TP.HCM nên dùng 'bảo kiếm' để bắt kịp Bangkok,Singapore

Tiến sĩ Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, phát biểu như trên tại Diễn đàn Kịch bản kinh tế Việt Nam năm 2017 do Thời báo kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 9-3 tại TP.HCM.

TS Trần Du Lịch cho rằng TP.HCM không chỉ đóng góp GDP hàng đầu cả nước mà đóng góp lớn nhất là hình thành nên thể chế hành chính kinh tế cho Việt Nam. Hạn chế của Việt Nam nhiều năm qua là chúng ta có một nền hành chính đồng nhất mà lại không thống nhất.

“Như đánh nhiều loại cá mà sử dụng một loại lưới, cá to làm rách lưới chạy thoát, từ đó cá bé cũng thoát luôn. Cụ thể như đối với TP.HCM cần cơ chế hành chính tăng được tính tự chủ của một chính quyền đô thị, có dư địa tự chủ phát huy các nguồn lực kinh tế”, TS Lịch ví von.

Theo TS Lịch, từ năm 2012, Bộ Chính trị đã xác định TP.HCM không thể đem so sánh với các thành phố trong nước mà phải so sánh với những thành thố phát triển hiện đại trong khu vực như Bangkok, Singapore, Kuala Lumpur, Jakarta,… Nghị quyết 16/2012 của Bộ Chính trị đã tạo ra “một đạo luật riêng cho TP.HCM”. Cụ thể những vấn đề đột phá nào mà pháp luật chưa quy định hoặc quy định nhưng không phù hợp thì TP.HCM có thể xin thực hiện thí điểm. 

“Tuy nhiên việc thí điểm quá gian nan, vì thí điểm là trái quy định, trái thì không ai chịu trách nhiệm. Vì vậy tôi mong rằng TP.HCM dùng “cây gậy” này, “bảo kiếm” này để xây dựng một cơ chế phù hợp để huy động nguồn lực cho đô thị để TP.HCM phát triển đúng tầm của nó”, TS Lịch đề xuất.

Phát biểu tại Diễn đàn, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đánh giá, dù có một khởi đầu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 không mấy thuận lợi nhưng nền kinh tế của TP.HCM vẫn đang đứng trước nhiều cơ hội vàng để duy trì mức tăng trưởng cao.

Bí thư Đinh La Thăng đánh giá, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, với sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy. Hàng loạt chính sách mang tầm chiến lược của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam, có thể phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tế mới. Trong khi đó, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm hơn dự báo, tăng trưởng thương mại giảm mạnh, hoạt động của thị trường hàng hóa kém sôi động tác động tiêu cực trước hết đến những nền kinh tế dựa vào xuất khẩu như Việt Nam.

TP.HCM cần cơ chế phù hợp để phát triển kinh tế ngang tầm các thành phố hiện đại trong Asean. Hinh:CTV

Ở trong nước, chúng ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức bởi diễn biến phức tạp của thời tiết, biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình hình nhiễm mặn nghiêm trọng tại khu vực ĐBSCL, Nam Trung Bộ. Lần đầu tiên trong nhiều năm, tăng trưởng ở lĩnh vực nông nghiệp xuống mức đáy. Trong khi đó, thực lực doanh nghiệp và năng suất lao động trong nước còn chậm được cải thiện trước áp lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế lớn chưa từng thấy.

Riêng với TP.HCM, bí thư Đinh La Thăng đánh giá, thành phố vừa phải vượt qua một năm đối mặt với những khó khăn thách thức lớn, bao gồm tình trạng ngập nước và ùn tắc giao thông ở mức nghiêm trọng. Áp lực dân số tạo sức ép rất lớn lên các vấn đề về an sinh xã hội, trật tự giao thông, các vấn đề về an ninh, an toàn cho mọi người dân. Bên cạnh đó còn là những điểm “nghẽn” về cơ chế, chính sách chờ được khai thông.

"TP.HCM nhận thức rõ những thách thức ấy và đang quyết tâm vượt qua tất cả mọi trở ngại để tiếp tục giữ vững vị thế đầu tàu của cả nước, đồng thời vươn tới những mục tiêu cao hơn. Chúng tôi đang triển khai 7 chương trình đột phá và coi việc cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, tạo điều kiện, hỗ trợ thành lập và phát triển doanh nghiệp, phấn đấu đạt con số 500.000 doanh nghiệp hoạt động đến năm 2020 là trụ cột quan trọng trong các chính sách phát triển", Bí thư Đinh La Thăng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm