'Tranh cãi' về quyền sở hữu quầy sạp tại chợ An Đông

Ngày 22-1, Uỷ ban nhân Quận 5, Ban quản lí Trung tâm thương mại dịch vụ An Đông (chợ An Đông) cùng một số luật sư đã có buổi gặp gỡ với hơn 100 thương nhân chợ An Đông về kiến nghị liên quan đến dự thảo Hợp đồng sử dụng điểm kinh doanh 2019-2028.

Đại diện Ban quản lí (BQL) chợ An Đông cho biết, thời gian qua BQL có một số buổi tiếp xúc với đại diện thương nhân triển khai nội dung Dự thảo hợp đồng sử dụng địa điểm kinh doanh.

Qua các buổi triển khai tiếp xúc tiểu thương nêu nhiều ý kiến về các vấn đề, nội dung khác nhau. Trong đó có hai nội dung lớn mà tiểu thương góp ý về điều khoản, câu chữ trong hợp đồng mới; kiến nghị về sở hữu sạp...

Không biết có được quyền sở hữu quầy sạp hay không?

Bà Mã Thái Lan, 76 tuổi, kinh doanh ba đời tại chợ An Đông, là người góp vốn với công ty Việt Hoa (cổ đông) kể, năm 1989 tự đến tìm xin góp vốn vào công ty Việt Hoa. Mỗi tháng đều được chia cổ tức. Năm 1990 công ty đưa ra bảng bán quầy sạp nhưng không nhiều người đăng kí. Đến năm 1991 chính thức đưa ra bảng bán quầy sạp cho mọi người đóng tiền.

Thời điểm này tiểu thương nghèo nên xin đóng dài hạn. Công ty Việt Hoa và Quận đồng ý trả chậm trong vòng 10 tháng.

“Bản thân tôi dù là cổ đông nhưng khi mua quầy sạp vẫn được trả chậm 10 lần (từ tháng 1-1991 đến 11-1991). Bên công ty đưa ra điều khoản nếu như bên tiểu thương mua quầy sạp không thực hiện trả đúng thời hạn 10 lần sẽ bị phạt 2% nên tôi nghĩ tiền đóng là mua quầy sạp chứ không phải là cổ đông đóng góp xây dựng chợ. Nếu nói đây là góp tiền là cổ đông thì phải đóng góp trước khi xây dựng chợ.

Chợ xây xong rồi, đâu có ai kêu vào cổ đông làm gì. Khi chúng tôi vào chợ tất cả quầy sạp xong, chỉ chưa có cửa. Lúc bấy giờ mỗi tiểu thương đóng thêm 1,4 triệu đồng để họ làm cửa cho quầy sạp”, bà Lan nói.  

Theo bà Lan, đến năm 2000, khi công ty Việt Hoa bán hết các sạp, mời tất cả cổ đông đến trả vốn và chia lời. Tôi nghĩ trong chợ chỉ có mình tôi và một người nữa vào cổ đông, tất cả có 42 người.

Bà Huệ kinh doanh chợ An Đông 30 năm, cho biết thời gian qua chị em tiểu thương “miên man” không biết mình có được quyền sở hữu quầy sạp hay không?

“Bản thân tôi tìm hiểu được biết hợp đồng thời điểm đó tiểu thương kí với công ty Việt Hoa là mua sạp với thời hạn 20 năm. Sau 20 năm công ty Việt Hoa không khai thác nữa và giao về Quận 5. Như vậy Quận 5 là chủ sở hữu chợ An Đông, giao cho BQL chợ quản lí tiểu thương kinh doanh cho đến bây giờ. Theo hiểu biết của tôi là vậy”, bà Huệ nói.

Trong khi đó, chị C. V bức xúc đặt câu hỏi, xin khẳng định hợp đồng mà tiểu thương kí với công ty Việt Hoa là do tiểu thương không hiểu biết mới kí. Tôi xin nói, chúng tôi chỉ là góp vốn chứ không dám xưng là cổ đông. Chỉ xin có sự so sánh, cùng là TP.HCM, cùng hệ thống chợ loại một nhưng thời điểm đó 1989, tiểu thương có được tờ giấy chứng nhận góp vốn và tờ giấy sử dụng lâu dài, không thời hạn được sự bảo hộ của nhà nước.

“Tiểu thương chợ Bà Chiểu thời điểm đó có tờ giấy quyền sử dụng lâu dài và có một tờ giấy công nhận góp vốn, góp bao nhiêu tiền... Nên trong hợp đồng lần này chúng tôi quyết tâm đòi cho được quyền sở hữu tài sản trên đất và tờ công nhận góp vốn trước khi công ty Việt Hoa khánh thành chợ An Đông”, chị C. V nói.

Theo chị V, thời điểm 1991 chợ chưa xong nhưng đã đóng tiền được 10 tháng. Đến tháng 11-1991 chợ mới khánh thành. Tôi nghĩ mình góp vốn cho Việt Hoa trước khi chợ hình thành. Lãnh đạo Quận 5, luật sư hãy xem xét cái nào đúng, giải quyết đúng pháp luật chứ tiểu thương không đòi hỏi gì. Tiểu thương sai chỗ nào, nhờ luật sư giải đáp.

Lãnh đạo UBND Quận 5 gặp gỡ tiểu thương chợ An Đông.

Không có chứng cứ để đòi quyền sở hữu

Liên quan đến sở hữu quầy sạp, ông Phạm Quốc Huy, Chủ tịch UBND Quận 5 cho biết, năm 1988-1989 chợ An Đông là chợ thực phẩm, quầy sạp bằng gỗ, che tôn, sình lầy nhiều…Sau đó HĐND Quận 5 có chủ trương xây dựng lại chợ.

Đến tháng 11-1990, thống nhất cho công ty quản lí phát triển nhà Quận 5 và công ty Việt Hoa hợp tác trên cơ sở công ty Việt Hoa bỏ 100% vốn làm chợ. Và trong hợp đồng sau khi khai thác hết 20 năm, quyền khai thác của công ty Việt Hoa không còn nữa và chuyển giao quản lí  cho Quận 5. Cụ thể người được giao quản lí hiện nay là BQL chợ An Đông.

Theo luật sư Nguyễn Văn Trung, Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam, tiểu thương đã góp tiền với công ty Việt Hoa,  công ty huy động vốn để xây dựng chợ. Đây là hình thức huy động vốn và trả lãi khi thương nhân được trả cổ tức. Đây không là bằng chứng tiểu thương góp vốn với nhà nước để xây dựng chợ.

Mặt khác, luật sư Trung cho biết, hợp đồng giữa thương nhân với công ty Việt Hoa sau khi chợ đã hình thành là hợp đồng sang nhượng quầy, sạp giữa Việt Hoa với thương nhân có thời hạn 20 năm.

Thực chất về pháp lí, thương nhân bỏ tiền mua quyền thuê, sử dụng sạp đó và có thể sang nhượng, mua bán quyền đó cho người khác. Quyền này được ưu tiên khi tái kí hợp đồng mới chứ không phải quyền sở hữu quầy sạp sau 20 năm đó.

Một số tiểu thương đặt câu hỏi cho ông Huy, Quận 5 có giấy tờ chứng minh gì về việc quầy sạp không phải sở hữu của thương nhân?

Theo ông Huy, Quận nhiều lần trao đổi với các Sở ban ngành của thành phố. Lãnh đạo quận cũng tìm gặp những tiểu thương tại chợ thời kỳ 1988-1991, những người thuộc BQL chợ khi đó… để tìm hiểu về việc xác lập, sở hữu tài sản trên đất. Đồng thời cũng đã rà soát tất cả những văn bản pháp lý liên quan đến chợ thời kỳ này.

Tuy nhiên, đến thời điểm này không có cơ sở pháp lý nào xác định được tài sản trên đất đó là tài sản thuộc sở hữu của tiểu thương. Song nếu có tình tiết mới của tiểu thương chúng tôi sẽ tiếp nhận”, ông Huy nói.

Do những "thắc mắc" về quyền sử dụng quầy sạp nên đến nay Dự thảo về hợp đồng mới lần hai vẫn chưa được thống nhất.

Ông Huy cho biết, UBND TP.HCM đã chấp thuận kéo dài thời hạn hợp đồng cho tiểu thương đến năm 2028 (2019-2028) theo đề nghị có lợi hơn cho tiểu thương. Dù hiện nay hợp đồng mà bà con tiểu thương đã kí còn hiệu lực đến 2021 (2011-2021). Sau khi hết hợp đồng được tái kí để đảm bảo có sự ổn định kinh doanh lâu dài.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm