Tranh luận tới cùng vì quyền lợi doanh nghiệp

Giảm bớt, tiến tới loại bỏ cơ chế xin-cho và giấy phép con là những luận điểm mà TS Nguyễn Đình Cung và Vũ Tiến Lộc cùng theo đuổi.

“Thị trường, thị trường, thị trường hơn”. Đó là lời chào của tôi mỗi khi gặp Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) TS Nguyễn Đình Cung. Bởi lẽ đó là tinh thần xuyên suốt của ông trong mọi quan điểm, phát biểu về quản lý kinh tế và là mục đích mà ông cũng như nhiều chuyên gia khác đang hướng tới để kinh tế đất nước thực sự phát triển.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI (trái) và TS Nguyễn Đình Cung luôn đau đáu vì quyền lợi doanh nghiệp. Ảnh: CL

Quyết không chấp nhận “quyền anh, quyền tôi”

Cuối tháng 6-2016, Chính phủ họp chuyên đề xây dựng pháp luật cùng 17 bộ, ngành để xem xét cắt bỏ những điều kiện kinh doanh (ĐKKD) vi hiến, trái Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp (DN).

Trao đổi với người viết sau những ngày họp căng thẳng, TS Nguyễn Đình Cung nói: “Tôi tranh luận với Bộ Công Thương về Thông tư 20/2011. Thông tư này yêu cầu các công ty nhập khẩu ô tô dưới chín chỗ ngoài việc phải có giấy ủy quyền chính hãng còn phải có garage với diện tích cụ thể. Không thể chấp nhận vì quản lý yếu kém của các cơ quan nhà nước mà đặt thêm điều kiện kinh doanh cho DN”.

Trong quá trình Chính phủ họp bàn để cắt bỏ các ĐKKD ngăn cản DN, người dân làm ăn, ông Cung là chuyên gia phản biện độc lập. Ông kể: “Vấn đề quyền của anh, quyền của tôi giữa các bộ, ngành rất rõ nét. Người ta ít nói về tính hợp lý của các ĐKKD mà thay vào đó là xoay quanh về chức năng, quyền hạn và phạm vi quản lý nhà nước”.

Từ những cuộc trao đổi với ông Cung cũng như với bộ trưởng Bộ KH&ĐT và cùng nhiều chuyên gia khác thuộc VCCI, CIEM, bức tranh về những “vòi bạch tuộc” ĐKKD vô lý, cản trở DN và người dân hiện ra ngày càng rõ. Loạt bài “Chặt đứt vòi bạch tuộc giấy phép con” trên Pháp Luật TP.HCM ra đời, vạch rõ chuyện nhiều bộ, ngành đang chạy đua “nâng cấp” giấy phép con thành nghị định. Trong loạt bài này, ông Cung thẳng thắn chỉ rõ mắt xích của cải cách là các bộ trưởng. “Các bộ trưởng phải hiểu được cái gì thực sự hợp lý hay không hợp lý. Phải hiểu, nghe và cảm nhận được cái gì là thuận lợi, cái gì là rào cản đối với DN và người dân. Bởi lẽ các bộ trưởng có ý nghĩa quyết định sự thành bại của công cuộc cải cách lần này”.

Tự do kinh doanh là trên hết

Ít ai biết được rằng ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI Việt Nam, chính là một trong những người tích cực vận động, góp ý việc đưa từ “doanh nhân” vào Hiến pháp.

Trong những cố gắng để loại bỏ những ĐKKD đang làm khó DN, người dân, cản trở quyền tự do kinh doanh hiến định, ông Lộc là một trong những chuyên gia tích cực gặp gỡ báo chí, lên tiếng để thúc đẩy việc cắt bỏ hàng loạt ĐKKD trái luật hồi tháng 6-2016.

Ông cùng với đội ngũ chuyên gia luôn đau đáu với môi trường kinh doanh đã lên tiếng ủng hộ đề xuất của Bộ KH&ĐT khi đưa dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh bằng những phương cách mạnh mẽ nhất. Ông lên tiếng giữa nghị trường tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV để bày tỏ sự “thất vọng” của mình khi Quốc hội chưa đưa luật này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh giai đoạn 2016-2017. Bởi lẽ theo ông, chậm một kỳ Quốc hội thì cơ hội sửa đổi những cản trở kinh doanh khiến dân giàu, nước mạnh lại bị lãng phí thêm sáu tháng. Môi trường kinh doanh cũng vì thế mà không thể cải thiện nhanh như mong muốn.

Trước mỗi sự kiện lớn, chẳng hạn như cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng và cộng đồng DN hồi tháng 4-2016, ông đều ngồi với báo chí để lắng nghe, chia sẻ và cùng bàn định những vấn đề chủ chốt mà dư luận, báo chí, đặc biệt là người dân và DN quan tâm.

Khi chúng tôi chuẩn bị viết bài về Thông tư 20/2011, ông Vũ Tiến Lộc trao đổi khá nhiều về những điều bất hợp lý trong thông tư và cho biết khi tranh luận thì tưởng như sẽ bỏ thông tư này nhưng sau đó lại gần như người ta không chịu bỏ. “Nhiều người viện dẫn lý do vì an ninh quốc phòng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và DN trong nước. Tuy nhiên, chắc chắn để thực hiện được những mục tiêu trên, không chỉ có một cách là quy định về ĐKKD. Có người lo ngại bỏ thông tư này sẽ xảy ra tình trạng nhập khẩu xe Trung Quốc nhưng nếu nỗ lực thì ta còn nhiều cách khác để giải quyết vấn đề kia mà” - ông Lộc trăn trở.

Khi Pháp Luật TP.HCM thực hiện tuyến bài “Chặt đứt vòi bạch tuộc giấy phép con”, ông Lộc phát biểu: “Thực sự ĐKKD chính là cơ chế xin-cho. Quản lý nhà nước cần phải dùng quy chuẩn, chuyển sang hậu kiểm để giảm bớt xin-cho trong đầu tư, kinh doanh. Làm được điều này, cả Nhà nước và DN đều giảm được gánh nặng. Đồng thời, quá trình rà soát các ĐKKD cần tuân thủ nguyên tắc thà bỏ sót ĐKKD còn hơn siết nhầm DN”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm