Truyền hình trả tiền: NTD đang chịu thiệt!

“Vì tiền, nhiều doanh nghiệp (DN) truyền hình vẫn tiếp tay cho kiểu quảng cáo bán hàng lừa dối người tiêu dùng (NTD) trên các kênh do đài mình phát, thậm chí còn không cung cấp thông tin về DN bán hàng”. ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký Hội Bảo vệ NTD Việt Nam, cảnh báo tại hội thảo Cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi NTD trong lĩnh vực truyền hình trả tiền (Hà Nội, ngày 10-9).

Cam kết một đằng, cung cấp một nẻo

Theo ông Vương Ngọc Tuấn, DN cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền có trách nhiệm thực hiện quy định về quản lý chất lượng dịch vụ, các kênh truyền hình cung cấp cho NTD phải đúng, đủ như cam kết. Tuy nhiên, phản ánh từ NTD mà hội nhận được thì không như vậy. Một khách hàng ở Tây Hồ (Hà Nội) kể đã ký gói hợp đồng với Đài Truyền hình Kỹ thuật số V. gồm 10 kênh HD nhưng đài chỉ phát có 3-4 kênh mà vẫn thu đủ tiền thuê bao hằng tháng.

Ngoài ra, theo ông thực tế còn xuất hiện nhiều vụ lừa đảo NTD thông qua việc bán hàng trên các kênh truyền hình có trả tiền.

Truyền hình trả tiền: NTD đang chịu thiệt! ảnh 1

Trường hợp khiếu nại về điện thoại di động Hiphone 5 được quảng cáo và bán hàng trên các kênh truyền hình trả tiền do một công ty cung cấp là ví dụ. Sản phẩm khi NTD nhận được lại không hề có tính năng, chất lượng tương đương chiếc iPhone như lời quảng cáo. Gọi đến số điện thoại là thông tin liên lạc duy nhất của nhà cung cấp, NTD chỉ được tư vấn là gửi hàng trở lại theo một địa chỉ nào đó hoặc tệ hơn là bị phớt lờ.

Một trường hợp khác là chị Trần Thị Ngọc Bích (Hà Nội) khiếu nại về sản phẩm máy tập bụng được quảng cáo có linh kiện 100% nhập từ Mỹ, giảm giá đến 70% do Công ty P. cung cấp. Sau khi ký hóa đơn nhận hàng do nhân viên đem tới, chị kiểm tra lại và phát hiện máy không hề có một linh kiện nào sản xuất tại Mỹ, chất lượng lại rất kém.

Trước tình hình này, ông Vương Ngọc Tuấn đề nghị các cơ quan quản lý cần có quy định quản lý chặt chẽ hơn nữa dịch vụ truyền hình trả tiền và hoạt động thương mại trên truyền hình nhằm đảm bảo lợi ích an toàn cho NTD.

Cẩn trọng trước khi ký hợp đồng

Điều đáng lưu ý là khi mua dịch vụ truyền hình trả tiền, cũng như mua sản phẩm được quảng cáo trên các kênh này, NTD ít khi đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng thỏa thuận trước khi ký. Vì thế, ông Cao Xuân Quảng, Phó ban Bảo vệ NTD (Cục Quản lý Cạnh tranh), cho biết nhiều người không biết mình bị thiệt khi xảy ra tranh chấp. Một số hợp đồng còn bắt buộc NTD phải tuân thủ các nghĩa vụ ngay cả khi DN cung cấp không hoàn thành nghĩa vụ của mình.

Chẳng hạn, hợp đồng quy định “trước ngày 10 hằng tháng, bên B sẽ gửi thông báo thanh toán cước đến địa chỉ đăng ký nhận thông báo cước của bên A. Trong thời gian từ ngày 10 đến 20 hằng tháng, nếu bên A chưa nhận được thông báo thanh toán cước, bên A phải liên hệ với bên B để được cung cấp thông tin. Sau thời hạn trên (từ ngày 21 trở đi), nếu bên B không nhận được phản hồi từ bên A thì được coi là bên A đã chấp nhận và đồng ý với nội dung của thông báo thanh toán cước”. Hay như điều khoản “sau khi hợp đồng có hiệu lực, bên B sẽ không hoàn trả lại phí lắp đặt hoặc phí hòa mạng ban đầu đã thu của bên A vì bất cứ lý do gì và bên A không có quyền khiếu nại trong trường hợp này” đã hạn chế hoặc loại trừ quyền khiếu nại, khởi kiện của NTD trong bất cứ trường hợp nào…

Theo ông Nguyễn Hà Yên, Cục phó Cục Phát thanh và Truyền hình, từ nay đến năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chỉ đạo tổ chức nội dung thông tin trên dịch vụ truyền hình trả tiền theo hướng vừa đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, vừa cung cấp đủ thông tin phổ biến kiến thức, giải trí đến NTD. Bộ sẽ triển khai cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền có chọn lọc cho các DN có chức năng truyền dẫn phát sóng đã có hạ tầng mạng truyền dẫn rộng khắp, quy mô và năng lực đầu tư đáng kể.

Việt Nam tốn 37,5 triệu USD để xem bóng đá Anh

Bà Trần Phương Lan, Trưởng ban Giám sát và Quản lý cạnh tranh, Cục Quản lý Cạnh tranh, cho biết thời gian qua hoạt động cạnh tranh mua bản quyền phát sóng các giải bóng đá hàng đầu thế giới diễn ra rất quyết liệt. Chi phí mua bản quyền quá lớn khiến cước thuê bao tăng liên tục. Giai đoạn 2007-2010 giá bản quyền phát sóng giải Ngoại hạng Anh ở Việt Nam khoảng 4 triệu USD, đến 2011-2013 tăng lên 19 triệu USD và từ nay đến 2016 sẽ là 37,5 triệu USD. Đơn vị thống lĩnh thị trường thì ép buộc nhà cung cấp kênh nội dung ký hợp đồng độc quyền. Các DN móc nối với chủ đầu tư khu đô thị, khu căn hộ để độc quyền cung cấp dịch vụ truyền hình cáp khiến NTD không có quyền chọn lựa. Đây là thỏa thuận hỗn hợp nhưng trong Luật Cạnh tranh chưa quy định.

Theo Bộ Công Thương, tổng doanh thu truyền hình trả tiền năm 2011 là 2 tỉ USD; 2012 là 2,5 tỉ USD. Với tốc độ tăng trưởng từ 20% đến 25% giai đoạn 2011-2015, đây là thị trường rất tiềm năng.

TRÀ PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm