TP.HCM cần tập trung phát triển sản phẩm mũi nhọn

Ngày 17-10, UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị chuyên đề về tình hình đầu tư và xuất khẩu. Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP, nói: “TP muốn lắng nghe sâu hơn các ý kiến đánh giá về thực trạng phát triển kinh tế-xã hội của TP, đặc biệt là các hoạt động xuất khẩu đầu tư gần 20 năm qua. Từ đó làm cơ sở để xác định vị trí hàng hóa của TP trong tổng thể sử dụng hàng hóa của thế giới, định hướng phát triển phù hợp cho giai đoạn sắp tới”.

Mất dần lợi thế cạnh tranh

TS Đinh Công Khải, Viện trưởng Viện Chính sách công (ĐH Kinh tế TP.HCM), đánh giá hiện nay xuất khẩu của TP bộc lộ một số yếu kém. Biểu hiện rõ nhất là tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu của TP so với cả nước ngày càng giảm.

Ví dụ, giai đoạn 2000-2001 tỉ trọng này chiếm 50% nhưng hiện nay kim ngạch xuất khẩu của TP.HCM so với cả nước chỉ còn khoảng 15%-16%. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu cũng như tính đa dạng hóa của thị trường xuất khẩu giảm dần. Điều đó cũng cho thấy TP.HCM mất dần lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh.

“Nguyên nhân là do mô hình tăng trưởng xuất khẩu của TP.HCM còn chạy theo chiều rộng, không chú trọng đến chất lượng tăng trưởng. Chính vì vậy thiếu chiến lược để thúc đẩy sự phát triển xuất khẩu TP.HCM trong thời gian tới. Ngoài ra, TP.HCM hiện chưa có nghiên cứu bài bản đánh giá nguyên nhân kìm hãm xuất khẩu của TP, ví dụ tại sao giá trị gia tăng các ngành xuất khẩu của Việt Nam rất thấp, chỉ khoảng 25%.” - TS Khải thẳng thắn.

Ông Đinh Công Khải cũng khẳng định khó khăn nhất trong xuất khẩu hiện nay của TP là logistics và kết nối cơ sở hạ tầng. TP.HCM có hai lợi thế so sánh lớn nhất là vị trí thuận lợi với hệ thống logistics cầu cảng phục vụ cho xuất khẩu nhưng kết nối hạ tầng từ các địa phương đến TP.HCM và ngược lại còn bất cập. Điều này dẫn đến chi phí vận chuyển cao, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) xuất khẩu nói riêng và TP.HCM nói chung.

Đại diện Hiệp hội DN TP.HCM cũng dẫn chứng khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung nổ ra, DN Việt Nam nhận được nhiều đơn đặt hàng để xuất khẩu đi Mỹ, châu Âu, nhất là thiết bị điện cũng nằm trong danh mục 200 tỉ USD bị áp thuế 25%. Tuy nhiên, để xuất khẩu thiết bị điện vào Mỹ cần chứng nhận UL (giấy thông hành để sản phẩm vượt qua hàng rào kỹ thuật), vào châu Âu cần CE Marking (cho phép sản phẩm đươc lưu thông tự do trong thị trường châu Âu) nhưng hiện nay ở Việt Nam lại chưa có tổ chức nào đứng ra hướng dẫn, thực hiện cấp hai chứng nhận này. DN phải tự tìm tòi thông tin từ trụ sở chính của UL bên Mỹ nên rất mất thời gian, công sức… mà không có kết quả.

Từ thực tế trên, Hiệp hội DN TP.HCM kiến nghị để những sản phẩm Việt Nam xuất khẩu mạnh mẽ thì các cơ quan liên quan cũng phải có định hướng giúp DN đạt các chứng nhận này, cũng như phổ biến các quy định khác trong giao thương quốc tế cho DN biết và làm theo. “TP.HCM cần giao nhiệm vụ cho một sở, ngành làm đầu mối hướng dẫn và cung cấp thông tin cho DN TP” - Hiệp hội DN TP.HCM đề xuất.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TÚ UYÊN

Khó khăn nhất trong xuất khẩu hiện nay của TP.HCM là logistics và kết nối cơ sở hạ tầng. Ảnh: HOÀNG GIANG

Nên phát triển sản phẩm mũi nhọn

Để tăng lợi thế xuất khẩu cho TP.HCM, TS Khải đề xuất một số nhóm sản phẩm có quy mô lớn, tốc độ tăng trưởng cao mà TP.HCM có thể đeo đuổi. Theo đó, trong ngắn hạn TP.HCM vẫn phải duy trì những nhóm ngành hiện hữu có quy mô xuất khẩu lớn, tạo nhiều công ăn việc làm và thu ngân sách như điện tử, dệt may, da giày, nông - thủy hải sản, cao su - hóa chất và đồ gỗ theo lợi thế so sánh của TP.

Song song đó, TP.HCM cần chuẩn bị nền tảng về công nghệ và nguồn nhân lực để có thể sản xuất và xuất khẩu các nhóm ngành kỹ thuật liên quan đến điện tử, cơ khí lắp ráp, chế tạo, tự động hóa. Cụ thể là thiết kế, chế tạo dụng cụ sản xuất, linh kiện cho các ngành công nghiệp khác.

“Hoàn thiện chiến lược phát triển cụm ngành logistics của TP. Trong đó chú trọng quy hoạch lại hệ thống cảng biển và cơ sở hạ tầng logistics nhằm tăng cường khả năng kết nối giao thông đến các vùng sản xuất hàng hóa xuất khẩu, biến TP.HCM trở thành trung tâm dịch vụ xuất khẩu của cả vùng” - TS Khải đề xuất.

Hiệp hội DN TP.HCM thì đề xuất TP.HCM có thể lựa chọn để phát triển sản xuất các sản phẩm công nghệ cao và dịch vụ phù hợp với điều kiện sản xuất của TP. Trong các ngành nghề phù hợp có thể lựa chọn là cơ khí chế tạo (thiết bị nâng hạ, khuôn mẫu, hệ thống máy chế biến gạo xuất khẩu, hệ thống máy sản xuất mì ăn liền… được nhiều nước đã mua của Việt Nam).

Mặt khác, cần đặt trọng tâm vào số ngành có giá trị gia tăng cao như phần mềm tin học, dịch vụ tài chính, du lịch y tế (phẫu thuật thẩm mỹ, nha khoa…) có khả năng phát triển trong thời gian khá dài và nâng kim ngạch xuất khẩu.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đánh giá cao những đóng góp từ các chuyên gia, DN. Ông cho rằng để tăng trưởng xuất khẩu đúng tiềm năng thế mạnh của TP đầu tàu kinh tế của cả nước, TP cần có sự cộng hưởng trách nhiệm của DN xuất khẩu, nhà nghiên cứu, Nhà nước. 

“Vấn đề cạnh tranh thì không thể nói TP cạnh tranh với các địa phương nữa mà là phát huy vai trò kinh tế vùng trong xuất khẩu, phải là nơi đảm nhiệm vai trò xuất khẩu, đặc biệt là dịch vụ. TP phải xây dựng hạ tầng về xuất khẩu để giúp cho các địa phương phát triển. Trong thời buổi kinh tế hiện nay, cạnh tranh thì phải hợp tác để phát huy thế mạnh từng địa phương, từng vùng” - ông Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh.

Chi phí cao làm giảm cạnh tranh hàng xuất khẩu

Bà Đặng Minh Phương, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam, thông tin ngành logistics Việt Nam với quy mô 44-46 tỉ USD mỗi năm, chi phí logistics chiếm 18% GDP. Con số này rất cao so với các nước trong khu vực, chỉ có 10%-12%. Riêng với TP.HCM, năm 2018 chi phí logistics hết 10,2 tỉ USD.

Bà Phương nhấn mạnh: “TP.HCM hiện tại không có trung tâm logistics cụ thể nên DN phải sử dụng các kho bãi nằm bên ngoài TP. Do vậy lãnh đạo TP quan tâm hơn nữa đến ngành logistics” - bà Phương dẫn chứng.

Hiện TP.HCM có nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD/năm. Dự kiến năm 2019 sản phẩm máy tính, linh kiện điện tử ước đạt 10 tỉ USD; dệt may ước đạt 4,2 tỉ USD… Nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 500 triệu USD/năm như gạo, thủy hải sản, hàng rau quả, phương tiện vận tải và các loại phụ tùng… 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm