Ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản cho thuế:

Tránh gây phiền hà, tốn kém cho khách hàng

TS CẤN VĂN LỰC, chuyên gia tài chính NH:
Các bên phải ngồi lại với nhau
Tôi cho rằng trước hết cần phải hiểu đúng hơn về Nghị định 126/2020. Cụ thể, ngân hàng (NH) không có trách nhiệm phải cung cấp toàn bộ thông tin của mọi khách hàng, mà chỉ cung cấp thông tin khách hàng của bên phía cơ quan thuế yêu cầu. Những khách hàng này chủ yếu là “có vấn đề” về giao dịch thanh toán mà cơ quan thuế đang cần hệ thống NH phối hợp để xác minh thông tin. 
Tránh gây phiền hà, tốn kém cho khách hàng ảnh 1
 
Về phía người dân, quy định này chắc chắn có phần nào đó ảnh hưởng đến lo ngại về bảo mật thông tin, dữ liệu nhưng chúng ta phải tính đến lợi ích toàn cục của nền kinh tế và thông lệ quốc tế cũng cho phép làm như vậy. 
Có điều cơ quan thuế và NH cần phải ngồi lại với nhau để xác định tiêu chí khách hàng nào sẽ phải cung cấp thông tin và cung cấp theo phương thức nào (điện tử hay là giấy). 
Khi cung cấp thông tin rồi thì việc cam kết bảo mật thông tin sẽ được thực hiện như thế nào để tránh tạo ra những quy định hành chính quá cồng kềnh và tốn kém. Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan cũng cần phải đưa ra cơ chế liên thông dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin để tránh phải làm thủ công quá nhiều trong quá trình tương tác và trao đổi thông tin, dữ liệu giữa các bên. 
Trước mắt, Chính phủ cũng nên sớm ban hành quy định về chia sẻ thông tin, dữ liệu trong bối cảnh công nghệ phát triển rất nhanh. Qua đó cho phép các bộ, ngành, cơ quan, doanh nghiệp có thể chia sẻ thông tin, dữ liệu với nhau và đều phải có trách nhiệm bảo quản thông tin.

Quy định tại Nghị định 126 nhận được nhiều ý kiến băn khoăn về tính bảo mật thông tin cá nhân. Ảnh: TL

TS HUỲNH TRUNG MINH, chuyên gia tài chính:
Nước ngoài khác Việt Nam
Ở nước ngoài, các cơ quan thuế kết nối với NH là điều hết sức bình thường. Nhưng vấn đề là ở chỗ người dân được quản lý theo mã số định danh cá nhân và kết nối với hệ thống quản lý của các cơ quan nhà nước. Do đó, bất cứ cơ quan nào dùng mã số định danh cá nhân thì có thể truy cập được thông tin của cá nhân đó. 
Việc bảo mật an ninh, an toàn liên quan đến thông tin cá nhân cũng được quy định rõ ràng trong pháp luật. Có nghĩa là bất cứ cơ quan hay tổ chức nào để lộ thông tin cá nhân thì đơn vị, tổ chức đó sẽ phải chịu trách nhiệm. Và hầu như các hoạt động thanh toán ở những nước phát triển đều thực hiện qua tài khoản, tỉ lệ sử dụng tiền mặt rất ít.
Đối với Việt Nam thì mọi chuyện hơi khác. Số người dân chi tiêu hằng ngày sử dụng tiền mặt quanh ngưỡng 80% và có tới 70%-80% giao dịch tại ATM là giao dịch rút tiền. Tỉ lệ sử dụng tiền mặt vẫn còn quá lớn. 
Bởi vậy, dù chủ trương của cơ quan thuế là nhằm chống thất thu thuế của những đối tượng kinh doanh qua mạng là hoàn toàn đúng. Song vấn đề đặt ra là việc thực thi quy định vào thời điểm này có hợp lý hay không? Liệu khi quy định này có hiệu lực có dẫn đến trường hợp kinh doanh trực tuyến chuyển từ việc thanh toán chuyển khoản qua thanh toán tiền mặt? Cơ quan thuế lấy chứng cứ đâu để thu thuế?...
Điều này có nghĩa là thuế vẫn cứ thất thu và chủ trương hạn chế sử dụng tiền mặt của Chính phủ có thể sẽ bị ảnh hưởng. Mặt khác, mục đích của nghị định này là giúp công bằng mà lại hóa bất công bằng.
Tôi cho rằng để có thể thu thuế thì cần nhiều yếu tố, trong đó trách nhiệm của cán bộ ngành thuế cần phải thanh tra, giám sát thường xuyên và chặt chẽ hơn. Song song đó đưa ra các chính sách hỗ trợ giảm thuế, tạo điều kiện phát triển cho các cá nhân kinh doanh online và thực hiện 100% thanh toán qua NH… thì việc thu thuế mới thực sư đạt hiệu quả. 
Còn nếu chỉ đưa ra những quy định tại Nghị định 126 như NH phải cung cấp thông tin khách hàng cho ngành thuế thì thực sự vấn đề chống thất thu thuế trên kênh thương mại điện tử, mạng xã hội… vẫn chưa thể giải quyết triệt để.
Luật sư TRẦN XOA, chuyên gia thuế:
Tránh gây thiệt hại cho khách hàng
Khi NH cung cấp thông tin tài khoản cho ngành thuế, điều đáng lo ngại nhất là tính bảo mật. Nếu NH để lộ thông tin khách hàng là doanh nghiệp thanh toán thẻ sẽ gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng không chỉ về thương hiệu, mất uy tín khách hàng. Đặc biệt là sẽ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu sụt giảm thiệt hại rất lớn.
Đáng lo ngại nữa là theo quy định của Nghị định 126, trường hợp bị lộ thông tin sẽ rất khó xác định lỗi do phía nào, NH hay cơ quan thuế. Do vậy cần có quy định chặt chẽ về vấn đề này, tránh gây thiệt hại cho doanh nghiệp và khách hàng, tránh gây ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh thu hút đầu tư. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm