Tranh chấp thương mại: Trọng tài “lép vế” tòa án

Sáng qua (28-5), Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) và Sở Tư pháp TP.HCM đã tổ chức hội thảo liên quan đến giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế.

Sai tên là bị loại khỏi cuộc chơi

Tại hội thảo, các luật sư cho biết tranh chấp thương mại hiện nay có thể được giải quyết thông qua trọng tài hoặc kiện ra tòa án. Tuy nhiên, trọng tài thường bị loại một cách oan ức chỉ vì khi soạn thảo hợp đồng, doanh nghiệp ghi tên của trung tâm trọng tài không chính xác. Ví dụ, “Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam” thì bị ghi thiếu chữ “quốc tế” hoặc ghi thừa chữ “tại” là coi như bỏ luôn thỏa thuận chọn trọng tài!

Thạc sĩ Trần Thanh Tùng, Văn phòng luật sư Phước và các cộng sự, cho rằng không nên gạt bỏ trọng tài trong trường hợp ghi sai tên. Theo ông Tùng, nên chỉnh sửa các quy định theo hướng mở ra lối thoát cho các bên tiếp tục chọn trọng tài.

Trước các ý kiến nêu trên, GS-TS Lê Hồng Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, cho biết quan điểm riêng của ông là nên chấp nhận chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp cho dù các bên đã viết sai tên gọi của trung tâm trọng tài. Ông cho rằng khi thỏa thuận chọn trọng tài, thực chất là các bên muốn loại bỏ tòa án ra ngoài. Do đó, nếu loại bỏ trọng tài chỉ vì viết sai tên thì không hợp lý.

“Ông” tòa lớn hơn “ông” trọng tài

Ngoài chuyện bị loại oan ức vì sơ suất như trên, trọng tài còn bị cảm nhận là “lép vế” so với tòa án. Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng trọng tài không có quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (như kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản ngân hàng, bảo toàn chứng cứ trong trường hợp chứng cứ có nguy cơ bị tiêu hủy...). Hiện nay, nếu một bên tranh chấp muốn ngăn chặn bên kia tẩu tán tài sản thì chỉ có nước làm đơn yêu cầu tòa án ra quyết định. Ngoài ra, tòa án cũng có thể hủy quyết định của trọng tài (trong trường hợp các bên tranh chấp không có thỏa thuận chọn trọng tài hoặc có thỏa thuận nhưng thỏa thuận vô hiệu hoặc trọng tài viên có vi phạm trong quá trình giải quyết...). Theo luật sư Hòa, những điều này làm cho người ta thấy “ông” tòa lớn hơn “ông” trọng tài! Bà Hòa cho rằng nên chăng cho trọng tài quyền được ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Tương tự, luật sư Phan Thông Anh, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Việt Nam, cũng kiến nghị cho trọng tài được hưởng quyền trên. Tuy nhiên, luật sư Lê Hồng Nguyên, Trưởng Văn phòng luật sư Hồng Nguyên & Associates, lại cho rằng không nên để trọng tài có quyền này. Ông cho rằng trọng tài mang tính mềm dẻo, linh hoạt, đề cao sự thỏa thuận của các bên nên không thể để trọng tài dùng các biện pháp “cứng” như kê biên, phong tỏa.

Về việc phiên tòa hủy quyết định của trọng tài, GS-TS Lê Hồng Hạnh cho biết ông phản đối sự có mặt của kiểm sát viên trong phiên tòa hủy quyết định của trọng tài. “Trông rất vô duyên!” - ông Hạnh nói. Ông băn khoăn về việc có nên tiếp tục để phiên tòa này diễn ra theo trình tự y như một phiên tòa sơ thẩm hay không. Luật sư Trương Thị Hòa góp ý rằng nên có cơ chế như là “giám đốc thẩm” quyết định của trọng tài.

Cần có hợp đồng mẫu

Luật sư Trương Thị Hòa cho biết doanh nghiệp nước ngoài thường có hợp đồng mẫu rất dài, phức tạp, nhiều thuật ngữ khó hiểu. Trong khi doanh nghiệp Việt Nam thì mỗi nơi một kiểu hợp đồng, nhiều trường hợp nội dung hợp đồng không đầy đủ, thậm chí các điều khoản “đá” nhau. Theo bà Hòa, cần xây dựng hợp đồng mẫu để hướng dẫn cho doanh nghiệp tránh vướng mắc, thiếu sót.

Tuy nhiên, ông Trương Quang Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công thương), cho biết: “Nếu giao cho tôi làm hợp đồng mẫu thì chắc tôi từ chức luôn”! Bởi theo ông, mỗi ngành nghề, mỗi loại sản phẩm đều có đặc điểm riêng nên một hợp đồng mẫu không thể nào “ôm” hết được. Ông Nam cho rằng từng hiệp hội đứng ra làm hợp đồng mẫu cho ngành của mình thì hợp lý hơn, nhà nước chỉ có thể tư vấn cho hiệp hội thực hiện.

Về hình thức hợp đồng, ông Nam cho biết tuy là luật cho phép giao kết hợp đồng bằng lời nói, hành vi nhưng khó mà “cổ động” hay mở rộng cho doanh nghiệp sử dụng hình thức trên, trừ những giao dịch đơn giản. Ông cho rằng hợp đồng giấy trắng mực đen mà còn tranh chấp “lên bờ xuống ruộng”, thậm chí e-mail, bản fax còn bị chối phăng, không được công nhận là chứng cứ. Do đó, hợp đồng bằng lời nói với hành vi mà xảy ra tranh chấp thì làm sao giải quyết tranh chấp cho được!

GS-TS Lê Hồng Hạnh cho biết những ý kiến trên sẽ được đoàn làm việc ghi nhận. Đây là những đóng góp ban đầu để xây dựng dự án Luật Trọng tài thương mại.

Dự kiến tháng 5-2009, dự án luật này sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến và sẽ được thông qua vào tháng 10-2009.

QUỲNH NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm