Thương nhân xuất khẩu gạo: Còn rối!

Có thể nói, với việc ban hành Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương rốt cuộc cũng tìm cách khắc phục gót chân Asin của lúa gạo nước ta. Thế nhưng với không ít bất ổn trong quy phạm pháp luật mới này, rất có thể vấn đề mấu chốt này vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Điểm huyệt chính xác

Trước hết, sẽ không quá khó để chỉ ra hàng loạt bất cập của lúa gạo nước ta sau một phần tư thế kỷ xuất khẩu trên quy mô lớn. Biểu hiện lớn nhất chính là không kiểm soát được dư lượng hóa chất và nguốn gốc tả pí lù, cho nên không thể xây dựng được thương hiệu. Chính vì vậy gạo của chúng ta không thể xuất khẩu vào hàng loạt những thị trường đòi hỏi nghiêm ngặt về chất lượng và có giá bán cao mà chỉ thích hợp với những thị trường dễ tính giá bèo.

Trong bối cảnh như vậy, với quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo vừa ban hành, có thể nói Bộ Công Thương đã điểm huyệt chính xác khi quy định vùng nguyên liệu là tiêu chí ưu tiên để trao quyền kinh doanh xuất khẩu gạo cho các doanh nghiệp (DN). Bởi lẽ, một khi các DN xuất khẩu gạo đều bắt tay cùng nông dân xây dựng các vùng nguyên liệu với quy mô đủ lớn, ở đó nông dân chỉ gieo trồng những loại lúa nhất định theo quy trình kỹ thuật tiến bộ, hướng vào đáp ứng những nhu cầu của những thị trường cụ thể. Theo đó, không chỉ gạo xuất khẩu của chúng ta sẽ khắc phục được yếu điểm mà toàn bộ bức tranh lúa gạo của nước ta sẽ có những thay đổi về chất.

Thương nhân xuất khẩu gạo: Còn rối! ảnh 1

Từ mô hình cánh đồng mẫu lớn, chất lượng gạo được bảo đảm và năng suất lúa tăng. Ảnh: CTV

Từ mô hình cánh đồng mẫu lớn của Công ty Cổ phần Bảo vệ Thực vật An Giang, mấy năm gần đây cho thấy chất lượng gạo được bảo đảm, năng suất lúa tăng, chi phí sản xuất giảm. Chính sự liên kết trực tiếp giữa nông dân và DN đã làm hàng loạt lớp “cò” trung gian bị loại bỏ khỏi cuộc chơi. Nhờ vậy lợi nhuận được phân bổ một cách thỏa đáng cho hai chủ thể chủ yếu là nông dân và DN.

Rõ ràng, nếu các cánh đồng mẫu lớn như vậy trở nên rộng khắp thì cũng có nghĩa là toàn bộ hệ thống tổ chức sản xuất lúa và hệ thống tổ chức phân phối cả đầu vào và đầu ra của sản xuất đều có sự thay đổi về chất. Sản phẩm hướng vào những thị trường cụ thể với yêu cầu chất lượng ngày càng cao nhưng giá được trả cũng tương ứng.

Cần phải có luật chơi rõ ràng

Dù vậy nhưng rất đáng tiếc là cây gậy này của các nhà quản lý lại khó có thể phát huy được tác dụng như kỳ vọng, thậm chí có thể làm cho cuộc chơi trở nên không công bằng.

Việc chốt cứng 150 đầu mối được cấp giấy chứng nhận cho đến năm 2015, xét về bản chất đây cũng là hiện tượng lạm quyền. Bởi lẽ Nghị định 109/2010 của Thủ tướng Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo cũng không quy định số lượng DN có thể được cấp giấy chứng nhận mà chỉ quy định những điều kiện để DN được xét cấp giấy chứng nhận. Do vậy, sẽ không công bằng khi DN “thứ 151” tuy đã hội đủ các điều kiện nhưng lại không được xét cấp giấy chứng nhận.

Đầu tiên có thể kể đến là do tiêu chí ưu tiên xuất khẩu gạo rất co giãn, cho nên có thể xảy ra tình trạng các DN chỉ tham gia xây dựng vùng nguyên liệu lấy lệ cũng vẫn được ưu tiên cấp giấy chứng nhận. Bởi lẽ với quy định: “Ưu tiên thương nhân có vùng nguyên liệu hoặc thực hiện hợp tác, đặt hàng, liên kết với hộ nông dân trồng lúa”, mặc nhiên có thể hiểu rằng ít nhất sẽ có tình trạng các DN xuất khẩu gạo tham gia xây dựng vùng nguyên liệu ở hai mức độ khác nhau. Đó là, những DN liên kết với nông dân làm từ A đến Z để có vùng nguyên liệu thực sự của riêng mình. Trong khi đó, do các khái niệm “hợp tác, đặt hàng, liên kết” là rất không rõ ràng, cho nên dù chỉ triển khai một hoặc một vài hoạt động cụ thể không có ý nghĩa thì cũng đã thỏa mãn điều kiện để được giành quyền ưu tiên mà các nhà quản lý đã quy định. Ví dụ như DN chỉ đặt mua lúa mà không cần biết lúa đó được sản xuất như thế nào. Hoặc chỉ liên kết để cung ứng một hoặc một số loại vật tư đầu vào... ở những khu vực không cố định hoặc các hoạt động này tuy được tiến hành rầm rộ, nhưng đầu voi đuôi chuột.

Thực tế cho thấy cánh đồng mẫu lớn là một tổ hợp công nghiệp chế biến lúa gạo với số vốn đầu tư không hề nhỏ. Do vậy, cả những DN đại gia trong làng xuất khẩu gạo đều ngán xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Chính vì vậy, cùng với việc áp đặt mệnh lệnh, rất cần các chính sách kinh tế kèm theo để hỗ trợ các DN xuất khẩu gạo trong việc xây dựng chuỗi liên kết, đòi hỏi không ít thời gian và tiền của này.

Nói tóm lại, xây dựng vùng lúa nguyên liệu nếu được thực hiện một cách bài bản sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trong sản xuất và xuất khẩu gạo của nước ta. Do vậy, rất cần phải có luật chơi rõ ràng, cứng rắn và những chính sách khuyến khích, hỗ trợ phù hợp.

NGUYỄN ĐÌNH BÍCH, Chuyên gia phân tích lúa gạo, Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công Thương

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

ĐHĐCĐ năm 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

(PLO)- Sáng 28-3, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

(PLO)- Thị trường vàng trong nước có phiên tăng giá thứ hai liên tiếp. Đáng nói là trong khi vàng nhẫn tăng không đáng kể thì vàng miếng SJC lại có bước nhảy vọt, vượt mốc 81 triệu đồng/lượng.

Tranh cãi về đề nghị điều tra chống bán phá giá thép Trung Quốc

Tranh cãi về đề nghị điều tra chống bán phá giá thép Trung Quốc

(PLO)- Hai doanh nghiệp sản xuất thép có thị phần lớn ở Việt Nam đã gửi hồ sơ đến Bộ Công Thương đề nghị điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) có nguồn gốc từ Trung Quốc. Thông tin này gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong nội bộ ngành thép.