Tốn 20.000 USD mới xin được giấy phép xuất khẩu gạo?

Tại buổi tọa đàm về định hướng sửa đổi Nghị định 109/2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách VEPR và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức, ông Ngô Văn Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH ADC, tiết lộ xin giấy phép xuất khẩu gạo rất tốn kém.

“Mỗi lần xin giấy phép xuất khẩu gạo tốn cả mấy chục ngàn USD, thậm chí để có được một giấy phép xuất khẩu gạo phải tốn 20.000 USD. Đó là chưa kể để đủ điều kiện xuất khẩu gạo, mỗi ngày công ty phải báo cáo số liệu cho cơ quan chức năng, rằng xuất khẩu được bao nhiêu, tồn kho bao nhiêu… Những việc này rất tốn thời gian khiến công ty phải tuyển thêm người chỉ để làm báo cáo” - ông Nam nói.  

Cũng tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng Nghị định 109/2010 yêu cầu các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải đáp ứng nhiều điều kiện. Đến nay, sau sáu năm thực hiện, nghị định đã bộc lộ nhiều bất cập, cần sửa đổi để tạo động lực phát triển cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nói riêng và ngành lúa gạo nói chung.

Ví dụ Nghị định 109 đưa ra những quy định về điều kiện trở thành một doanh nghiệp xuất khẩu gạo đó là có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc và có ít nhất một cơ sở xay xát gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ.

Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp liên kết chặt chẽ với nông dân, sản xuất ra các sản phẩm có thương hiệu nhưng không đáp ứng các tiêu chuẩn trên sẽ không được xuất khẩu gạo.

Các chuyên gia đánh giá, xuất khẩu gạo dường như đang trở thành sân chơi của các ông lớn, có ưu thế trên thị trường, đủ khả năng áp đặt các điều kiện bất lợi cho các chủ thể khác, đặc biệt là nông dân.

Không chỉ vấn đề về “giấy phép”, chính sách xuất khẩu gạo của Việt Nam còn tạo ra nhiều “bó buộc” khác về đầu ra cho doanh nghiệp tư nhân.

Chính sách xuất khẩu gạo của Việt Nam tạo ra nhiều bó buộc cho doanh nghiệp tư nhân. Trong ảnh: Gạo Việt được giới thiệu tại một hội chợ. Ảnh: QH

Từ thực tế đó, VEPR đề xuất bãi bỏ các điều kiện về việc doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải có kho, cơ sở xay xát thóc, gạo cũng như quy định về địa điểm đặt kho, máy xay xát và việc phải duy trì dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 10% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong sáu tháng trước đó.

VEPR cũng đề xuất bãi bỏ giá sàn xuất khẩu hoặc giá sàn chỉ có tính chất trao đổi nội bộ trong hiệp hội; bãi bỏ việc xuất khẩu gạo tại thị trường tập trung; bãi bỏ các điều kiện giao hàng xuất khẩu…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm