Tổng công ty TN&MT Việt Nam: Thấp thoáng hình bóng... Vinashin?

Mới đây, Tổng Công ty Tài nguyên và Môi trường Việt Nam - doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã long trọng tổ chức lễ ra mắt. Trong khi nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoạt động không hiệu quả, làm ăn thua lỗ thì việc cho ra đời một doanh nghiệp lớn thuộc Bộ khiến nhiều chuyên gia rất lo ngại.

Đẻ ra để hứng việc

. Phóng viên: Có nên thành lập một tổng công ty nhà nước hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên-môi trường không, thưa giáo sư?

Tổng công ty TN&MT Việt Nam: Thấp thoáng hình bóng... Vinashin? ảnh 1
+ Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (ảnh): Hoàn toàn không, bởi Tổng Công ty Tài nguyên và Môi trường Việt Nam được khoác áo nhà nước, nó sẽ được giao những chỗ ngon lành. Tạo ra một cơ chế để anh lấy mỏ rất dễ. Như vậy, trong khai thác tài nguyên-môi trường, đầu việc do nhà nước đưa ra để doanh nghiệp nhà nước hứng, vừa đá bóng, vừa thổi còi. Đây giống hệt cơ chế bao cấp.

Thực tế cũng cho thấy một trong những nguyên nhân làm chậm phát triển thị trường bất động sản là do Bộ Xây dựng có quá nhiều tổng công ty. Đáng lẽ những tổng công ty này phải cổ phần hóa hết đi, tung nó ra thị trường.

Ở đầu bộ không nên có tổng công ty. Như vậy mới khách quan và không gắn kết lợi ích. Một giáo sư ở Đại học Harvard có nói ở Việt Nam có những nhóm lợi ích luôn đứng đằng sau các động tác, chính sách của cơ quan nhà nước.

. Vậy “đứa con” mà theo giáo sư là không nên có này sẽ như thế nào?

+ Theo tôi, kết cục của Tổng Công ty Tài nguyên và Môi trường Việt Nam sẽ có gì đó thấp thoáng giống như Vinashin. Vì cơ chế như thế thì đương nhiên phải xảy ra những chuyện như thế. Cho thành lập một doanh nghiệp nhà nước lớn trực thuộc bộ thì làm sao có thể yên tâm!

Tổng công ty TN&MT Việt Nam: Thấp thoáng hình bóng... Vinashin? ảnh 2

Theo giáo sư Đặng Hùng Võ, một trong những nguyên nhân làm chậm phát triển thị trường bất động sản là do Bộ xây dựng có quá nhiều tổng công ty. Ảnh minh họa: HTD

Chúng ta có xu hướng đẩy mạnh tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Một Vinashin đã đủ chứng minh việc đó đúng hay sai dù vụ lùm xùm Vinashin mới chỉ hiện một số đường nét chứ chưa phải là hiện nguyên hình. Nếu ta có cơ chế kiểm soát tham nhũng chặt chẽ thì còn lộ nhiều chuyện nữa về Vinashin mà báo chí chưa nói đến. Hiện có hai lĩnh vực tham nhũng nhiều nhất, một là đất đai, hai là doanh nghiệp nhà nước.

. Nhưng có một điều rất lạ, trong ngành nghề kinh doanh của tổng công ty này, người ta lại khoác cho nó cả việc quản lý?

+ Như vậy là không đúng. Đừng nhầm lẫn như thế! Quản lý không phải trách nhiệm của doanh nghiệp. Đó là chức năng của cơ quan nhà nước. Doanh nghiệp chỉ có chức năng quản trị trong nội bộ doanh nghiệp đó thôi.

Triệt tiêu cạnh tranh

. Nhiều ý kiến cho rằng việc xuất hiện “con cưng” của bộ như vậy sẽ bóp chết sự cạnh tranh trong lĩnh vực tài nguyên-môi trường?

+ Với doanh nghiệp, cho cạnh tranh và nhà nước áp dụng các cơ chế kiểm tra, giám sát thật tốt thì đó mới là cách làm đúng. Trong lĩnh vực tài nguyên-môi trường, chúng ta phải phát triển doanh nghiệp tư nhân. Với những doanh nghiệp nhà nước còn lại trong lĩnh vực này, cần sớm cổ phần hóa. Có vậy mới tăng sức cạnh tranh và làm cho việc khai thác và bảo vệ tài nguyên-môi trường được tốt.

Hiện sức phát triển của các doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực này chưa mạnh vì chưa có thị trường. Bởi đầu công việc chủ yếu vẫn do nhà nước nắm giữ mà ít sử dụng doanh nghiệp tư nhân. Khi thị trường vẫn chủ yếu do nhà nước nắm giữ thì khó có thể hy vọng đạt được một trình độ công nghệ cao vì thiếu tính cạnh tranh.

Việc thành lập một tổng công ty để làm các việc như khai thác, chế biến khoáng sản, khai thác nước, khai thác biển, phát triển bất động sản… là làm ngược lại với chủ trương kinh tế hóa ngành tài nguyên-môi trường. Muốn kinh tế hóa ngành tài nguyên-môi trường thì phải đưa các sản phẩm của nó ra thị trường để đấu thầu. Phải đấu thầu trong việc khai thác tài nguyên. Khi đã thành lập một tổng công ty như vậy thì đấu thầu với ai?

Với việc thành lập doanh nghiệp như thế thì có nghĩa là không đẩy mạnh hình thức đấu thầu trong các lĩnh vực của ngành này. Thị trường sẽ chỉ phát triển được khi có cạnh tranh.

. Trong việc khai thác mỏ, nếu chỉ giao cho doanh nghiệp nhà nước làm thì liệu có ổn hơn không, thưa giáo sư?

+ Việc khai thác mỏ nên giao cho các công ty thuộc khu vực tư nhân thì dễ kiểm soát thị trường và quản lý thị trường hơn là cứ duy trì cho một số doanh nghiệp nhà nước thuần túy. Làm như vậy là không có hiệu quả.

Cái bừa bãi hiện nay là cấp phép mỏ lung tung, cấp phép trái thẩm quyền. Có khi mỏ lớn nhưng lại cấp phép là mỏ tận thu. Bên cạnh đó là khai thác không phép như nhiều bãi đào vàng hiện nay. Việc đánh giá trữ lượng tiềm năng của mỏ hiện còn rất yếu.

. Xin cảm ơn giáo sư.

HOÀNG VÂN thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm