Thủy sản Việt Nam hồi hộp chờ đợi được gỡ thẻ vàng

Trong tháng 11-2019, đoàn thanh tra của Tổng vụ Các vấn đề về biển và thủy sản thuộc Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đến Việt Nam kiểm tra lần hai việc thực hiện các khuyến nghị liên quan đến hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU).

Phóng viênPháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến về kết quả thực hiện các khuyến nghị của EC và triển vọng gỡ “thẻ vàng” cho ngành thủy sản Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến. Ảnh: MH

. Phóng viên: Sau hai năm bị cảnh báo "thẻ vàng", bộ, ngành và địa phương đã triển khai các nhiệm vụ, giải pháp như thế nào để thực hiện các nhóm khuyến nghị của EC?

+ Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến: Từ ngày 23-10-2017 chúng ta bị châu Âu rút thẻ vàng đối với lĩnh vực thủy sản. Từ ngày đó đến giờ cả hệ thống chính trị vào cuộc, từ chỉ thị và công điện của Thủ tướng Chính phủ đến thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm trưởng ban.

Cạnh đó, trực tiếp Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đi kiểm tra ở phía nam, ở Kiên Giang và một số cơ sở khác. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng trực tiếp hai, ba lần đi kiểm tra ở các tỉnh. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đi kiểm tra bảy lần ở hơn chục tỉnh, TP. Có thể nói đến nay các tỉnh đã vào cuộc một cách tích cực.

Trong thời gian gần đây, Bộ NN&PTNT cùng với các bộ, ngành rà soát hết tất cả nội dung trong quy định của luật và những nhóm khuyến nghị của châu Âu. Về tàu cá vi phạm, giao Bộ Quốc phòng với các lực lượng cảnh sát biển, hải quân, biên phòng ngăn chặn bằng được hiện tượng này. Bộ Công an xem xét các đường dây móc nối để xử lý nghiêm.

Về truy xuất nguồn gốc, Tổng cục Thủy sản đã đi thực tế nhiều tỉnh, hướng dẫn, “cầm tay chỉ việc”, thậm chí còn xem xét cả những hồ sơ từ trước còn vướng mắc. Cục Thú y cũng làm những việc được phân công là cá từ nước khác chuyển vào thì kiểm tra, giám sát, cấp chứng nhận kiểm dịch như thế nào.

Sau đó là Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, từ nguyên liệu được kiểm định đó đi vào nhà máy chế biến và nguồn gốc thế nào để cấp được chứng chỉ xuất nhập khẩu. Bộ NN&PTNT đã rà soát toàn bộ hệ thống, đi kiểm tra thực địa, giở cả hồ sơ ra xem.

. Công tác chuẩn bị cho việc tiếp đoàn EC đánh giá lần hai tại Việt Nam được triển khai tới đâu rồi, thưa ông?

+Trong quá trình tổ chức thực hiện khi đoàn EC sang, Bộ NN&PTNT đã có quyết định trên cơ sở họp phiên thứ hai của Ban chỉ đạo quốc gia về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định về kế hoạch đón tiếp đoàn EC, trong đó có chi tiết đón tiếp cho từng đơn vị. Những nội dung này được rà soát tương đối kỹ trên cả thực tiễn lẫn hồ sơ.

Hôm nay có thể khẳng định trên một tinh thần cố gắng cao nhất để đợt này chúng ta có thể có những kết quả tốt nhất từ đoàn thanh tra của EC.

. Ông đánh giá như thế nào về triển vọng gỡ "thẻ vàng" trong năm nay?

+ Nói đi phải nói lại, hiện cơ sở hạ tầng, hệ thống trang thiết bị của ta còn hạn chế, đội ngũ quản lý trong lĩnh vực này còn chưa có kinh nghiệm triển khai, một số ngư dân có ý thức chấp hành pháp luật còn hạn chế… Đó là những thách thức mà chúng ta phải đối mặt.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây và trước đây nữa chúng ta đã có quyết tâm rất lớn. Đợt này phải làm cho EC hiểu rằng chúng ta đã nỗ lực thực hiện tất cả khuyến nghị như thế nào. Khó nhất là Nghị định 42/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ tháng 7-2019 nhưng đến nay đã xử phạt 499 vụ vi phạm với số tiền xử phạt gần 7 tỉ đồng. Có những vụ lớn số tiền phạt lên đến 800 triệu đồng cũng phải chấp hành. Có thể nói tính chấp hành pháp luật của chúng ta là một trong bốn nhóm khuyến nghị đã được thực hiện rất nghiêm túc, để EC thấy rằng chúng ta đã tổ chức triển khai đồng bộ và quyết tâm cao.

. Thứ trưởng có thể đánh giá những địa phương nào đã thực hiện tốt, chưa tốt những khuyến nghị của EC?

+ Đợt đầu đi kiểm tra thì các địa phương vẫn còn lúng túng nhưng sau kiểm tra đợt 2 thì các địa phương đã có sự tiến bộ rất nhiều, như Nghệ An, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa... Còn có những tỉnh còn tình trạng tàu cá vi phạm như Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, Cà Mau... những tỉnh này cần phải có sự quyết tâm cao hơn nữa.

. Thứ trưởng có nói việc thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP chắc chắn sẽ có sự xáo trộn nhất định nhưng sẽ giúp chúng ta hướng tới một trật tự tốt hơn?

+ Về Nghị Định 67, chúng ta có một đội tàu rất lớn, trước đây có hơn 100.000 nay còn hơn 96.600 chiếc, cường lực khai thác lớn. Sắp tới đây phải hiện đại hóa đội tàu, vươn khơi bám biển ra xa, khai thác gắn với chế biến, có cả hậu cần nghề cá, vừa đảm bảo quốc phòng an ninh, khai thác hiệu quả đánh bắt, đồng thời giải quyết bảo tồn. Bây giờ mới có 11/16 khu bảo tồn được công nhận, sắp tới phải làm tiếp.

Như vậy vừa giảm lực lượng khai thác gần bờ, tăng cường khai thác xa bờ, đồng thời phải bảo tồn tốt, thậm chí có những khu vực nay mai phải cấp hạn ngạch khai thác theo sản lượng. Việc nữa là tăng cường nuôi biển để chúng ta có bước chuyển tích cực, quan trọng cho ngành thủy sản tăng sản lượng, tăng giá trị, tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

. Xin cám ơn Thứ trưởng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm