Tỉ giá trong giảm ngoài tăng

Kết thúc cuộc họp được thị trường tài chính toàn cầu, trong đó có Việt Nam “nín thở” theo dõi vào đêm 17-9 (khoảng 2 giờ sáng ngày 18-9 giờ Việt Nam), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tuyến bố giữ nguyên lãi suất cơ bản đồng USD ở mức thấp kỷ lục.

Đồng loạt hạ giá đồng USD

Sau khi FED đưa quyết định trên, yếu tố tâm lý trên thị trường tài chính Việt Nam được giải tỏa. Ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, ví von rằng đó là “tiếng thở phào nhẹ nhõm của tỉ giá”.

“Thực tế khi chúng ta nói quá nhiều một vấn đề thì người ta sẽ tập trung đến nó và gây ảnh hưởng đến tâm lý thị trường” - ông Phước bình luận.

Giá USD ở các ngân hàng theo đó đã đồng loạt giảm sâu. Cụ thể hôm qua Vietcombank niêm yết tỉ giá USD/VND ở mức 22.445-22.505 VND/USD (mua vào-bán ra), giảm mỗi chiều là 25 đồng so với ngày 17-9. VietinBank, Eximbank, BIDV, DongA Bank… cũng điều chỉnh giảm tới 40 đồng ở mỗi chiều so với trước đó một ngày.

Khảo sát tại một số ngân hàng cho thấy đồng USD từ sáng đến chiều ngày hôm qua liên tục được điều chỉnh, trong đó có ngân hàng chỉ trong buổi sáng đã ba lần điều chỉnh giá theo xu hướng giảm.

Thị trường vàng thế giới tăng vọt, trong khi giá vàng trong nước tăng nhưng chậm hơn. Ảnh: NS

Theo các ngân hàng, giá USD điều chỉnh giảm một phần do người dân thời gian qua có tâm lý găm giữ đồng USD chờ đến khi FED tăng lãi suất thì bán ra kiếm lời. Tuy nhiên, trước tuyên bố giữ nguyên lãi suất của FED thì những kỳ vọng trên vụt tắt và nhiều người đã đem USD đi bán, kéo giá loại tiền tệ này giảm xuống.

Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM Nguyễn Hoàng Minh cho hay trước đó, NHNN nhận định tỉ giá tăng có tác động từ yếu tố tâm lý, vì thế thông điệp phát đi là từ nay đến cuối năm sẽ không điều chỉnh tỉ giá. NHNN cũng tuyên bố sẵn sàng bán ngoại tệ nhằm ổn định tỉ giá và thực tế đã bán ra giúp thị trường tương đối ổn định. Đến nay nhiều doanh nghiệp có ngoại tệ đã bán USD cho ngân hàng.

Tuy nhiên, trên thị trường tự do giá USD lại tiếp tục tăng 30 đồng ở chiều bán ra khi dao động ở mức 22.700 VND/USD. Lý giải về điều này, ông Dương Anh Vũ, Phó phòng Phân tích Công ty Cổ phần Đầu tư kinh doanh và Đầu tư vàng Việt Nam (BGV), cho rằng thị trường đôla tự do không đi theo một quy luật nào cả và nó chịu ảnh hưởng bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.

 “Một số nhà đầu tư cho rằng FED chưa tăng lãi suất cơ bản nhưng xu hướng đồng USD sẽ vẫn tăng, vì thế họ găm giữ ngoại tệ. Điều này khiến giá USD ngoài thị trường tự do tăng” - ông Vũ nói.

Vàng thi nhau tăng

Trên thế giới, đồng USD mất giá sâu so với nhiều đồng ngoại tệ khác. Đặc biệt các đồng euro, yen Nhật và đồng tiền Thụy Sĩ đều tăng giá trong khi đồng USD lại hạ giá.

Theo các chuyên gia, một khi đồng USD giảm thì vàng lại tăng giá. Thực tế ngày hôm qua, tức chỉ sau một đêm giá vàng đã tăng thêm 20 USD/ounce khi giao dịch quanh ngưỡng 1.133 USD/ounce. Đây là mức giá cao nhất của kim loại quý này trong vòng nửa tháng. Vàng trong nước cũng tăng thêm gần 100.000 đồng/lượng với chiều mua vào, chạm ngưỡng 34 triệu đồng/lượng.

Ông Dương Anh Vũ nhận xét: “Mức tăng chưa tới 100.000 đồng/lượng là một phản ứng thăm dò, nghe ngóng thị trường để tìm xu hướng. Việc giá vàng nội tăng chậm so với thế giới khiến khoảng cách giữa giá vàng nội từ mức khoảng 4 triệu đồng/lượng nay còn 3,4 triệu đồng/lượng”.

Phân tích về xu hướng vàng trong thời gian tới, nhiều chuyên gia phân tích việc FED chưa tăng lãi suất và việc có tăng lãi suất hay không sẽ được quyết định vào cuộc họp tháng 10 tới, đặc biệt là cuộc họp vào tháng 12. “Từ nay đến thời điểm đó còn rất xa, vì thế sắp tới vàng vẫn có cơ sở để tăng giá” - ông Vũ nói.

Tín hiệu tốt cho kinh tế Việt Nam

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, GS Nguyễn Đức Khương, Học viện Quản lý và Quản trị kinh doanh Paris (Pháp), nói: Việc Mỹ giữ nguyên lãi suất là tín hiệu rất tích cực để chúng ta bắt đầu xây dựng các cơ chế, hành lang cho hoạt động thương mại trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà chúng ta đang nỗ lực đạt được. Vì dự báo các nhà đầu tư Mỹ sẽ chuyển một dòng vốn từ Mỹ vào Việt Nam thông qua các dạng đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp như chứng khoán.

Tuy nhiên, chúng ta phải có cơ chế quản trị rủi ro trong bối cảnh có những biến động về tỉ giá hối đoái. Bởi theo dự báo không sớm thì muộn Mỹ cũng sẽ tăng lãi suất, vì nền kinh tế Mỹ không cần phải có một chính sách nới lỏng tiền tệ trong thời gian quá dài. Điều này có thể sẽ tạo ra bong bóng tài chính hoặc sự dư thừa về nguồn vốn. Việt Nam cần phải có một chính sách tiền tệ đối phó với kịch bản này.

Thêm nữa, Việt Nam cần duy trì một tốc độ tăng trưởng cao để tăng sức mạnh cho VND. Nếu kinh tế không tăng trưởng thì VND sẽ yếu đi, nợ công sẽ cao lên và các nguồn vốn đầu tư bằng USD có thể sẽ quay ngược trở lại Mỹ do thị trường đầu tư của Việt Nam kém hấp dẫn đi. Khắc phục điều này, Việt Nam cũng cần phải dự trù một chính sách đầu tư hấp dẫn hơn để thu hút các dòng vốn khác ngoài USD.

Nhưng quan trọng hơn cả là chúng ta cần phải có một chính sách tiền tệ nhằm thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế nội tại để các doanh nghiệp Việt phát triển tốt, có thể sản xuất ra hàng hóa có tính cạnh tranh quốc tế.

CHÂN LUẬN

FED tuyên bố giữ lãi suất cơ bản đồng USD ở mức 0-0,25% với lý do là nền kinh tế toàn cầu đang bấp bênh và tốc độ tăng trưởng trong nước chậm lại. Như vậy, Mỹ quyết định tiếp tục giữ nguyên tỉ lệ lãi suất cơ bản gần như bằng 0% được áp dụng suốt gần bảy năm qua.

Trước đó, Fed đã bày tỏ ý định tăng lãi suất cơ bản, đồng thời áp dụng các biện pháp thắt chặt tiền tệ. Động thái này nếu được áp dụng, theo giới chuyên gia có thể sẽ gây nên nhiều biến động trên thị trường khiến các nền kinh tế mới nổi cũng như các nước đang phát triển phải đối mặt với nhiều rủi ro.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm