Thủ tướng ra chỉ thị phòng ngừa tranh chấp đầu tư quốc tế

Ký trong tháng 7-2020, Chỉ thị số 27/CT-TTg tập hợp các giải pháp theo hai nhóm nhiệm vụ, phân giao cho từng bộ ngành, và UBND cấp tỉnh thực hiện.

Cụ thể, trong nhóm nhiệm vụ quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hàng năm rà soát, đánh giá việc đàm phán, ký và thực hiện các điều ước, thỏa thuận quốc tế của Việt Nam về đầu tư; chấm dứt hiệu lực những điều ước, thỏa thuận quốc tế không còn phù hợp.

Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cũng rà soát, đánh giá nhưng với các điều ước, thỏa thuận quốc tế về thương mại, thuế, tài chính… thuộc chức năng quản lý của mình; phát hiện, đề xuất phương án xử lý kịp thời các vướng mắc, khó khăn.

Bộ Ngoại giao có việc phải làm ngay là xây dựng báo cáo kinh nghiệm quốc tế về thu hút, quản lý đầu tư, giải quyết khiếu tố và phòng ngừa phát sinh tranh chấp đầu tư quốc tế, báo cáo Thủ tướng trong năm 2021.

UBND các tỉnh, thành là nơi tổ chức thực hiện các dự án thì phải tập trung giải quyết khiếu tố của nhà đầu tư theo đúng thẩm quyền, trình tự thủ tục; tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội trình bày ý kiến trước khi ra quyết định giải quyết khiếu tố. Trong quá trình giải quyết cần tham vấn ý kiến các bộ, ngành trung ương, đảm bảo tính chặt chẽ, hạn chế tối đa phát sinh các vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế.

Trong nhóm nhiệm vụ phòng ngừa, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, đánh giá cơ chế lựa chọn, sàng lọc nhà đầu tư nước ngoài từ khi họ tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong rà soát, cảnh báo sớm nguy cơ phát sinh tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với Nhà nước, báo cáo Thủ tướng vào tháng 12 tới.

Bộ Tư pháp được giao xây dựng kế hoạch đào tạo đội ngũ chuyên gia pháp lý có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức, kiến thức chuyên môn để tư vấn cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương khi tham gia giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế. Kế hoạch này cần báo cáo Thủ tướng trong năm nay.

Bộ Tư pháp có trách nhiệm hỗ trợ pháp lý các bộ, ngành, địa phương đánh giá khả năng phát sinh tranh chấp đầu tư quốc tế.

Các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành chủ động thực hiện các biện lựa chọn, sàng lọc nhà đầu tư nước ngoài từ khi họ tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Cần rà soát, đánh giá đúng yếu tố pháp lý, kể cả các rủi ro pháp lý có thể xảy ra trong đàm phán, ký và hực hiện các thỏa thuận, hợp đồng, cam kết với nhà đầu tư, cấp giấy chứng nhận hoặc văn bản cho nhà đầu tư, đảm bảo nội dung phù hợp pháp luật, các cam kết đầu tư của Việt Nam, kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh, hạn chế không để thành tranh chấp…

Các nhiệm vụ, giải pháp ghi trong Chỉ thị 27 chủ yếu là tập hợp, hệ thống hóa các quy định pháp luật, cùng văn bản cá biệt của Thủ tướng về quản lý đầu tư nước ngoài và phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.

Điểm mới đáng chú ý nằm ở phần cuối cùng, trong đó ràng buộc các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong quá trình quản lý nhà nước về đầu tư, mà làm phát sinh tranh chấp thì phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng về các thiệt  hại phát sinh cho ngân sách cũng như ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh.

Chỉ thị này được Thủ tướng ký ban hành sau khi Chính phủ tổng kết 30 năm đầu tư nước ngoài; Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 50 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; và Chính phủ ban hành Nghị quyết số 58 ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm