tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội nghị xúc tiến với quy mô rất lớn. Thanh Hóa là "một Việt Nam thu nhỏ" có đầy đủ điều kiện để phát triển kinh tế; cùng với đó là tầm nhìn sẽ giúp Thanh Hóa phát triển bền vững ổn định và sẽ thành công nhiều hơn trong tương lai.

Thủ tướng yêu cầu Thanh Hóa cần phải trở thành tỉnh “kiểu mẫu” trong xúc tiến đầu tư. Để làm được điều này, thứ nhất Thanh Hóa cần phải cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh về đất đai, phải quy hoạch sử dụng đất cho khoa học, hiệu quả về lâu dài. Tăng cường minh bạch, công khai, tạo ra môi trường cho doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, đặc biệt là các nhà đầu tư. Nếu  Thanh Hóa để thụ động, không quyết tâm thì khó thành công.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến những ký kết quan trọng của doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Thanh Hóa. Ảnh: ĐT

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp trong và ngoài khi đầu tư vào Thanh Hóa cần phải làm ăn bài bản để từ đây tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Quan trọng hơn là lời nói, việc làm phải đi đôi chứ không phải lời hứa và những ký kết trên giấy.

Thủ tướng khẳng định: “Chính phủ bảo vệ quyền con người, công dân, tài sản, thực hiện đúng Hiến pháp, thực hiện đúng Nghị quyết Trung ương 5 về vai trò kinh tế tư nhân”.

Thủ tướng tin tưởng, sau hội nghị này Thanh Hóa sẽ đoàn kết, quyết tâm và thành công hơn nữa.

Thu hút đầu tư phải nghĩ đến người nghèo

Tại hội nghị này, các đại biểu đến từ nhiều nước trên thế giới cho rằng chiến lược thu hút đầu tư vào Thanh Hóa là rõ ràng, tuy nhiên khi thu hút đầu tư thì phải nghĩ đến người nghèo ở các huyện phía Tây tỉnh Thanh Hóa, khi họ chế biến tre nứa nhưng không tạo ra những sản phẩm có giá thành cao. Hơn nữa Thanh Hóa cần phải đẩy mạnh đào tạo nghề cho các ngành chế biến chế tạo, y tế, nông nghiệp từ đó mới thu hút được những dự án lớn đầu tư vào Thanh Hóa.

Ông Kitagawa, Trưởng Văn phòng đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Hà Nội, thông tin doanh nghiệp Nhật Bản làm việc rất nghiêm túc và nhiệt huyết với công việc tại tỉnh Thanh Hóa. Họ mong muốn có thể tiến hành công việc mà không gặp khó khăn trở ngại, do vậy tôi mong muốn tỉnh Thanh Hóa hiểu chí hướng của những doanh nghiệp này để có biện pháp hỗ trợ họ. Với những tiềm năng của Thanh Hóa về du lịch, công nghệ chế tạo, y tế nông nghiệp sẽ được các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản quan tâm đầu tư vào tỉnh này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm