Tranh chấp biển Đông - ảnh hưởng bắc cầu

Khi biển Đông diễn biến càng ngày càng phức tạp, các chuyên gia đã dự đoán về một ảnh hưởng bắc cầu từ tranh chấp lãnh thổ-lãnh hải sang phạm trù kinh tế thương mại.

“Cấm vận” trái cây

Đầu tiên là vào ngày 16-5, thông qua việc từ chối nhận 150 container chuối xuất khẩu từ Philippines với lý do các quả chuối trong đó “lúc nhúc côn trùng”. Một khối lượng chuối lớn đã bị tiêu hủy và thối rữa ở Cảng Đại Liên, Thượng Hải và Tân Cảng, thiệt hại lên tới 760.000 USD. Sau đó, Trung Quốc hầu như phớt lờ tất cả mọi phản biện về chất lượng đạt chuẩn Nhật Bản từ phía Philippines. Sắp tới đây thì không chỉ là chuối, Trung Quốc còn quyết định hạn chế hàng loạt các loại trái cây của Philippines như dứa, xoài, đu đủ…

Đứng sau Nhật, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu trái cây thứ hai của Philippines. Trong đó, xuất khẩu chuối đã đem lại lợi nhuận 470,96 triệu USD cho Philippines vào năm 2011. Đợt nhập khẩu chuối thất bại đầu tiên này đã khiến Philippines thiệt hại 33,8 triệu USD. Chưa dừng lại ở đó, dựa vào lý do nhiễm khuẩn, Trung Quốc ban hành lệnh kiểm tra nghiêm ngặt khiến hoa quả tươi chuyển sang thối rữa, thiệt hại không ít cho Philippines. Áp dụng biện pháp này, Bắc Kinh không chỉ cô lập được thị trường trái cây Manila mà còn tăng cường mối quan hệ với các nước khác trong ASEAN bằng cách mở rộng thị trường cho những nước này. Đối với quốc gia Đông Nam Á này, Trung Quốc được lợi cả hai mặt khi áp dụng hàng rào phi thuế quan này.

Tranh chấp biển Đông - ảnh hưởng bắc cầu ảnh 1

Dân chúng Philippines biểu tình phản đối tàu Trung Quốc ra bãi Scarborough ngay lập tức làm Trung Quốc “nổi giận”.

Đánh vào kinh tế của Philippines

Tiếp đó, sự hủy bỏ hàng loạt tour du lịch đã kéo theo sự rớt giá cổ phiếu của những hãng lữ hành Philippines. Dù Manila đã cố gắng lạc quan khi khẳng định du khách Trung Quốc chỉ chiếm 9% tổng số du khách nước ngoài nhưng thực tế thì Manila đã đánh mất nguồn khách quan trọng thứ tư của mình. Về lâu dài, hậu quả sẽ càng nghiêm trọng. Không dừng lại ở đó, Bắc Kinh cũng thực hiện chính sách giảm đầu tư vào Manila. Những doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào những mạch máu kinh tế quan trọng của Philippines như khai mỏ, bất động sản, hàng không… cũng đang tuyên bố xem xét lại những dự án của mình. Nói cách khác, hàng hóa ứ đọng, giá cả tăng vọt và thất nghiệp gia tăng là những kết quả có thể dự đoán nếu Trung Quốc tiếp tục sử dụng chiêu bài trừng phạt đối với Philippines.

Đối với Philippines, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba. Năm 2011, ngoại thương giữa hai nước đã đạt mức 30 tỉ USD và dự định sẽ mở rộng lên 60 tỉ USD vào năm 2016. Thống kê cho thấy thương mai song phương giữa hai quốc gia này chiếm 30% đối với Philippines nhưng chỉ 0,89% đối với Trung Quốc. Do đó, những đòn trừng phạt nhắm vào hai ngành kinh tế chủ chốt của Bắc Kinh đã gây khó khăn không ít cho quốc gia phụ thuộc khá nhiều vào nhập khẩu sang Trung Quốc này. Rõ ràng Philippines đang ở thế yếu. Đáp trả một cách yếu ớt, các nghị sĩ Quốc hội đề xuất áp dụng lệnh trừng phạt ngược lại đối với hàng hóa Trung Quốc. Làm sao để lấy lại thế cân bằng trong nước cờ không cân xứng này vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp. Chỉ biết rằng thiệt hại kinh tế sẽ là gánh nặng mà Manila phải toan tính khi muốn tiến hành thêm một bước cứng rắn nào đó trong đối sách với Bắc Kinh.

VÂN ANH - LÊ TRÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm