TP.HCM dẫn đầu về hỗ trợ doanh nghiệp

“Như mọi năm, TP.HCM tiếp tục dẫn đầu ở các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp” -  ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, báo cáo.

Đáng lưu ý trong danh sách này ngoại trừ Đà Nẵng và TP.HCM, những gương mặt xuất sắc nhất trong 10 lĩnh vực điều hành kinh tế đều đến từ khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

“Nổi tiếng năng động, thường xuyên liên kết, trao đổi, chia sẻ cũng như học tập các kinh nghiệm thực tiễn tốt, nhiều năm qua các địa phương trong khu vực này luôn duy trì được chất lượng điều hành kinh tế đồng đều” - báo cáo PCI nhận xét.

Ông Đậu Anh Tuấn báo cáo về kết quả PCI tại lễ công bố sáng 31-3.

Có 10 chỉ số để đánh giá PCI. Trong đó, chỉ số “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, chất lượng cao” là một chỉ số quan trọng thể hiện sự quan tâm của chính quyền địa phương đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. “Mặc dù TP.HCM tụt hạng so với năm ngoái. Tuy nhiên nếu xét về điểm số thì sự khác biệt so với năm ngoái và các tỉnh xếp trên không đáng kể. Đó là điều chúng ta cần nhìn nhận” - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế VIAC Trần Hữu Huỳnh nhấn mạnh trong buổi trao đổi với báo chí sau lễ công bố.

Xét cụ thể các tiêu chí khác, đứng đầu chỉ số Gia nhập thị trường trong PCI 2015 là Hậu Giang với 9,23 điểm. Bến Tre được đánh giá tốt nhất cả nước trong lĩnh vực Tiếp cận đất đai (7,82 điểm). Sóc Trăng đứng đầu chỉ số Chi phí không chính thức (7,12 điểm). Trong khi đó, Bạc Liêu ghi điểm cao nhất ở chỉ số Cạnh tranh bình đẳng (7,29 điểm), Kiên Giang dẫn đầu lĩnh vực Thiết chế pháp lý (7,62 điểm).

Đồng Tháp tiếp tục duy trì vị trí đầu bảng như năm ngoái ở hai chỉ số: Chi phí thời gian và Tính năng động, tiên phong của chính quyền tỉnh. Đà Nẵng, quán quân của bảng xếp hạng PCI 2015, cũng đồng thời “đoạt cúp” ở hai chỉ số thành phần Tính minh bạch và Đào tạo lao động.

Ngược lại, nhóm cuối bảng của các chỉ số thành phần lại có sự góp mặt của một số tỉnh, thành trong khu vực đồng bằng sông Hồng (Hưng Yên, Hà Nội), khu vực miền núi phía Bắc (Lạng Sơn, Hà Giang, Bắc Kạn), Duyên hải miền Trung (Hà Tĩnh) hay Tây Nguyên (Đắk Nông). Hầu hết các vùng miền vẫn còn những khoảng cách lớn về chất lượng điều hành kinh tế, đòi hỏi nhiều nỗ lực phối hợp, liên kết vùng để nhân rộng các thực tiễn tốt về điều hành mạnh mẽ hơn nữa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm