Thủ tướng: ‘Thời đại này mà nói mất điện sao được’

“Ngành công thương phải đảm bảo cân đối năng lượng điện với mức tăng 10% so với năm 2018. Chúng ta triển khai chương trình điện rác, điện tái tạo, mua điện… thì không thể Bộ Công Thương hay Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) báo cắt điện, mất điện. Anh nào nói cắt điện, tôi cách chức luôn anh đó, không lôi thôi. Phải như vậy mới được. Thời đại bây giờ mà các anh chị báo cắt điện, mất điện sao được”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo như trên tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành công thương năm 2019 diễn ra ngày 17-1.

Sẽ thiếu điện nếu…

Bàn về năng lượng điện, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nhìn nhận hiện nay hệ thống truyền tải điện được Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) rất quan tâm. Nhưng tại thủ đô, các hệ thống truyền tải điện ở một số dự án trọng điểm triển khai chậm. Nếu không được đẩy nhanh tiến độ, chắc chắn đến năm 2020-2021, TP Hà Nội sẽ thiếu điện.

Bên cạnh đó, ông Chung mong muốn ngành công thương cần có cơ chế ưu tiên giá điện cho việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. “Như vậy chúng ta mới khuyến khích được việc sử dụng các nguồn điện này” - ông Chung kiến nghị.

Trước đó, dư luận cả nước xôn xao trước thông tin EVN cảnh báo có thể thiếu điện trong năm nay, dẫn đến cắt điện luân phiên. Áp lực thiếu điện cũng được ngành công thương đề cập nhiều gần đây, xuất phát từ thực tế thiếu than cho sản xuất điện, việc đầu tư bổ sung nguồn điện ngày càng khó khăn hơn.

Liên quan đến vấn đề trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá năm 2018 Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan đã đảm bảo cân đối năng lượng, phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Trong năm 2019 và những năm tiếp theo, ngành công thương cần có chiến lược phát triển ngành năng lượng không chỉ trước mắt mà dài hơi. Từ đó tính toán nhu cầu điện để cung cấp cho đất nước một cách tốt nhất, bằng mọi giá đảm bảo điện cho sinh hoạt và cho sản xuất.

“Các chỉ tiêu về nguồn điện, mạng lưới điện Bộ Công Thương cần có chuyên đề để các đồng chí thảo luận một cách tốt nhất. Tôi đề nghị nhất định không để “mất bò mới lo làm chuồng” hay nước đến chân mới nhảy trong cung cấp an ninh năng lượng” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhắc đến Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Thủ tướng đặt câu hỏi: “Ông bỏ 1,5 tỉ USD rồi đóng cửa hay sao? Có phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ở đây. Nếu đầu tư thêm 1 tỉ USD thì giá thành điện mua được không?” và yêu cầu Bộ Công Thương phải trả lời để xử lý dứt điểm dự án lớn này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng sự đồng bộ trong sự chỉ đạo phải như một đội bóng đáTrong ảnh: Thủ tướng gặp gỡ các đại biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Công Thương.  Ảnh: VGP

Công nghiệp hỗ trợ phát triển chưa tương xứng

Nhắc đến ngành công thương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá những nỗ lực của ngành. Đặc biệt, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong năm 2018 đạt trên 482 tỉ USD, riêng xuất siêu đạt 7,2 tỉ USD, cao gấp hơn ba lần so với năm 2017.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, hiện Việt Nam chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn thực sự đóng vai trò dẫn dắt, công nghiệp hỗ trợ phát triển chưa tương xứng. Mức độ công nghiệp hóa của Việt Nam chỉ chiếm 0,2% của thế giới, kém Trung Quốc 100 lần, kém Thái Lan năm lần. Do đó cần phải cải thiện.

Mặt khác, quản lý thị trường làm công tác chống hàng giả chưa tốt khiến người dân còn kêu ca, phải chấn chỉnh điều này. Tuy nhiên, cũng không vì thế mà lực lượng quản lý thị trường cản trở sự lưu thông hàng hóa.

Thủ tướng cũng đi bán hàng

Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT hay một số đồng chí khác đã trực tiếp cùng Thủ tướng đi bán hàng, xúc tiến thương mại… tại nước ngoài. Xúc tiến thương mại cũng chung quy lại là bán hàng. Thủ tướng cũng phải trực tiếp đi làm điều này. Bộ trưởng cũng vậy!

Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC 

Bên cạnh đó, Thủ tướng lưu ý ngành cần củng cố nội thương, không để khâu bán lẻ rơi vào tay người khác (doanh nghiệp nước ngoài - PV), cần phát huy sức mạnh bên trong. Đặc biệt, cần tìm kiếm nguồn thị trường cho phát triển.

“Các tham tán thương mại ở nước ngoài phải làm việc nước trước, việc nhà sau. Tránh tình trạng tranh thủ công việc tham tán để cho con đi học là không được. Chuyện này chúng ta phải quán triệt để làm sao tham tán phải ngày đêm tìm kiếm thị trường. Tiêu chuẩn đánh giá tham tán là phải lao vào công tác này” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngoài ra, người đứng đầu Chính phủ không đồng tình với mục tiêu nhập siêu dưới 2% (3 tỉ USD) được Bộ Công Thương đề ra năm 2019, khi năm 2018 đã xuất siêu kỷ lục. “Đây là mức nhập siêu không thể chấp nhận. Phương châm hành động “12 chữ” của Chính phủ trong năm 2019 trong đó có chữ “bứt phá”, vậy bứt phá của ngành công thương là ở đâu?” - Thủ tướng đặt câu hỏi.

Cuối cùng, nhắc đến đội tuyển bóng đá Việt Nam trong trận gặp Yemen tối 16-1 tại Asian Cup, Thủ tướng nhấn mạnh từng bộ, từng hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp, từng tỉnh phải có chương trình phát triển công thương; phải chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu, phát triển dịch vụ, sản xuất công nghiệp và thương mại.

“Chúng ta có thể thua Iran vì họ là đội mạnh. Nhưng chúng ta không thể thua Yemen và một số nước khác… Sự đồng bộ trong sự chỉ đạo phải như một đội bóng đá. Chính phủ tin tưởng rằng toàn ngành công thương chỉ có tiến mà không có lùi” - Thủ tướng kết luận.

Một loạt thách thức mới nổi

Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Công Thương, cho biết năm 2018 xuất siêu cán đích 7,2 tỉ USD, gấp ba lần so với cùng kỳ 2017 và là con số cao nhất trong thập niên qua.

Tuy nhiên, thành tích này khó có thể duy trì trong năm 2019 trước loạt thách thức mới nổi từ phía thị trường, biến động thay đổi nhanh tình hình địa chính trị thế giới. Những tác động này dẫn tới cán cân thương mại có thể sẽ đảo chiều từ xuất siêu sang nhập siêu.

Phân tích những thách thức với xuất khẩu năm nay, ông Vượng nói xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng tăng, nhất là sau khi Mỹ áp dụng các biện pháp tăng thuế nhập khẩu với hàng nhập khẩu từ các nước; xung đột thương mại Mỹ- Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm