Thương lái Trung Quốc lại gom hàng thủy sản

Ông Nguyễn Quốc Chín, một doanh nhân chế biến xuất khẩu thủy hải sản ở huyện Đông Hải (Bạc Liêu), cho biết gần đây thương lái Trung Quốc (TQ) ồ ạt săn lùng, thu gom thủy hải sản, đặc biệt là tôm sú với giá cao bất thường. Lạ một điều, họ mua luôn cả tôm bơm tạp chất và khuyến khích người bán cứ mạnh dạn bơm tạp chất vào, họ mua tất.

Cỡ nào cũng mua

Trước điều kiện ngon ăn này, nhiều cơ sở ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang ồ ạt gom tôm bán sang TQ. Thay vì mua tôm loại 20-30
con/kg, thương lái TQ chỉ cần loại 40-50 con/kg, mua cả hàng xôn chứ không cần hàng đã phân loại. Nhiều thương lái TQ còn đến tận nơi để đặt hàng, đặt cọc trước 30%, còn lại sẽ thanh toán sau khi đã nhận hàng. Các cơ sở địa phương gom tôm xong chở đến cảng biển Sơn Thầu (TQ) giao hàng.

Nhiều DN ở Cà Mau tiết lộ các thương nhân TQ đặt thẳng vấn đề mua cả tôm tạp chất. Họ còn chỉ cách cho các cơ sở bơm tạp chất như thế nào để tối ưu nhất. Ông Chu Văn An, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, bức xúc: “Tôi đã từng được một thương nhân TQ đến thét giá cao và nói mua cả hàng kém chất lượng. Cảm nhận họ không phải là thương nhân chân chính nên chúng tôi từ chối. Trên thực tế, với cách mua hàng chụp giật, bất chấp như vậy, các tiểu thương TQ đang gây mất uy tín cho con tôm VN, làm náo loạn thị trường tôm sú nguyên liệu tại địa phương”.

Thương lái Trung Quốc lại gom hàng thủy sản ảnh 1

Trong khi chúng ta đang nỗ lực chống nạn tôm bơm tạp chất thì thương lái TQ lại sẵn sàng mua tôm bơm tạp chất với giá cao. Vì sao? Ảnh: TRẦN VŨ

Rồi lừa đảo

Đầu tháng 9-2011, giới kinh doanh thủy hải sản Cà Mau, Bạc Liêu râm ran chuyện hai DN ở đây có nguy cơ bị mất hàng chục tỉ đồng vì đối tác TQ bỗng dưng không liên lạc được. Ông Nguyễn Quốc Chín kể: “Những lần giao dịch đầu họ thực hiện rất đẹp, mua tôm giá cao, thanh toán sòng phẳng. Có ba DN ở Bạc Liêu và Cà Mau trong năm 2010 thu lợi cả trăm tỉ đồng nhờ làm ăn với tiểu thương TQ. Nhưng sang năm 2011, cũng chính vì làm ăn với TQ, họ bị giật nợ cả trăm tỉ đồng”.

Theo ông Chín, sau vài lần mua bán sòng phẳng, uy tín, một số thương lái TQ bèn đổi phương thức thanh toán. Họ đặt cọc trước khoảng 30% và hẹn sẽ thanh toán số còn lại khi đã nhận đủ hàng. Đến khi nhận hàng xong, họ lặn mất tăm. Gọi điện thoại thì điện thoại mất liên lạc, truy địa chỉ công ty thì hóa ra đó là địa chỉ ma.

Anh M., một chủ vựa cua ở thị trấn Năm Căn (Cà Mau), cho biết từng bị nhóm thương nhân TQ lừa suýt chút nữa bị phá sản. Năm 2008, anh M. và nhiều vựa cua ở thị trấn Năm Căn bán cua biển cho các thương nhân TQ. Họ mua bán sòng phẳng trong gần một năm, giá cao, trả tiền mặt. Sau đó, họ mua chịu với số lượng hàng lớn rồi… chuồn mất.

* * *

Gần đây, rộ lên tình trạng thương lái TQ thu gom ồ ạt mủ cao su giá cao, rồi săn lùng, thu gom hàng nông sản và bây giờ là thủy hải sản bất chấp chất lượng. Đằng sau kiểu làm ăn bất thường này là gì? Câu hỏi này rất cần sự giải mã không chỉ của các nhà kinh tế.

DN Việt Nam hãy cẩn thận

Thương nhân TQ có người này người nọ. Chúng ta lên án những người kinh doanh thiếu chân chính chứ không nên vơ đũa cả nắm. DN Việt Nam nên hết sức cẩn thận khi chọn đối tác là thương nhân nước ngoài. An toàn nhất là phải chọn những đối tác kinh doanh qua con đường chính ngạch, thực hiện thanh toán bằng tín dụng thư. Với TQ thì nên tiếp cận, kết nối với những nhà nhập khẩu lớn, có uy tín, thông qua những cuộc hội chợ thủy sản trong và ngoài nước. Đặc biệt, cần né những thương nhân mua bán bất chấp chất lượng lại trả giá cao.

Ông TRẦN THIỆN HẢI, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam

TRẦN VŨ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm