"Tư nhân hóa" xét nghiệm ADN: Thẩm quyền của Bộ y tế

Liên quan đến việc Công ty Én Việt Pháp ở TP.HCM xin bổ sung một ngành nghề mới lại gây tranh cãi giữa các cơ quan quản lý (báo Pháp Luật TP.HCMsố ra ngày 25-7), chúng tôi tiếp tục tìm câu trả lời: cơ quan nào có quyền cấp phép.

Đích danh Bộ Y tế

Tại cuộc họp của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP cuối tuần qua, đại diện Sở Tư pháp TP cho rằng chưa có quy định về cấm hay cho kinh doanh trong lĩnh vực mới toanh này. Vì vậy có ý kiến rằng Sở Kế hoạch và Đầu tư TP nên hỏi ý kiến Bộ Y tế xác định lại.

Chiều 25-7, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết theo quy định, bộ quản lý chuyên ngành mới là cơ quan cho ý kiến về việc cấp phép hay không. Đối với những ngành nghề mới lạ hoặc những ngành nghề chưa rõ ràng, nếu các sở hỏi thì Bộ có nhiệm vụ hỏi lại các bộ chuyên ngành để trả lời lại.

“Trong trường hợp xin cấp phép ADN nói trên, Bộ Y tế chính là cơ quan trả lời về việc liệu DN có được cấp phép kinh doanh hay không” - đại diện Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho hay.

Coi chừng DN “lách”

Ở góc độ khác, ông Phan Văn Hiếu, Giám đốc Trung tâm Pháp y TP, cho biết chỉ có Trung tâm Pháp y TP, Viện Pháp y quốc gia, Viện Khoa học hình sự, Viện Pháp y quân đội được phép lấy mẫu xương, tóc, móng tay, tinh trùng… để xét nghiệm ADN với mục đích phục vụ tố tụng. Đồng thời, các đơn vị này cũng được tiến hành xét nghiệm theo yêu cầu của người dân.

"Tư nhân hóa" xét nghiệm ADN: Thẩm quyền của Bộ y tế ảnh 1

Nhân viên Trung tâm Pháp y TP.HCM xem kết quả xét nghiệm ADN do hệ thống máy phân tích ra. Ảnh: QN

Ông Hiếu cho rằng chưa có quy định về việc kinh doanh dịch vụ lĩnh vực ADN, cho nên hiện tư nhân chưa được phép tham gia. Tuy nhiên, ở TP.HCM vẫn có ít nhất một đơn vị y tế và một công ty tư nhân đang cung cấp dịch vụ xét nghiệm ADN nhằm xác định quan hệ cha-con, nhân thân hài cốt liệt sĩ. Ở Hà Nội cũng có tình trạng tương tự.

Thậm chí, trước đây nhà đầu tư nước ngoài cũng quan tâm dịch vụ này. Trước thời điểm Công ty Én Việt Pháp nộp hồ sơ xin cấp phép, có một nhà đầu tư nước ngoài nộp hồ sơ ở Sở Kế hoạch và Đầu tư TP với dự án “tư vấn và lấy mẫu kiểm tra ADN”. Tuy nhiên, khi hồ sơ chưa giải quyết xong thì nhà đầu tư này xin rút.

Ông Hiếu suy đoán: việc DN chỉ xin lấy mẫu mà không xin xét nghiệm ADN có thể là một cách lách quy định. Điều này dẫn đến DN đăng ký dịch vụ lấy mẫu sẽ nói chỉ lấy mẫu chứ không đụng đến quy định về xét nghiệm. Còn DN xét nghiệm sẽ nói xét nghiệm nhằm mục đích nghiên cứu.

Cẩn trọng với hệ lụy

Ông Hiếu cho rằng trên thực tế, nhiều người có nhu cầu xét nghiệm. Bản thân Trung tâm Pháp y TP cũng đã làm một số vụ xét nghiệm theo nhu cầu của người dân. Thế nhưng ông cho rằng nếu Nhà nước cho phép tư nhân hoạt động lĩnh vực này sẽ đua nhau mở ra làm tràn lan và kích thích người dân đi xét nghiệm xem con ruột, con rơi… Điều này sẽ gây hậu quả xấu cho xã hội.

“Chưa kể nếu tách khâu lấy mẫu ra khỏi khâu xét nghiệm thì càng nguy hiểm hơn. Ví dụ, đứa bé là con ruột nhưng trong quá trình lấy mẫu, có người cố ý đánh tráo mẫu hoặc vô tình làm mẫu tạp nhiễm ADN. Xét nghiệm cho ra kết quả không phải là con ruột sẽ làm tan nát gia đình thì có phải gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội không?” - ông Hiếu phân tích. Do đó, ông Hiếu cho rằng không nên mở rộng cho tư nhân tham gia lĩnh vực này.

Một giám định viên tại Trung tâm Pháp y TP cho biết để có móng tay phục vụ tốt cho xét nghiệm thì phải có quy trình xử lý móng trước khi cắt. Sau khi cắt phải xử lý nhiệt trên 120oC, phải khử móng qua dung dịch hóa chất chuyên biệt… Nếu không trên móng sẽ mang rất nhiều ADN tạp nhiễm do trước đó đã gãi, đụng chạm hay xoa đầu người khác. Tương tự, lấy mẫu từ hài cốt cũng phải chọn phần xương phù hợp, xử lý xương sao cho không còn lẫn ADN của những người bốc mộ bằng hóa chất và các kỹ thuật khác… Để có kết quả chính xác thì khâu lấy mẫu không đơn giản chút nào.

Nhiều dịch vụ lạ

Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cũng thường gặp những kiểu ngành nghề mới lạ. Như trước đây có DN xin đăng ký dịch vụ đưa thi hài người nước ngoài về nước nhằm đáp ứng cho người nước ngoài đi du lịch, đi công tác tại Việt Nam bị tai nạn, đột biến… mà qua đời. Tuy nhiên, vào thời điểm đó chưa có quy định nào về lĩnh vực “nửa giao thông, nửa y tế” như thế này. Về sau dịch vụ này đã được cấp phép kinh doanh.

Viện dẫn cam kết gia nhập WTO

Trước Công ty Én Việt Pháp, một nhà đầu tư nước ngoài cũng nộp hồ sơ và xếp dự án “tư vấn và lấy mẫu kiểm tra ADN” vào nhóm ngành dịch vụ liên quan đến tư vấn khoa học kỹ thuật. Nhà đầu tư này viện dẫn biểu cam kết về dịch vụ gia nhập WTO. Theo đó, nếu VN cho phép tư nhân được kinh doanh dịch vụ trên, sau ba năm nhà đầu tư nước ngoài cũng được kinh doanh dưới hình thức liên doanh, sau năm năm có thể đầu tư trực tiếp mà không cần liên doanh.

QUỲNH NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm